Đó là hệ thống âm thanh số, là công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới.
Khởi công xây dựng từ tháng 10/2009 đến nay, với tổng diện tích sàn trên 60.000 m2, bao gồm 2 tầng hầm và 5 tầng nổi, tòa nhà Quốc hội mới được đánh giá là công trình có quy mô, quy trình xây dựng phức tạp nhất mà các nhà thầu Việt Nam từng đảm nhiệm.
Tòa nhà có tổng số khoảng 300 phòng các loại bao gồm phòng làm việc, phòng kỹ thuật, phòng thiết bị, phòng điều khiển... trong đó có hơn 80 phòng họp, hội trường các loại. Tổng chiều dài dây dẫn các loại từ điện lực, viễn thông, cáp quang, cáp điều khiển... dài hàng nghìn km. Phần lớn các thiết bị lắp đặt trong tòa nhà đều được nhập đồng bộ từ các nước tiên tiến trên thế giới.
Công trình tuy chưa hoàn thiện toàn bộ, nhưng nơi làm việc mới của cơ quan quyền lực cao nhất đất nước đã ra mắt với sự uy nghi, trang trọng cần có.
Quang cảnh hội trường lớn bên trong tòa nhà Quốc hội. |
Để có thể phục vụ tốt nhất cho những kỳ họp kéo dài, đảm bảo các khâu được vận hành thông suốt, hệ thống âm thanh khủng và hiện đại đã được trang bị cho tòa nhà.
Ông Lê Kinh Lộc, Phó Tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật, Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện Việt Nam (VTC), đơn vị trực tiếp thi công lắp đặt hệ thống âm thanh cho tòa nhà Quốc hội cho biết: “Đó là hệ thống âm thanh số, các thiết bị bao gồm nhiều hãng, mà phần lớn có xuất xứ từ Cộng hòa Liên bang Đức, trong đó có hãng Salzbrenner Stagetec, sở hữu những công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới hiện tại ”.
Công nghệ này từng được áp dụng ở Đức, ở Liên minh Châu Âu, Bắc Mỹ... Hãng cung cấp thiết bị âm thanh Salzbrenner Stagetec cũng đang cung cấp cho nhiều tòa nhà quốc hội đang được xây dựng khác trên thế giới.
Đây là hệ thống âm thanh công nghệ hiện đại mang tầm vóc quốc tế, lần đầu tiên ra mắt tại Việt Nam. Chưa có bất kỳ một hội trường nào được trang bị hệ thống tối tân này.
Ông Lê Kinh Lộc, Phó Tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật, Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện Việt Nam (VTC). |
Có thể lấy ví dụ như ở nhà hát lớn Hà Nội, thì người nghe ngồi ở những hàng ghế đầu sẽ có cảm nhận âm thanh khác với những vị trí ở phía sau. Còn ở tòa nhà Quốc hội, nhờ công nghệ số, âm thanh ở tất cả mọi vị trí đều đồng đều nhau, chỗ nào cũng như chỗ nào.
Mặt khác, một đại biểu nếu đứng lên phát biểu ý kiến, thì họ sẽ có cảm giác như mình đang nói một cách bình thường, không có tiếng loa. Với những người còn lại trong hội trường, kể cả ngồi cách xa bao nhiêu, cũng như đang được nghe người ngồi ngay bên cạnh nói chuyện.
Nếu như trong âm nhạc, thì có thể với những kỹ xảo khác nhau sẽ làm cho âm thanh vang lên, trễ đi, vang vọng để nghe hay hơn... thì ở tòa nhà Quốc hội là âm thanh thật, giọng nói của người nào ra người đấy, cường độ không bị chói tai.
Đó là do một hệ thống phức hợp gồm hàng trăm chiếc loa được sắp xếp một cách khoa học trong hội trường lớn. Tất cả được nối với ma trận âm thanh. Bộ vi xử lý trung tâm sẽ điều phối mức độ âm thanh cho từng chiếc loa. Tùy vào khoảng cách, tín hiệu âm thanh đến mỗi loa nhanh hay chậm hơn, cường độ to hay nhỏ hơn, giúp cho trung tâm điều khiển biết người phát âm đang ở vị trí nào trong hội trường lớn.
Đối với hệ thống loa cột bình thường, hướng tính âm thanh là cố định. Nhưng với hệ thống loa trang bị cho hội trường chính thì hướng tính âm thanh của hệ thống rất mềm dẻo và được điều khiển bằng phần mềm máy tính thông qua dây cáp mạng.
Hệ thống âm thanh số hiện đại được lắp đặt tại bàn các đại biểu. |
Trong hội trường còn có tổ hợp của những chiếc loa nhỏ khác. Chỉ cần một vị trí đứng lên phát biểu, ngay tức khắc những chiếc loa ở gần đó sẽ tự điều tiết âm lượng giảm xuống, để người nói không nghe thấy tiếng loa đấy, ko bị chói tai. Người ở xa vẫn nghe bình thường. Cũng chính vì thế, nó có tác dụng định hướng cho biết người nói đang ở vị trí nào.
Hệ thống máy tính sẽ tự điều chỉnh pha, tiếp điện để các loa tự động quay trái, phải, lên, xuống... điều chỉnh camera quay thẳng vào phía người đang phát biểu, ghi luôn hình ảnh và trực tiếp phát lên màn hình lớn giữa trung tâm hội trường.
Mỗi đại biểu có thêm những phím lựa chọn âm lượng, lựa chọn ngôn ngữ. Có 7 ngôn ngữ khác nhau để mỗi khi có người phát biểu, tín hiệu ngay tức khắc được chuyển đến trung tâm xử lý, và ở đó sẽ có đội ngũ phiên dịch chuyển ngược lại hệ thống, trực tiếp đến từng đại biểu hay khách mời, để họ có thể nghe ngôn ngữ mình mong muốn, rất đơn giản chỉ với 1 phím bấm.
Một điểm nữa của hội của hội trường lớn là có 575 micro chuyên dụng được lắp tại mỗi bàn đại biểu. Chúng có chất lượng đồng nhất với 12 micro được lắp trên các bàn đoàn chủ tịch cũng như 4 micro được trang bị tại hai bục phát biểu. Tất cả các micro này đều được điều khiển thông qua hệ thống điều kiển trung tâm.
Những thiết bị âm thanh tương tự không chỉ có trong hội trường lớn mà còn được lắp đặt, kết nối với hơn 80 phòng chức năng trong tòa nhà. Các phòng họp nhỏ cho mỗi tổ, đoàn đại biểu đều được trang bị đầy đủ các hệ thống micro, ghi âm... giúp cho việc thảo luận, họp nhóm, được thực hiện tốt hơn.
Ở những phòng riêng, các cuộc thảo luận đều được ghi âm qua hệ thống micro, và đều được ghi lại, lưu dữ liệu ở trung tâm điểu khiển.
Được biết, tháng 9/2013, Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện Việt Nam (VTC) đã bắt tay vào thi công lắp đặt. Hiện tại, hệ thống âm thanh khủng này đã hoàn thành được 90%. Một số hạng mục phải hoàn thành sớm để kịp đưa vào sử dụng như ở hội trường lớn, và một số phòng họp tổ để kịp thời phục vụ cho kỳ họp mới của Quốc hội khóa 13.
Để hoàn thành khối lượng công việc đó, VTC phải huy động lực lượng khá đông đảo. Chỉ riêng kỹ sư đã khoảng 80 người, cùng hàng trăm công nhân, thi công lắp đặt ngày đêm, dưới sự giám sát chặt chẽ của các chuyên gia.
Quang cảnh hội trường lớn bên trong tòa nhà Quốc hội
Quang cảnh hội trường lớn bên trong tòa nhà Quốc hội