Tiết lộ gay cấn cuộc truy tìm siêu gián điệp của FBI
Từ thời niên thiếu, Brian Regan luôn bị đánh giá thấp vì mắc chứng khó đọc. Tuy nhiên, điểm yếu đó là vỏ bọc hoàn hảo cho Regan khi anh ta trở thành gián điệp
Manh mối từ những bức thư
Vào một buổi sáng thứ 2 tháng 12/2000, đặc vụ Steven Carr công tác tại Cục Điều tra Liên bang (FBI) trụ sở tại Washington DC nhận được kiện hàng chuyển phát nhanh từ văn phòng của cơ quan này ở New York. Trong kiện hàng là hàng chục trang giấy để trong 3 phong bì thư do một người giấu danh tính ở Lãnh sự quán Libya tại New York gửi.
|
Chân dung Brian Regan. |
Với dòng chữ in hoa “THƯ CHỨA THÔNG TIN NHẠY CẢM”, mở đầu các trang giấy là hướng dẫn cụ thể để các phong thư này không rơi vào tay cơ quan tình báo Mỹ. Phong bì thư đầu tiên chứa 4 trang giấy gồm 149 dòng chữ cái và các con số. Phong bì thư thứ hai bao gồm hướng dẫn giải mã ký hiệu.
FBI New York đã giải mã một vài dòng trong bức thư: “Tôi là nhà phân tích Trung Đông Bắc Phi cho CIA. Tôi sẵn sàng thực hiện hành vi gián điệp chống lại nước Mỹ bằng việc cung cấp cho nước bạn các thông tin mật. Tôi được phép tiếp cận tài liệu của mọi cơ quan tình báo Mỹ như Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), Cơ quan tình báo Quốc phòng (DIA), Bộ tư Lệnh trung ương (Centcom) và nhiều cơ quan tương tự”.
Để chứng minh, người gửi đã gửi kèm 23 trang trong cả 3 phong thư gồm hình ảnh vệ tinh tình báo Mỹ chụp các cơ sở quân sự tại Trung Đông và nhiều nơi khác. Một vài tài liệu khác là báo cáo tình báo về chính quyền và quân đội Trung Đông.
|
Hình ảnh FBI thu được chứng minh Regan phạm tội đánh cắp bí mật quốc gia. |
Đặc vụ Carr nhận định rằng người gửi bức thư trên đã phạm tội gián điệp khi cung cấp thông tin mật quốc gia cho nước ngoài. Carr liền báo cáo với cấp trên về việc FBI New York chuyển số tài liệu tới Washington DC. FBI New York đã tìm thấy địa chỉ thư điện tử mà người gửi thư muốn sử dụng để liên lạc là jacobscall@mail.com. Được phép của Bộ Tư pháp Mỹ, FBI đã điều tra tài khoản này. Họ phát hiện ra tài khoản jacobscall@mail.com được lập ra từ 4 tháng trước đó vào ngày 3/8/2000, sử dụng mạng internet tại thư viện công cộng ở hạt Prince George, bang Maryland.
Một điều đáng chú ý nữa là nghi phạm có nhiều lỗi chính tả. Đặc vụ Carr cũng tập trung vào địa điểm các thư viện công cộng mà người đó đã truy cập. Carr khoanh vùng được hai thị trấn là Bowie và Crofton thuộc bang Maryland. Cơ quan tình báo gần nhất ở đó là NSA.
Động cơ phản quốc
Đặc vụ Carr đang đến rất gần với Regan, một cư dân ở Bowie (bang Maryland). Anh ta nảy ra ý định làm gián điệp từ những tháng đầu năm 1999, sau khi anh ta làm việc 4 năm tại Cơ quan Do thám quốc gia (NRO), cơ quan đảm nhiệm xử lý các hình ảnh vệ tinh tình báo của Mỹ. Regan làm việc trong phòng đảm nhiệm nhiệm vụ hỗ trợ các đơn vị quân đội Mỹ ở chiến trường tiếp cận hình ảnh tình báo thu thập từ vệ tinh trên không.
Trong tình hình nợ gần 100.000 USD, lại có tới 4 đứa con, Regan cảm thấy bế tắc và không thoải mái ở chỗ làm. Thêm vào đó, cấp trên muốn chuyển Regan tới châu Âu nhưng anh ta không hào hứng khi nghĩ về nhiều bất tiện mà gia đình phải đối mặt. Nhưng Regan chỉ có hai lựa chọn, một là chấp nhận việc bị chuyển đi, hai là về hưu ở độ tuổi 37 vào ngày 31/8/2000. Cuối cùng anh ta lựa chọn phương án thứ hai.
|
Những tài liệu chứa bí mật quốc gia mà Regan đã đánh cắp. |
Gần ngày nghỉ hưu, Regan cảm thấy bất an và hoảng sợ về tương lai. Cuối cùng, Regan quyết định bán bí mật quốc gia để kiếm tiền. Nhờ được truy cập thông tin của Intelink, Regan biết rằng Mỹ đã chi hàng tỷ USD vào Intelink và đây là cánh cửa tới kho dữ liệu giá trị có thể bán cho nước ngoài.
Regan dành thời gian nghiên cứu Intelink và đọc các phân tích về cách mà các điệp viên trong lịch sử Mỹ đã trộm bí mật quốc gia để chuyền cho nước ngoài cũng như việc họ bị phát hiện và điều tra. Từ đây, Regan học được kinh nghiệm để tránh mắc phải sai lầm như những người trước đó đã mắc phải.
Vì không có mối quan hệ với cơ quan tình báo nước ngoài, Regan quyết định tự liên lạc và “chào bán” thông tin mà mình thu thập được. Anh ta tập trung vào các quốc gia tại hai khu vực là Trung Đông và Bắc Phi.
Regan chủ động liên lạc với những cái tên tình báo Libya mà anh ta phát hiện trên Intelink. Regan tự giới thiệu là nhà phân tích của CIA và nêu rõ sẵn sàng trao đổi thông tin mật lấy 13 triệu USD.
Bại lộ
Về phần mình, FBI đã theo dõi Brian Regan từ cuối tháng 4/2001, sau 6 tháng ròng rã Carr cùng các điều tra viên khác truy lùng kẻ âm mưu bán bí mật quốc gia. Khi đã giới hạn các đối tượng và phát hiện rằng Regan mắc chứng khó đọc, họ càng thêm chắc chắn rằng đây chính là người mà họ cần tìm. Sở dĩ Regan không bị đồng nghiệp nghi ngờ trước đó là vì anh ta bị coi thường. Trong mắt họ, Regan chẳng thể làm gì to tát khi mà đến đọc cũng không xong.
Ngày 23/8/2001, một vài tuần sau khi Regan quay trở lại NRO để làm việc, anh ta đã đăng nhập vào Intelink trong 20 phút, ghi chú lại các thông tin về địa điểm liên quan tới tên lửa của Trung Quốc. Regan không thể ngờ rằng FBI đã theo dõi anh ta từ máy quay giám sát trên đầu.
Ngày hôm sau, Regan xin phép cấp trên tới Orlando cùng gia đình. Trên thực tế, vào khoảng 4 giờ chiều, Regan lái xe tới sân bay quốc tế Washington Dulles để bay tớ Zurich, Thụy Sĩ nơi anh ta dự định gặp nhân viên đại sứ quán Iraq và Libya để đưa ra đề nghị làm điệp viên. Tại sân bay này, Carr và đồng nghiệp đã kịp thời chặn Regan lại.
Khi khám xét Regan, các điều tra viên tìm thấy một mẩu giấy trong đế giày phải của anh ta có ghi địa chỉ của đại sứ quán Iraq và Trung Quốc ở châu Âu cùng một trang giấy khác với những từ ngữ, ký tự khó hiểu.
Tháng 2/2003, Regan chấp thuận mức án tù chung thân do chủ định làm điệp viên và thu thập thông tin quốc phòng trái phép. Regan bị tuyên án vào ngày 20/3/2003.
Regan sau đó đưa các nhà điều tra tới những nơi anh ta đã chôn tài liệu mật. FBI đã đào và phát hiện tổng cộng gần 20.000 trang tài liệu mật, nhiều đĩa nén được chôn tại các công viên ở bang Maryland và Virginia.