Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ việc nhiều tài xế ôtô sử dụng tiền lẻ mệnh giá 200 đồng, 500 đồng, 1.000 đồng trả phí khi qua trạm thu phí Cai Lậy.
Tuyến đường này thường xảy ra kẹt xe từ khoảng 17h cho đến 20h mỗi ngày. Kẹt xe kéo dài hơn 5km ở mỗi hướng. Nhiều ngày qua, tình trạng này không có dấu hiệu giảm.
Trước tình trạng này, CSGT tỉnh Tiền Giang đã điều động hơn 20 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường để điều tiết giao thông, chống ùn tắc.
Ngoài ra, mỗi cabin thu phí được tăng cường từ 3-4 nhân viên. Bốn làn xe từ Vĩnh Long về TP.HCM được mở thành 6 làn, nhân viên đứng bên ngoài bán vé thủ công cho xe qua trạm. Tuy nhiên, tình trạng kẹt xe vẫn không giảm.
Trạm thu phí ở Cai Lậy - Tiền Giang kẹt cứng. |
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin sáng 10/8, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết: “Tình trạng ùn ứ, kẹt xe tại trạm thu phí Cai Lậy đã được Tỉnh cảnh báo, và gửi đến bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT).
Ngoài ra, Tỉnh cũng đã kiến nghị bộ GT-VT xem xét có giải pháp để tránh ùn tắc khi đặt trạm thu phí ở vị trí này. Bởi, Quốc lộ 1A luôn có lượng xe lớn lưu thông, nhất là các ngày lễ, tết. Vì thế, UBND tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo sở GT-VT và CSGT phối hợp theo dõi hoạt động tại trạm. Trường hợp kẹt xe yêu cầu đơn vị đầu tư phải xả trạm”.
Về mức phí vận tải được cho là khá cao ở trạm Cai Lậy khiến nhiều tài xế bất bình, UBND tỉnh Tiền Giang cũng hết sức cảm thông. Bởi, tài xế phản đối để đòi quyền lợi cho chính mình là chuyện đương nhiên.
Tuy nhiên, họ phải biết đấu tranh, đòi quyền lợi sao cho hợp lý, đúng quy định pháp luật, tránh gây ảnh hưởng đến giao thông chung.
Cũng vấn đề này, ông Trần Văn Bon, Giám đốc sở GT-VT tỉnh Tiền Giang cho biết, Sở đã đề xuất mức phí 35.000 đồng/lượt nên giảm xuống còn 25.000 đồng, 180.000 đồng/lượt giảm xuống còn 150.000 đồng.
Dù cao tốc Trung Lương - TP.HCM có quy mô đầu tư lớn hơn nhưng mức vé thấp nhất của họ là 40.000 đồng/lượt. Tại trạm thu phí Cai Lậy lại có vé thấp nhất 35.000 đồng/lượt. Mức phí của Cai Lậy khá cao”.
Giải thích cho việc thu phí cao, ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc công ty TNHH BOT đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang cho biết, đơn vị vẫn chưa nắm được đề nghị hạ mức phí từ tỉnh Tiền Giang. Bởi, mức phí và vị trí đặt trạm đã được bộ Tài chính và bộ GT-VT phê duyệt nên thay đổi cũng phải do các Bộ quyết định.
Ngoài ra, nguyên nhân mức phí ở trạm thu Cai Lậy cao hơn cao tốc Trung Lương vì thời gian thu ngắn hơn, chỉ hơn 6 năm so với trên 20 năm. Số phí bảo trì mỗi năm đóng trên đầu xe chỉ đủ để bảo trì, dặm vá ổ gà chứ không thấm vào đâu so với số tiền bỏ ra”.