Mới đây, bà Q.H.L (35 tuổi ở Hà Nội) - người vừa được trao vương miện hoa hậu cuộc thi "Hoa hậu Doanh nhân sắc đẹp Việt 2020" cho biết bà đã phải chi cả tỷ đồng cho cuộc thi "Hoa hậu Doanh nhân sắc đẹp Việt 2020", các thí sinh khác tham gia cuộc thi cũng phải bỏ tiền… mua danh.
Đáng chú ý, bà L. cũng tố cáo cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân sắc đẹp Việt 2020,không có giấy phép. Bà L. phát hiện cuộc thi Hoa hậu này là chui khi muốn đi làm chương trình từ thiện nên đã liên hệ ban tổ chức đề nghị cung cấp giấy phép cuộc thi nhưng không được.
Tổ chức thi Hoa hậu chui, thu tiền bán danh, xử thế nào?
Mới đây, trao đổi với báo chí, ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết Cục đã nhận được đơn tố giác của bà Q.H.L. tố cáo cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân sắc đẹp Việt 2020.
Hình ảnh cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân sắc đẹp Việt 2020 |
Tuy nhiên, ông Dương cho rằng, Cục Nghệ thuật Biểu diễn không tham mưu và cấp phép cho cuộc thi nào có tên Hoa hậu Doanh nhân sắc đẹp Việt 2020 nên Cục đã đã gửi công văn tới Thanh tra Bộ VHTTDL đề nghị kiểm tra xác minh thông tin và xử lý sai phạm theo luật định. “Tổ chức thi "chui" thì phải xử phạt. Sai đến đâu thì xử lý đến đó, xử nghiêm tất cả các hành vi vi phạm" - ông Dương nói.
Dư luận đặt câu hỏi, nếu "Hoa hậu Doanh nhân sắc đẹp Việt 2020" là cuộc thi “chui”, thí sinh phải bỏ tiền mua danh, đơn vị tổ chức và đơn vị, cá nhân liên quan sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, những cuộc thi hoa hậu “chui” này ngày càng diễn ra nhiều xuất phát từ thói háo danh của một số người, quản lý yếu kém và những chiêu trò của một số tổ chức. Dưới góc độ pháp lý, có thể xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật sư Cường cho rằng, theo quy định của pháp luật, việc tổ chức các cuộc thi người đẹp, thi hoa hậu, được sự đồng ý của cơ quan chức năng, ở đây là Cục Nghệ thuật Biểu diễn thuộc Bộ VHTTDL.
Trường hợp tổ chức, cá nhân nào đứng ra tổ chức thi hoa hậu mà không có sự cho phép, quản lý của cơ quan chức năng thì sẽ bị xử phạt hành chính hoặc có thể còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có liên quan đến tiền bạc.
Hành vi tổ chức thi hoa hậu mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép là vi phạm điểm a, khoản 1, Điều 14 Nghị định 158/2013/NĐ-CP về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, không thông báo bằng văn bản về nội dung chương trình thi người đẹp, người mẫu đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi tổ chức thi theo quy định.
Đồng thời, công ty vi phạm điểm c, khoản 4, Điều 14 của Nghị định về tổ chức thi người đẹp và người mẫu có quy mô toàn quốc, người đẹp và người mẫu quốc tế tổ chức tại Việt Nam.
Trường hợp những người tổ chức thi hoa hậu đưa tin sai sự thật nhằm thu tiền trái phép của các thí sinh dự thi thì hành vi có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bởi vậy trong trường hợp có đơn tố cáo của những người tham gia thi hoa hậu hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, họ cung cấp thông tin về việc họ đã bị gian rối và mất tiền, số tiền từ 2.000.000 đồng trở lên, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ và xử lý vi phạm đối với những người có liên quan.
Trường hợp có căn cứ cho thấy có tổ chức, cá nhân đã đưa ra thông tin gian dối nhầm chiếm đoạt tiền của những người tham gia cuộc thi đó thì người gian dối để chiếm đoạt tài sản có thể bị xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 174 bộ luật hình sự năm 2015 với mức hình phạt cao nhất có thể là 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Luật sư Cường cho rằng, việc tổ chức các cuộc thi người đẹp, thi hoa hậu là để tôn vinh vẻ đẹp con người Việt Nam, tạo niềm tin động lực cho những cá nhân, tổ chức và thu hút khách du lịch. Cái đẹp được tôn vinh là phải được đặt đúng chỗ của nó, có sự quản lý, có tổ chức của cơ quan có thẩm quyền, được vinh danh theo trình tự thủ tục thì mới xứng đáng.
Những hoa hậu trong các cuộc thi hợp pháp là thể hiện sự tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam, họ có sứ mệnh của một hoa hậu để làm cho xã hội tươi đẹp hơn, lan tỏa hình ảnh cái đẹp và cái thiện trong đời sống xã hội. Thời gian gần đây liên tục xảy ra những vụ việc tổ chức thi hoa hậu chui làm xấu đi hình ảnh của hoa hậu, ảnh hưởng đến danh hiệu cao quý này và gây nhiễu loạn xã hội, làm gia tăng thói háo danh của một số cá nhân.
Bởi vậy có thể nói rằng đã đến lúc phải dẹp loạn hoa hậu tự xưng, xử lý nghiêm đối với các tổ chức cá nhân đã tổ chức các cuộc thi chui này theo quy định pháp luật.
Bỏ cấp phép cuộc thi sắc đẹp có loạn “hoa hậu”?
Sắp tới Nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2021. Một trong những thay đổi lớn của nghị định lần này là ở các quy định về thi người đẹp, hoa hậu. Lần đầu tiên, việc tổ chức các cuộc thi hoa hậu, người đẹp sẽ không cần sự cấp phép của Cục Nghệ thuật Biểu diễn, các sở quản lý văn hóa mà chỉ cần UBND tỉnh chấp nhận.
Nhiều ý kiến quan ngại tình trạng “loạn” hoa hậu sẽ diễn ra với vô số danh hiệu từ các cuộc thi sắc đẹp. Lo lắng trên có cơ sở khi cuộc thi "Hoa hậu Doanh nhân sắc đẹp Việt 2020" được tổ chức “chui” khi Nghị định 144/2020/NĐ-CP còn chưa có hiệu lực. Cho thấy, việc nhiều đơn vị tổ chức cuộc thi sắc đẹp chui để trao các danh hiệu, danh xưng cho những người háo danh, sử dụng danh hiệu này cho các mục đích cá nhân, không loại trừ mục đích thu lợi bất chính, gây bức xúc trong đời sống xã hội,
Trao đổi với báo chí, ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, theo nghị định 144/2020/NĐ-CP quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2021, thì các cuộc thi nhan sắc muốn được tổ chức phải có sự chấp nhận của UBND cấp tỉnh.
Theo đó, các cuộc thi sắc đẹp sẽ giao cho chính quyền địa phương quản lý. Nếu họ thấy cuộc thi phù hợp với sự phát triển của địa phương thì họ chấp nhận cho tổ chức. Giao quyền cho địa phương sẽ giúp họ xử lý rất nhanh.
Nói về việc nghị định mới bỏ quy định giới hạn số lượng các cuộc thi sắc đẹp, không quy định tên gọi các cuộc thi sắc đẹp có dẫn đến tình trạng "loạn" hoa hậu? ông Dương khẳng định, tình trạng này sẽ không diễn ra. Bởi nếu tổ chức không tốt, các cuộc thi kém chất lượng sẽ bị đào thải. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý sẽ xử phạt mạnh tay đối với các cuộc thi có sai phạm, thậm chí là có thể xử lý hình sự nếu cuộc thi nào có dấu hiệu lừa đảo.
Thông qua sự giới thiệu của ông M.T.T bà L gặp ông N.V.H, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng & phát triển thương hiệu Việt Nam, để tham gia cuộc thi. Tuy nhiên, để nhận danh hiệu hoa hậu, bà L, đã phải chuyển cho ông N.V.H các khoản tiền tổng cộng là 800 triệu đồng. Ngoài ra, bà L. còn đáp ứng theo yêu cầu của ông N.V.H chi nhiều khoản khác như làm từ thiện hay những khoản chi phát sinh...Tổng cộng lên đến tiền tỷ.
Một đoạn vi bằng trao đổi giữa ông N.V.H và ông M.T.T. do bà L. cung cấp thể hiện ông N.V.H đưa ra nhiều mức giá có thể thỏa thuận cho các vị trí á hậu, hoa hậu: “Á hậu 2 btc (ban tổ chức) dg (đang) có 3 thí sinh chọn lấy nhé! 400 triệu - 500 triệu btc dg quyết”, “Hoa hậu tụt rồi anh. Hoa hậu 800 triệu, Á 2 300 triệu)... Những mức giá có thể dao động, bởi ban tổ chức sẵn sàng thỏa thuận giá cho thí sinh muốn “đầu tư”.
Theo thông tin từ bà L, ông N.V.H còn cung cấp mức giá các giải phụ như Miss dạ hội, Miss cộng đồng, Miss du lịch, Miss thời trang, Miss body đẹp, Miss thân thiện, Miss làn da đẹp, Miss nụ cười đẹp..., mỗi giải có giá 50 triệu đồng. “Ai muốn lấy giải nào cũng được”, bà L. nói. Bà L. khẳng định “giải thưởng đã được cơ cấu hết”.
>>> Mời độc giả xem thêm video: Sự cố sập cầu của thí sinh Hoa hậu Thái Lan 2020.
Nguồn: Tiền Phong