Không khí lạnh mạnh sắp tràn xuống miền Bắc, gây mưa dông cho những khu vực nào?
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 21/1, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ duy trì kiểu thời tiết có mưa nhỏ vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, trưa chiều trời nắng. Đêm và sáng trời rét, vùng núi có nơi rét đậm, rét hại. Khu vực Trung Trung Bộ có mưa vài nơi, trưa chiều trời nắng. Phía Bắc đêm và sáng trời rét. Các khu vực khác đêm có mưa rào vài nơi, ngày nắng.
(Ảnh minh họa từ Internet)
Từ đêm 22/1 đến ngày 30/1, Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa nhỏ vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác; trưa chiều trời nắng; ngày 25-26/1 có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có dông. Đêm và sáng trời rét; vùng núi có nơi rét đậm, rét hại; từ đêm 26/1 có khả năng xảy ra rét đậm, rét hại, vùng núi cao có khả năng xảy ra băng giá, sương muối.
Khu vực Bắc Trung Bộ có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác, trưa chiều trời nắng; từ đêm 25-26/1 có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có dông. Đêm và sáng trời rét. Từ ngày 27/1 trời rét đậm, có nơi rét hại.
Khu vực Trung Trung Bộ có mưa vài nơi; từ ngày 26/1 có mưa, mưa rào và có nơi có dông. Phía Bắc đêm và sáng trời rét, từ ngày 26/1 trời rét. Các khu vực khác đêm có mưa rào vài nơi, ngày nắng. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Vùng phát thải thấp có giải quyết được ô nhiễm không khí ở Hà Nội?
Nguyên nhân Hà Nội ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Sáng 21/1, tại Tọa đàm Giải pháp triển khai vùng phát thải thấp tại Hà Nội, bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó trưởng phòng Quản lý Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đánh giá, những ngày cuối năm, ô nhiễm không khí luôn là vấn đề nhức nhối. Hà Nội có mức độ ô nhiễm không khí nặng hơn so với TP Hồ Chí Minh do nhiều nguyên nhân. Trong đó nguyên nhân chủ yếu là điều kiện khí hậu thời tiết không thuận lợi, không khí không đối lưu lên cao được. Ở tầng thấp có nhiều sương mù khiến không khí đặc quánh, ứ đọng.
Hà Nội xây dựng vùng phát thải thấp nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí.
Ô nhiễm không khí là vấn đề môi trường đặc biệt nghiêm trọng ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành phía Bắc. Từ đầu mùa đông đến nay, Hà Nội trải qua nhiều đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng và kéo dài. Theo kết quả nghiên cứu, kiểm kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Thế giới, giao thông (bao gồm cả bụi đường) là nguồn gây ô nhiễm chính (đóng góp từ 58 - 74%) cho bầu không khí thành phố.
Nguyên nhân nữa, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trong thành phố và từ các tỉnh về Hà Nội đông hơn so với những thời gian khác trong năm khiến chất lượng không khí của thành phố bị ảnh hưởng xấu do bụi đường, khí thải từ các phương tiện giao thông.
Theo thống kê quý IV tại trạm quan trắc cố định và liên tục trên địa bàn thành phố, chỉ số ô nhiễm không khí đạt mức kém là 48,91%, đạt mức xấu là 44,37%. Thời điểm chất lượng không khí ảnh hưởng sức khoẻ người dân chiếm nhiều hơn so với cả năm.
Bà Lưu Thị Thanh Chi cho biết, giải pháp, vùng phát thải thấp được đưa ra trong Luật Thủ đô sẽ được triển khai trong năm 2025. Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đang xây dựng những hướng dẫn chi tiết để thực hiện vùng phát thải thấp. Vùng phát thải thấp tập trung vào các phương tiện giao thông, cụ thể khi lưu thông vào vùng phát thải thấp sẽ khuyến khích các phương tiện giao thông xanh, cấm các phương tiện xe không đạt tiêu chí về lượng phát thải, gây ô nhiễm không khí.
Hai quận Ba Đình và Hoàn Kiếm đang thực hiện thí điểm vùng phát thải thấp trong năm 2025. Trong đó, có cơ chế đặc thù về thuế phí, khoanh vùng khu vực làm vùng phát thải thấp, hạ tầng giao thông, kết nối giao thông công cộng và giao thông cá nhân, hệ thống camera giám sát và lực lượng giám sát…; dán tem cho các phương tiện sử dụng năng lượng xanh, năng lượng sạch.
Cùng với đó, Hà Nội cũng vừa phê duyệt đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng năng lượng xanh, điện trên thành phố. Từ đó, tiến tới Hà Nội đạt tỷ lệ 100% xe buýt sử dụng năng lượng điện và năng lượng xanh trong năm 2035.
Bà Nguyễn Hoàng Ánh, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng môi trường, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, không khí "có chân", không phải ở đâu gây ô nhiễm thì ô nhiễm ở đó mà ô nhiễm lan từ nơi này sang nơi khác. Chất lượng môi trường không khí chịu ảnh hưởng rất lớn của khí hậu thời tiết, đặc biệt cứ đến cuối năm lại chịu tác động rất lớn, do đó cần nhìn nhận tổng quát để thấy đâu là yếu tố chủ quan, đâu là yếu tố khách quan khi xem xét nguyên nhân ô nhiễm không khí.
Xây dựng vùng phát thải thấp
Chia sẻ tại tọa đàm, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, các báo cáo, nghiên cứu khoa học của nhiều chuyên gia và Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ ra không khí tại Hà Nội thường ô nhiễm nhất vào mùa đông. Đặc biệt năm nay, tình trạng ô nhiễm trầm trọng hơn là do ít mưa.
"Chúng ta không thể điều khiển được khí hậu, thời tiết, do đó phải tìm nguyên nhân gây ô nhiễm để đưa ra giải pháp xử lý. Có thể thấy vấn đề phát thải của phương tiện giao thông - một trong những nguyên nhân lớn gây nên ô nhiễm môi trường tại TP Hà Nội nói riêng và các thành phố lớn trên thế giới như Bắc Kinh (Trung Quốc), London (Anh), Bangkok (Thái Lan)... nói chung là một trong những nguyên nhân mà chúng ta có thể tác động được, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường", TS Hoàng Dương Tùng nhấn mạnh.
Tuy vậy, vùng phát thải thấp không phải "cây đũa thần" mà chỉ là một trong những biện pháp góp phần cải thiện ô nhiễm không khí ở Hà Nội. Hiệu quả của vùng phát thải thấp đã được chứng minh ở rất nhiều nước, như ở châu Âu có hơn 300 vùng phát thải thấp.
TS Hoàng Dương Tùng cho biết thêm, ngoài các nguyên nhân gây được nêu ra nhiều năm qua như hoạt động xây dựng, sản xuất, nông nghiệp, đốt rác... cần phải nghiên cứu về vùng môi trường có tác động đến chất lượng không khí Hà Nội. Ví dụ như hoạt động của các nhà máy xi măng tại Hà Nam, hay đốt rơm rạ ở Thái Bình sẽ có tác động không nhỏ tới môi trường của Hà Nội. Chỉ khi kiểm soát được các nguồn phát thải ảnh hưởng đến chất lượng môi trường thủ đô thì tình trạng ô nhiễm không khí mới dần cải thiện được.
"Qua nghiên cứu tài liệu và kinh nghiệm trên thế giới có thể thấy kết quả của việc thực hiện các vùng phát thải thấp phụ thuộc rất nhiều vào cách triển khai. Nhưng phải nhấn mạnh rằng việc thiết kế vùng phát thải thấp rất khó khăn, đòi hỏi phải có nhận thức đúng, thiết kế đúng và hành động đúng. Không có mô hình nào chung cho việc thực hiện các vùng phát thải thấp, mặc dù đều có mục đích chung là giảm thiểu ô nhiễm", ông Tùng bình luận.
Trước mắt, theo ông Tùng, cần xây dựng hệ thống tài liệu chi tiết để quận Hoàn Kiếm và Ba Đình có định hướng lập đề án, chứ không phải loay hoay đi tìm. Ví dụ như hỗ trợ kiểm định xe máy, hỗ trợ chuyển đổi xe máy dùng xăng sang xe điện, xây dựng các trụ sạc điện trong hai quận, giảm giá vé giao thông công cộng, phát triển các hệ thống cho thuê xe đạp, xe điện…
Thông tin mới vụ người mặc áo xe ôm công nghệ chỉnh đèn giao thông ở Thủ Đức
Ngày 21-1, Đội Cảnh sát giao thông Rạch Chiếc (thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP HCM) cùng các đơn vị liên quan lập biên bản ông N.V.T. (50 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) về hành vi tự ý làm sai lệch đèn tín hiệu giao thông.
Ông N.V.T làm việc với cơ quan chức năng.
Theo quy định, ông T. bị phạt tiền 4 triệu đồng.
Qua làm việc, ông T. cho biết mình chạy xe ôm công nghệ, hay đậu xe máy tại giao lộ Võ Nguyên Giáp - Đỗ Xuân Hợp để chờ đón khách.
Ông T. nói thường thấy lực lượng Thanh niên xung phong bấm đèn nên đã tự ý điều chỉnh tín hiệu giao thông 2 lần nhằm mục đích cho đường thông thoáng.
Trước đó, cộng đồng mạng chia sẻ clip một người đàn ông mặc áo xe ôm công nghệ đứng chỉnh đèn tín hiệu giao thông tại giao lộ Võ Nguyên Giáp - Đỗ Xuân Hợp, TP Thủ Đức (TP HCM).
Đại diện Đội Cảnh sát giao thông Rạch Chiếc (thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP HCM) cho biết sự việc xảy ra ngày 8-1.
Lúc xảy ra vụ việc không phải giờ cao điểm nên không có lực lượng cảnh sát giao thông túc tực tại giao lộ trên. Ngoài ra, tủ đèn tín hiệu không được khóa nên người đàn ông đã tự ý chỉnh đèn.
Tuyên tử hình kẻ mang 60 lít xăng đốt nhà khiến 2 con gái của người tình tử vong
Lúc 13 giờ chiều nay (21/1), HĐXX sơ thẩm Tòa Gia đình và người chưa thành niên (TAND TPHCM) tuyên tử hình bị cáo Lê Công Hầu (61 tuổi, quê Bến Tre) chung cho 2 tội danh “Giết người” và “Hủy hoại tài sản”.
Bị cáo Lê Công Hầu tại phiên tòa sáng nay 21/1.
Bị cáo Hầu là hung thủ mang 60 lít xăng đi đốt nhà người tình tại TP.Thủ Đức khiến 2 người con của nhân tình tử vong hồi tháng 6/2022.
Tại phiên tòa sáng nay, bị cáo Lê Công Hầu khai nhận hành vi phạm tội như cáo trạng xác định. Theo lời lkhai của bị cáo Hầu, trước đây tại Bến Tre đã có tình cảm với bà Kiều Thị Tuyết L.. Sau chia tay, cả hai đều có gia đình riêng. Khoảng năm 2011, bị cáo Hầu và bà Kiều Thị Tuyết L. lên TPHCM đi làm thuê, gặp lại nhau, nối lại tình cảm rồi sống chung như vợ chồng.
Tuy nhiên, bà L. cho rằng, khi ở Bến Tre hai người chỉ quen biết hàng xóm, không có tình cảm nam nữ. Khi chung sống thì bà L. phát hiện ông Hầu đã có gia đình nên đề nghị chia tay nhưng ông Hầu không đồng ý. Bà L. cũng nói rằng, ông Hầu nhiều lần hăm dọa bà L. và người nhà ông Hầu từng kéo tới đánh bà L.
Theo cáo trạng công bố tại phiên tòa, ông Hầu chưa ly hôn vợ, nhưng từ năm 2011 có quan hệ tình cảm với bà Kiều Thị Tuyết L. Đến năm 2021 xảy ra mâu thuẫn, bà L. đòi chia tay. Nghi ngờ, bà L. có người đàn ông khác nên ông Hầu nảy sinh ý định giết cả nhà bà L..
Tháng 6/2022, ông Hầu mua 2 triệu đồng tiền xăng chứa trong 3 can nhựa loại 20 lít và dụng cụ để đốt nhà bà L.. Ông Hầu đến nhà bà L. tại phường Bình Trưng Tây, TP.Thủ Đức nhưng không thấy bà L. có ở nhà nên ông Hầu quay về và cất giấu xăng, dụng cụ tại nhà ông Hầu ở Bến Tre.
Rạng sáng 25/6/2022, ông Hầu đứng trước nhà bà L., nhưng không thực hiện hành vi nên đi về. Khi đến cầu Phú Mỹ, ông Hầu đổi ý quay lại nhà bà L. và đổ 3 can xăng xuống thềm, qua khe cửa trước nhà bà L, rồi châm lửa đốt. Khi lửa cháy bùng lên, ông Hầu lên xe tẩu thoát về Bến Tre.
Thời điểm này, trong nhà có bà L. có bà L. và 5 người, trong đó có 1 cháu bé 6 tuổi đang nằm ngủ. Hậu quả vụ cháy khiến 2 con gái của bà L. tử vong và thiệt hại về tài sản gần 200 triệu đồng.