Tiết lộ về làng “ăn da” nhiều nhất Việt Nam

(Kiến Thức) - Giới làm giầy da thường gọi cái nghề của mình là “ăn da”. Anh nào “ăn” càng nhiều thì chứng tỏ càng có uy tín, càng nhanh giàu có...

Làng có hai ông tổ
Làng giầy da truyền thống Phú Yên thuộc huyện Phú Xuyên (Hà Nội) là một ngôi làng như vậy. Nếu như ông tổ nghề giầy da của Việt Nam là Tiến sĩ Nguyễn Thì Trung thời nhà Mạc đã học nghề làm giầy ở Trung Quốc để về truyền cho dân Việt thì ở làng Phú Yên, cụ tổ truyền nghề lại mới chỉ cách đây gần trăm năm.
Theo ông Nguyễn Như Diên, Phó Chủ tịch Hội Da giầy Phú Yên: “Làng này có hai ông tổ của nghề. Một là cụ Nguyễn Lương Nghé, hai là cụ Nguyễn Lương Mạc. Cụ Nghé có công truyền nghề, còn cụ Mạc lại có công phát triển làng thành một trung tâm giầy da lớn nhất miền Bắc thời bấy giờ”.
Ngược theo thời gian vào những năm 1918 ở thôn Giẽ Hạ của Phú Yên xưa có cụ Nguyễn Lương Nghé vì nghèo đói mà phải bươn trải lên Hà Nội kiếm sống. Ở đây, cụ học được nghề đóng giầy da ở phố Tràng Tiền và chỉ sau ba năm đã thành nghề. Lúc này, cụ Nghé mới rủ người cháu là Nguyễn Lương Mạc ra Quảng Ninh mở một cửa hàng lấy tên “Hiệu hài xưởng Nguyễn Mạc”.
Đường vào làng Phú Yên.
Đường vào làng Phú Yên. 
Thời bấy giờ, hiệu giầy này trở nên nổi tiếng nhất đất Bắc. Trong xưởng lúc nào cũng có 40 – 50 người từ làng Phú Yên lên học nghề. Khi các thợ Phú Yên tay nghề đã vững, cụ Nghé mới khuyên họ đi vào Nam mở xưởng. Chỉ chục năm sau, khắp các cửa hàng giầy da ở Việt Nam đều có mặt người Phú Yên.
Khi dẹp hiệu giầy ở Quảng Ninh, cụ Mạc đã chuyển về làng, quyết tâm truyền lại bí quyết cho con cháu. Cho đến bây giờ, khi cả xã Phú Yên đã sống bằng nghề sản xuất giầy da thì hai cụ Nghé – Mạc đã trở thành ông tổ danh bất hư truyền của những người “ăn da” rứ danh.
Theo ông Diên, đây là làng da giầy duy nhất của Việt Nam thờ hai ông tổ nghề. Theo thời gian năm tháng, nghề làm giầy Phú Yên đã kết tinh được những tinh hoa và trở thành trung tâm sản xuất giầy da lớn nhất Việt Nam. Từ nơi đây, hàng triệu đôi giầy đã xuất xưởng ra thị trường nội địa và nước ngoài.
Cả làng có 1.200 thợ làm giầy.
Cả làng có 1.200 thợ làm giầy. 
Mỗi năm “ăn” hết 12 triệu bìa da
Đi từ đầu đến cuối xã Phú Yên, một điểm chung dễ thấy nhất đó là những biển hiệu giầy da gia truyền. Có thể những biển hiệu ấy không lớn, không khuếch trương như ở thành phố, nhưng nếu bạn cần số lượng bao nhiêu, mẫu mã gì thì họ đều đáp ứng được chỉ trong một thời gian ngắn.
Theo ông Diên, những nhà có lợi thế ở mặt đường thì mở hiệu quảng bá sản phẩm. Những hộ ở trong ngõ thì trở thành xưởng sản xuất. Việc thì không lúc nào thiếu, mà họ chỉ sợ thiếu da để thợ sản xuất ra giầy.
Hiện nay, Phú Yên có khoảng 200 hộ là các đầu mối sản xuất và cung ứng giầy da. Các hộ này thu hút khoảng 1.200 thợ giỏi từ khắp các thôn trong xã. Họ phân chia cấp bậc thợ rất rõ ràng gồm: Thợ mũi và thợ đế. Thợ mũi chịu trách nhiệm cắt gọt, tạo hoa văn cho da. Thợ đế gò da vào đế và hoàn thiện đôi giầy.
Trong hai cấp bậc thợ đó thì thợ mũi là khó hơn cả. Đôi giầy đẹp hay xấu là do thẩm mĩ của thợ mũi mà ra. Còn về phần bền thì phải là thợ đế. Thợ đế có tỉ mỉ, chỉn chu thì những mũi khâu mới “ăn” chắc vào đế. Sau vài năm làm thợ đế, khi kinh nghiệm đã đủ đầy thì tự nhiên họ sẽ chuyển làm thợ mũi để thiết kế mẫu mã sản phẩm.
Theo tiết lộ của ông Diên, mỗi năm Phú Yên tiêu thụ ra thị trường trên 6 triệu đôi giầy. Mỗi đôi giầy sẽ tiêu tốn hết 2 bìa da, thì mỗi năm Phú Yên đã “ăn” đến 12 triệu bìa da, một con số kỷ lục mà cho đến nay chưa làng giầy da nào vượt qua. “Đấy là con số khiêm tốn, chứ nếu tính tỉ mỉ ra thì mỗi năm Phú Yên phải tiêu tốn hết khoảng 20 triệu bìa da vì họ còn sản xuất cả ví, dây lưng và dép”, ông Diên tiết lộ. 
Thợ Phú Yên có thể tạo rất nhiều mẫu mã giầy hiện đại.
Thợ Phú Yên có thể tạo rất nhiều mẫu mã giầy hiện đại. 
Chiếc giầy khổng lồ
Bất cứ ai đến Phú Yên đều rất sửng sốt về chiếc giầy nam xác lập kỷ lục lớn nhất Việt Nam. Chiếc giầy hiện đang được trưng bày ở văn phòng Hội Da giầy Phú Yên.
Để làm được chiếc giầy này, vào năm 2007 những người thợ giỏi nhất Phú Yên đã bàn bạc với nhau và cử nghệ nhân Nguyễn Đức Thịnh làm thợ cả. 10 người thợ giỏi nhất Phú Yên được trưng dụng trong công việc đặc biệt này. Một nhóm ở nhà thiết kế mẫu mã và làm đế, một nhóm đi săn lùng da bò châu Phi.
Sau ba tháng hì hụi, chiếc giầy khổng lồ đã hoàn thành. Theo đo đạc tỉ mỉ, chiếc giầy có chiều dài 2,72m; cao 1,1m và bề ngang 1,3m. Tổng cân nặng của chiếc giầy là 60kg, đế được làm bằng một loại gỗ đặc biệt nhẹ và bền. 
Nghệ nhân Nguyễn Đức Thịnh cho biết: “Làm chiếc giầy to như vậy là rất khó. Thứ nhất là kiếm được cả khối da bò liền mảnh, thứ hai là thiết kế phần mũi cho mềm mại. Giầy to thì thường hay bị thô, nhưng chúng tôi đã tỉ mỉ thiết kế chi tiết cùng các đường viền rất tinh tế. Những đường chỉ lớn cũng được khâu cẩn thận, đúng cự ly và dây buộc giầy cũng được tết cẩn thận”.
Trong quá trình làm chiếc giày này, thợ Phú Yên đã đục gần 5.000 lỗ to nhỏ để trang trí và khâu, 2.000 răng cưa trang trí. Chiếc giầy có hai màu nâu và sáng. Để làm nên chiếc giầy nam này, những nghệ nhân của làng nghề đã sử dụng 40m2 da bò châu Phi cao cấp, 300m chỉ khâu, pho mếch để gò 12m2 và một thùng keo gò nặng 10kg.
Theo nhiều khách nước ngoài, chiếc giầy không chỉ xứng đáng xác lập kỷ lục Việt Nam mà còn xác lập kỷ lục thế giới. Bởi hiện nay, những chiếc giầy da lớn và tinh tế như thế rất hiếm, thậm chí còn bị lỗi hoặc rạn da do không đủ tiêu chuẩn.
10 thợ giỏi làm 3 tháng mới xong chiếc giầy kỷ lục...
10 thợ giỏi làm 3 tháng mới xong chiếc giầy kỷ lục... 
Chuyện thật trong nghề
Với hơn 200 hiệu quảng bá sản phẩm, một câu hỏi đặt ra là liệu có lẫn tạp trong ấy những sản phẩm không đủ tiêu chuẩn? Ông Nguyễn Như Diên, Phó Chủ tịch Hội Da giầy Phú Yên thẳng thắn: “Việc khẳng định trăm phần trăm là hàng xịn là điều không thể. Vì hiện nay, để bán được giầy là rất khó, khách hàng thích giầy đẹp mà phải rẻ nên người thợ cũng tùy đó mà làm”.
Hơn nữa, một số xưởng sản xuất chỉ chuyên làm theo yêu cầu của đại lý. Số nhiều là sử dụng da giả, da công nghiệp không đủ tiêu chuẩn. Có một điều trái khoáy là sản phẩm da giả thì bán rất chạy, còn da thật thì lại khó tiêu thụ nên dù rất tâm huyết với nghề cha ông, nhưng một số người đành tặc lưỡi làm theo yêu cầu của khách.
Theo ông Diên, giầy da Phú Yên tuy đã có thương hiệu lâu đời nhưng nhiều hộ không hoặc chưa đăng ký tiêu chuẩn chất lượng – bảo hộ thương hiệu sản phẩm nên hàng nhái, hàng giả tràn lan khắp nơi. Khách hàng rất khó phân biệt đâu là sản phẩm Phú Yên thật, đâu là Phú Yên giả.
“Xã Phú Yên có 3 nghề truyền thống: Giầy da, ấp nở gia cầm và sơn mài. Nghề da giầy là lâu đời nhất và cũng phát triển nhất. Nhờ da giầy mà làng có hàng chục tỷ phú. Tuy sản phẩm của chúng tôi đã xuất ra thị trường ngoài nước nhưng rất khó cạnh tranh với các hãng giầy da nổi tiếng khác”.
Ông Nguyễn Như Diên (Phó Chủ tịch Hội Da giầy Phú Yên)

Làng rèn sắt lâu đời nhất Việt Nam

(Kiến Thức) - Những cứ liệu lịch sử và vật chứng phần nào chứng minh làng Nho Lâm là nơi phát tích nghề rèn sắt đầu tiên của nước ta.

Tổ nghề Cao Lỗ
Làng Nho Lâm thuộc xã Diễn Thọ (Diễn Châu, Nghệ An) nằm sát bên dòng sông Sắt êm đềm chảy qua xã Diễn Thọ - nơi có nghề rèn sắt lâu đời nổi tiếng ở nước ta. Làng có đền thờ tướng Cao Lỗ được công nhận là di tích lịch sử. Vì có rất ít tư liệu ghi chép về ngôi làng này nên cho đến nay, các nhà khoa học không khỏi nghi ngờ sự thật về việc tướng Cao Lỗ là ông tổ của nghề rèn sắt.

Văn Lang - cả làng nói khoác

(Kiến Thức) - Làng Văn Lang thuộc xã Văn Lương (Tam Nông, Phú Thọ) với tục nói khoác nhưng cũng là nơi xuất thân của nhiều nghệ sĩ, kịch bản hài nổi tiếng.

Nói có kẻ nghe, đe có kẻ sợ
"Nhà ông Tình Thực có cây bưởi năm nào cũng sai trĩu quả. Nhà ông lại có con trâu cà to đùng. Sáng nào cũng vậy, dắt trâu vào vườn là ông cột cổ nó vào gốc bưởi. Bình thường thì nào có chuyện gì. Nhưng vào một buổi trưa, nó bị ve đốt, đỉa cắn, con trâu cà lồng lên, cọ cổ vào thân bưởi, cả thân bưởi rung lên, một chùm bưởi 3 quả rụng táng vào đầu trâu. Con trâu bất giác lăn đùng ra chết không kịp ngáp". 

Tin mới