Theo kết luận điều tra bổ sung, Vetranco là công ty con của Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM). Từ năm 2007- 2013, TGĐ VEAM qua các thời kỳ đã ký 7 văn bản cam kết bảo lãnh thanh toán cho các hợp đồng tín dụng Vetranco vay tiền tại các ngân hàng.
Từ việc bảo lãnh của VEAM, Vetranco đã vay tiền tại các ngân hàng để thanh toán tiền mua hàng cho Công ty CP Thương mại và Đầu tư Bách Việt.
Số hàng hóa mua của Công ty Bách Việt được Vetranco ký hợp đồng bán hàng trả chậm cho nhóm các công ty của ông Trần Quang Tiến (Công ty Tương Lai, Công ty Minh Quang, Công ty Thép Minh Quang).
Khi đến hạn, nhóm các công ty của ông Tiến không trả tiền nên Vetranco không có tiền trả ngân hàng. Vì vậy, VEAM buộc phải dùng nguồn tiền của Tổng công ty để trả cho các ngân hàng thay Vetranco.
|
Bị can Trần Quang Tiến (trái) và Đào Quốc Việt |
Hiện các công ty Minh Quang, Thép Minh Quang, Tương Lai đã dừng hoạt động, không còn tài sản gì, không có khả năng trả nợ, gây thất thoát thiệt hại cho VEAM và Vetranco.
Theo lời khai của ông Lâm Chí Quang (cựu TGĐ VEAM), ông biết Vetranco là công ty thành viên, có vốn điều lệ năm 2010 và 2012 lần lượt 10 tỷ đồng và 12,5 tỷ đồng.
Tỷ lệ góp vốn của VEAM tại Vetranco là 51% thì chỉ được phép bảo lãnh thanh toán tối đa theo từng thời điểm là 5,15 tỷ đồng và hơn 6,3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ năm 2011- 2013, ông Quang đã chỉ đạo Phòng Tài chính kế toán soạn thảo và trực tiếp ký 4 cam kết bảo lãnh thanh toán hoặc hợp đồng bảo lãnh đối với các hợp đồng tín dụng cho Vetranco tại Ngân hàng BIDV, Agribank và Vietinbank, với tổng số tiền bảo lãnh là 193 tỷ đồng.
VEAM đã phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho Vetranco để trả nợ cho các ngân hàng 10 khoản nợ, với tổng giá trị hơn 77 tỷ đồng. Vetranco mới trả 1,46 tỷ đồng, còn nợ VEAM hơn 75 tỷ không thể thu hồi được.
Vì đâu nên nỗi?
Theo lời khai của ông Đào Quốc Việt (cựu Giám đốc Vetranco), quá trình điều hành hoạt động, để có vốn kinh doanh, ông Việt đã nhiều lần ký công văn gửi VEAM đề nghị cho vay dưới nhiều hình thức.
Tính đến ngày 31/12/2018, Vetranco còn dư nợ tại VEAM 216 tỷ đồng, không có khả năng trả nợ. Ngoài ra, Vetranco còn đang dư nợ tại Ngân hàng MB chi nhánh Tây Hồ 31,1 tỷ đồng không có khả năng chi trả.
Đối với việc sử dụng 216 tỷ đồng dư nợ tại VEAM, ông Việt thừa nhận như sau: Ông có mối quan hệ với ông Trần Quang Tiến từ khi làm Phó giám đốc tại Matexim Hà Nội.
Sau khi ông Việt về làm Giám đốc Vetranco, ông Tiến gặp trao đổi và hợp tác kinh doanh.
Đến khoảng năm 2011, do không có vốn để kinh doanh và khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, ông Tiến đề nghị vay tiền của Vetranco.
Theo kết quả điều tra, để che dấu việc cho vay tiền trái quy định, hai bên thỏa thuận hợp thức bằng cách ký hợp đồng mua bán hàng hóa khống.
Theo thỏa thuận, ông Tiến phải trả cho Vetranco tiền lãi vay được tính theo lãi ngân hàng, tùy từng thời điểm ký hợp đồng, cộng với lợi nhuận từ 0,8- 1,25% tổng giá trị mỗi hợp đồng và được thể hiện cụ thể trên từng hợp đồng...
Ngoài ra, ông Việt thỏa thuận với ông Tiến về việc trả một phần lợi nhuận hợp đồng và lãi vay ngoài hợp đồng cho cá nhân ông Việt và các cá nhân khác tại Vetranco.
Kết quả điều tra xác định, từ năm 2010- 2013, ông Tiến đã chuyển ngoài hợp đồng số tiền hơn 5,7 tỷ đồng cho ông Việt.
Liên quan đến 15 hợp đồng mua hàng của VEAM và Công ty Bách Việt bán trả chậm cho các công ty của ông Tiến, đến nay còn dư nợ hơn 182 tỷ đồng.
Bản kết luận điều tra bổ sung cho rằng, 182 tỷ đồng này chính là thiệt hại gây ra do ông Việt với động cơ vụ lợi đã làm trái công vụ.