Trong đó, có trường hợp mới 6,5 tháng tuổi và cả 2 bệnh nhi đều cần phải gây mê để đốt laze các nốt sùi.
Theo 1 bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương, trong số trẻ bị sùi mào gà ở Hưng yên sau khi điều trị hẹp bao quy đầu tại Khoái Châu, Hưng Yên, có 2 trường hợp nhỏ tuổi nhất (cùng sinh năm 2017).
Những trường hợp này khó khăn trong điều trị hơn so với trẻ lớn do buộc phải gây mê. Do đó, phía bệnh viện đang phối hợp với bệnh viện Nhi Trung ương để tìm phương án phẫu thuật an toàn.
Một bệnh nhân nhi đang điều trị bệnh sùi mào gà tại BV Da liễu Trung ương. |
Được biết, bà Hoàng Thị Hiền có tổ chức khám, chữa bệnh cho trẻ em ở một số địa phương trong và ngoài huyện.
Trong khi đó, trả lời báo chí, ông Lều Văn Quân – Chánh thanh tra Sở Y tế Hưng Yên cho biết, theo phản ánh của người dân qua đường dây nóng và phản ánh của báo chí về hàng chục bé trai bị mắc sùi mào gà khi đi khám ở một phòng khám tư ở Dạ Trạch, Hưng Yên, chiều 17/7, Sở Y tế Hưng Yên đã thành lập đoàn đi kiểm tra xác minh thông tin ngay.
Ở khu vực đó có phòng khám của y sĩ Hoàng Thị Hiền, công tác tại trạm y tế xã Mễ Sở (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên), hiện đang làm công tác tăng cường ở Trung tâm y tế huyện Văn Giang.
Theo đó, qua hồ sơ y sĩ Hoàng Thị Hiền (ở Dạ Trạch) có giấy phép hành nghề nhưng phòng khám của bà Hiền chưa có giấy phép hoạt động.
Trong năm 2016, Phòng Y tế huyện Khoái Châu có đi kiểm tra 1 lần, thấy tại cơ sở có tủ thuốc, đã yêu cầu dừng hoạt động. Tuy nhiên, chiều 17/7 khi đoàn của Sở Y tế Hưng Yên tới kiểm tra thì bà Hiền đóng cửa và không gặp được.
Hiện nay, Sở Y tế Hưng Yên đã yêu cầu bà Hiền phải tới Sở Y tế làm việc vào chiều 18/7.
Hẹp bao quy đầu khá phổ biến ở trẻ em, nhưng nhiều ông bố bà mẹ không biết phải làm gì để khắc phục tình trạng này. Một số không ít nghe theo chỉ dẫn của bạn bè, vội vàng đưa các em nhỏ, thậm chí là mới vài tháng tuổi, đi nong bao quy đầu. Sau khi nong, nhiều bé đau đớn, khóc thét mỗi lần đi tiểu. Vì vậy, các chuyên gia y tế khuyên không nên đưa bé đi nong bao quy đầu quá sớm.