Tiết lộ nghi lễ hiến tế kinh hoàng chưa từng có trong lịch sử
Hài cốt của hàng trăm đứa trẻ đã được tìm thấy ở làng Huanchaquito, Peru tiết lộ một nghi lễ hiến tế khủng khiếp chưa từng thấy trong lịch sử.
Thùy Dung (T.H)
Xem toàn bộ ảnh
Hàng trăm hài cốt của những đứa trẻ đã được tìm thấy ở một di tích khảo cổ thuộc làng Huanchaquito, ven biển Peru. Những bộ xương có niên đại khoảng hơn 500 năm đang tiết lộ một sự thật khủng khiếp: Tất cả những đứa trẻ ở đây đều bị giết trong một nghi lễ hiến tế chưa từng có trong lịch sử thế giới.
Gabriel Prieto, giáo sư khảo cổ học tại Đại học Quốc gia Trujillo cho biết, hình thái chôn cất này không giống những lễ tang điển hình của người Chimú.
Những đứa trẻ dường như đã bị trói trong những tư thế khác thường - chúng nằm ngửa hoặc nằm nghiêng thay vì ngồi thẳng như thông lệ. Đồ mai táng cũng không có trang sức, gốm và những vật trang nghiêm khác thường thấy trong các ngôi mộ Chimú.
Thay vào đó, nhiều đứa trẻ được chôn cùng với những con lạc đà không bướu còn rất nhỏ. Là nguồn cung cấp thực phẩm, chất xơ và phương tiện giao thông quan trọng, những con vật này là một trong những tài sản quý giá nhất đối với người Chimú.
Cuối cùng và cũng là mối nghi ngờ lớn nhất: Nhiều đứa trẻ và động vật có những vết cắt nhìn thấy rõ trên xương ức và xương sườn của chúng. Không hề có bất cứ sự do dự nào hiện lên từ mũi dao.
Prieto cho biết những đứa trẻ đã bị giết chết và moi tim. "Đó là một nghi lễ giết chóc, và nó rất có hệ thống". Vậy tại sao người Chimú lại hiến tế hàng trăm đứa trẻ trong một nghi lễ có quy mô chưa từng có? Và họ làm vậy trong dịp nào?
Một manh mối duy nhất cho những gì đã xảy ra tại Huanchaquito hoá ra lại là lớp bùn cổ xưa đã khô và đặc quánh lại. Nó cho thấy xác của những đứa trẻ đã được chôn cất dưới bùn. Mà bùn sâu có nghĩa là mưa lớn.
Giống như những đế chế Nam Mỹ khác, Chimú đã duy trì dân số và nền thịnh vượng của họ ở thủ đô Chan Chan nhờ vào nghề cá và các hệ thống thủy lợi được quản lý. Cả hai đều có thể bị xáo trộn khi nước biển trở nên ấm hơn và những trận mưa như trút nước xảy ra do biến đổi khí hậu.
Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết về một đợt El Niño nghiêm trọng có thể đã làm lung lay sự ổn định chính trị và nền kinh tế của vương quốc Chimú. Do đó, các linh mục đã ra lệnh hiến tế hàng loạt trong một nỗ lực tuyệt vọng để thuyết phục các vị thần.
"Dựa trên số lượng trẻ em và động vật hiến tế này, đó hẳn là một khoản đầu tư lớn thay mặt cho đế chế gửi tới các đấng thần linh", Prieto nói.
Jane Eva Baxter, một giáo sư nhân chủng học tại Đại học DePaul, người chuyên nghiên cứu lịch sử trẻ em, đồng ý rằng người Chimú có thể coi con cái của họ là một trong những lễ vật có giá trị nhất mà họ có thể dâng lên các vị thần.
Nhưng nhiều câu hỏi vẫn chưa được giải đáp. Những đứa trẻ đến từ những gia đình quý tộc hay những gia đình nghèo? Có bao nhiêu gia đình đã mất con trong nghi lễ? Họ có sẵn sàng từ bỏ con ruột của mình khi đối mặt với thảm họa sắp xảy ra, hay đã bị ép buộc bằng bạo lực đến mức phải buông xuôi?