Thời tiết tháng 12: Miền Bắc rét dài ngày, miền Trung mưa lớn
Không khí lạnh gia tăng về tần suất và cường độ
Nhận định về các hình thái thời tiết trong tháng 12/2024, ngày 1/12, Phó Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Nguyễn Đức Hòa cho biết, trong tháng 12, hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông có khả năng ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm (trên Biển Đông là 1 cơn, đổ bộ vào đất liền: 0,2 cơn).
Nhiệt độ trung bình ở vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ xấp xỉ so với trung bình nhiều năm, các khu vực khác phổ biến cao hơn 0,5 - 1 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Tháng 12, không khí lạnh sẽ gia tăng về tần suất và cường độ.
"Trong thời kỳ này, hoạt động của không khí lạnh có xu hướng gia tăng về tần suất và cường độ. Rét đậm, rét hại có khả năng xuất hiện trong khoảng nửa cuối tháng 12/2024. Cùng với đó, khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ tiếp tục xuất hiện các đợt mưa vừa, mưa to diện rộng. Ngoài ra, trên phạm vi cả nước vẫn có khả năng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh", ông Nguyễn Đức Hòa lưu ý.
Chuyên gia khí tượng thủy văn khuyến cáo, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm trên biển có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động của tàu thuyền. Trên đất liền, không khí lạnh, mưa lớn, dông mạnh kèm theo lốc, sét, mưa đá và gió giật có thể ảnh hưởng lớn đến sản xuất và các hoạt động dân sinh.
Tổng lượng mưa tại Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên phổ biến thấp hơn từ 5 - 10mm so với trung bình nhiều năm, riêng một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ có thể thấp hơn. Khu vực từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và phía Bắc Ninh Thuận có tổng lượng mưa cao hơn từ 50 - 100mm so với trung bình nhiều năm. Các khu vực khác phổ biến cao hơn từ 10 - 20mm so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Tổng lượng mưa ở Bắc Bộ trong tháng 12 phổ biến từ 10-35mm (thấp hơn từ 5-10mm so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ). Từ tháng 1-2/2025 phổ biến từ 15-40mm (xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ).
Tại khu vực Bắc Trung Bộ, tổng lượng mưa trong tháng 12 phổ biến từ 15-30mm, riêng khu vực Nam Nghệ An - Hà Tĩnh phổ biến 70-170mm (thấp hơn trung bình nhiều năm từ 5-20mm); các tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị phổ biến 120-240mm (cao hơn trung bình nhiều năm 15-40mm); các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Khánh Hòa phổ biến 250-500mm, có nơi cao hơn (cao hơn trung bình nhiều năm 30-70mm); khu vực các tỉnh từ Ninh Thuận - Bình Thuận phổ biến 40-90mm.
Cũng trong tháng 12/2024, tổng lượng mưa tại Tây Nguyên phổ biến từ 30-50mm; riêng một số nơi ở khu vực Nam Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến 50-80mm, có nơi cao hơn (từ 10-30mm so với trung bình nhiều năm cùng kỳ).
Nam Bộ có nhiều ngày giảm nhiệt
Theo Đài Khí tượng Thủy văn Nam bộ, không khí lạnh đang ảnh hưởng đến thời tiết khu vực. Hiện nay, áp cao lạnh lục địa có cường độ suy yếu dần ở phía Bắc, tuy nhiên vẫn khuếch tán yếu xuống Nam bộ trong 24 giờ tới.
Sáng 1/12, không khí lạnh tiếp tục khuếch tán xuống phía Nam khiến nền nhiệt tại các tỉnh, thành Nam bộ tiếp tục giảm.
Trong khoảng ngày 2/12, áp cao lạnh lục địa được tăng cường yếu và ngày 6/12 tăng cường mạnh xuống phía Bắc nước ta. Gió Đông Bắc trên vùng biển ngoài khơi Đông Nam bộ giảm dần cường độ tới ngày 6 - 7/12 tăng trở lại. Trên cao, áp cao cận nhiệt đới hoạt động ổn định, sau nâng trục dần lên phía Bắc. Rãnh thấp xích đạo khoảng ngày 4-5/12 suy yếu dần và hạ trục xuống phía Nam.
Để chủ động ứng phó, giảm thiệt hại trước các hình thái thời tiết trên, người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo trên website của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia tại địa chỉ nchmf.gov.vn, các Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, thành phố, khu vực; đồng thời cập nhật thường xuyên thông tin dự báo khí tượng thủy văn mới nhất trên các phương tiện truyền thông đại chúng chính thống của Trung ương và địa phương để chủ động ứng phó.
Chính quyền và các đơn vị chức năng cung cấp nhanh, kịp thời thông tin dự báo thiên tai cho người dân; vận động, tuyên truyền cũng như thực hiện lệnh cấm tuyệt đối người dân hoạt động tại các khu vực có nguy cơ rủi ro cao dễ xảy ra dông, lốc, sét, mưa đá... Người dân cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn công tác ứng phó, phòng tránh thiên tai của chính quyền địa phương.
Tháng 11 đã xuất hiện 4 đợt không khí lạnh, trong đó 26-28/11 nhiệt độ nhiều nơi xuống thấp như Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 7 độ, Sa Pa (Lào Cai), Đồng Văn (Hà Giang) 9 độ. Tháng 12, không khí lạnh sẽ gia tăng về tần suất và cường độ, các đợt rét đậm, rét hại có khả năng xuất hiện vào nửa cuối tháng.
Cháy lớn tại cơ sở phế liệu ở Nghệ An
Khoảng 15h ngày 1/12, người dân phát hiện đám cháy tại cơ sở phế liệu tại xóm 9, xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An nên tri hô ứng cứu, dập lửa.
Hiện trường vụ cháy.
Ngọn lửa sau đó nhanh chóng bao trùm lên toàn bộ kho chứa phế liệu, khói từ đám cháy bốc cao hàng trăm mét.
Nhận được tin báo, các lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường tham gia dập lửa. Đến gần 17h, vụ cháy đã được khống chế.
Theo lãnh đạo UBND xã Nghi Phong, vị trí xưởng nhựa nằm tách biệt và cách khu dân cư. Bước đầu, xác định không có thương vong về người nhưng thiêu rụi nhiều tài sản.
Nguyên nhân của vụ cháy đang được cơ quan chức năng làm rõ.
Nhiều tảng đá lớn lăn xuống ngôi làng ở Quảng Nam sau động đất
Nhiều tảng đá lớn rơi xuống làng Tu Hon, xã Trà Don, huyện Nam Trà My, Quảng Nam. Ảnh CQCC
Ngày 1/12, lãnh đạo UBND xã Trà Don (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) cho biết vừa kiểm tra hiện trường vụ sạt lở do động đất khiến hàng chục tảng đá lăn xuống làng Tu Hon, thôn 3, xã Trà Don. Chính quyền cũng đã báo cáo sự việc lên cấp huyện.
Trước đó, trong chiều và tối 30/11, tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum liên tiếp xảy ra 6 trận động đất. Trong đó, 3 trận động đất đầu xảy ra lúc 16 giờ 42 phút và lúc 17 giờ 12 phút có độ lớn lần lượt là 4 và 3,8 và 3,4 độ richter. Ba trận động đất sau đó nhỏ hơn.
Nhiều người dân trên địa bàn huyện miền núi Nam Trà My, Quảng Nam cho biết họ cảm nhận rõ rệt đợt rung chấn rất mạnh. Nhiều người hoảng sợ bỏ chạy ra khỏi nhà.
Tại làng Tu Hon, động đất đã gây ra tình trạng sạt lở với nhiều tảng đá rất lớn trên đỉnh núi Ngọc Mong lăn xuống khu vực trên đỉnh làng cách nhà người dân khoảng 30-50 m. Một số tảng đá rất lớn lăn, nằm chênh vênh ở vực cao hoặc mắc vào một số gốc cây trong quá trình trượt lở và có nguy cơ tiếp tục lăn xuống gây nguy hiểm cho 17 hộ với 69 nhân khẩu và điểm trường mẫu giáo tại làng Tu Hon.
Hiện, UBND xã Trà Don báo cáo khẩn cấp về UBND huyện Nam Trà My. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện chỉ đạo xã Trà Don khẩn trương tổ chức sơ tán khẩn cấp các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm để tránh bị đá lăn trúng, đồng thời lên phương án xử lý sự cố sạt lở.
Cảnh sát cứu tài xế đột quỵ khi lái ôtô trên cao tốc
Tổ tuần tra cao tốc (Đội 6, Phòng 6, Cục CSGT) tối 30/11 tuần tra trên tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết tại huyện Xuân Lộc phát hiện xe tải biển số TP HCM do ông Võ Tấn Danh, 40 tuổi, điều khiển, di chuyển có dấu hiệu không bình thường.
Tài xế được CSGT đưa vào Trung tâm Y tế huyện Xuân Lộc cấp cứu. Ảnh: Đội tuần tra
Ôtô chạy loạng choạng, lạng lách. Nghi tài xế có vấn đề về sức khoẻ, tổ cảnh sát nhanh chóng tiếp cận, cảnh báo để xe dừng lại. Cảnh sát lên ôtô thấy ông Danh trong tình trạng khó thở, không tỉnh táo, nằm nghiêng một bên, giọng nói không rõ ràng. Họ dùng xe chuyên dụng chở tài xế đến Trung tâm Y tế huyện Xuân Lộc, gần nhất trên tuyến để cấp cứu, di chuyển ôtô vào vị trí an toàn để nhà xe tới lấy.
Theo bác sĩ Bùi Thái Chiến, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Xuân Lộc, ông Danh được chuyển vào đo huyết áp đến 280, có dấu hiệu đột quỵ. Bác sĩ trực ca cho chụp CT để kiểm tra, phát hiện bệnh nhân xuất huyết não. Sau khi cho thuốc hạ huyết áp xuống 170, ca trực đã chuyển bệnh nhân lên bệnh viện tuyến trên. Sau đó người nhà đã xin chuyển ông Danh vào Bệnh viện Quân y 175 (TP HCM).
Trung tá, Ths.BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm Khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Quân y 175, cho biết bệnh nhân được chẩn đoán đột quỵ xuất huyết não, kèm cơn hen tim do tăng huyết áp, viêm phổi, tổn thương thận cấp. Bệnh nhân đang được hỗ trợ hô hấp, phối hợp nhiều biện pháp điều trị tích cực, tiên lượng bệnh còn nặng.
Tài xế đột quỵ khi đang lái ôtô không phải hiếm gặp. Gần đây nhất hôm 29/11, người đàn ông 43 tuổi khi điều khiển xe buýt chở khách ở khu vực quận Bình Thạnh, TP HCM, đã đột quỵ, được đưa đến bệnh viện nhưng sau đó không qua khỏi.