Xem toàn bộ ảnh
Theo The Atlantic, Gadsby là tiểu thuyết nổi tiếng với ý đồ sáng tạo bất ngờ của tác giả. Cuốn tiểu thuyết này chứa 50.000 từ, được tác giả người Mỹ Ernest Vincent Wright viết vào năm 1939. Điều đặc biệt và cũng cho thấy tài năng của nhà văn này đó chính là toàn bộ tác phẩm không một lần dùng đến chữ “e” – chữ cái phổ biến nhất trong tiếng Anh. Loại bỏ “e” là thách thức rất lớn, bởi những từ quen thuộc như “the”, “he”, “she”, “they” không thể dùng.
Tạp chí The Atlantic thống kê chữ cái được sử dụng nhiều nhất trong cuốn tiểu thuyết Gadsby là chữ “g” với 1.571 lần xuất hiện. Từ phổ biến nhất được dùng là Gadsby, tên nhân vật chính, với 364 lần, sau đó đến young, big, good, got, right.
Wright viết cuốn sách chỉ trong vòng chưa đầy 6 tháng, bắt đầu từ năm 1936 và hoàn thành vào tháng 2/1937. Để tránh việc bản thân vô tình sử dụng ký tự “e”, ông đã vô hiệu hóa phím này trên máy đánh chữ.
Gadsby là câu chuyện về thành phố hư cấu có tên Branton Hills, được hồi sinh nhờ những nỗ lực của thị trưởng mới, John Gadsby, và nhóm người trẻ. Ban đầu, nhà văn Ernest Vincent Wright không thể tìm được nhà xuất bản đồng ý in sách của mình.
Do đó, mãi hai năm sau khi hoàn thành, tác phẩm mới đến được với công chúng khi ông tìm tới các nhà xuất bản nhỏ, mới thành lập. Nhưng khó khăn vẫn chưa dừng lại khi nhà kho của đơn vị này bị cháy khiến các bản in gần như bị thiêu rụi. Tác giả Wright cũng qua đời sau đó hai tháng.
Lối viết của nhà văn Ernest Vincent Wright trong tiểu thuyết Gadsby còn được gọi là Lipogram (trong tiếng Hy Lạp cổ đại là λειπογράμματος, leipográmmatos) hay còn có nghĩa "bỏ đi một chữ cái". Đây là cách hành văn sử dụng chơi chữ hoặc giới hạn đoạn văn, tác phẩm nào đó trong độ dài nhất định và bắt buộc phải tránh một/nhóm chữ cái cụ thể.