Tình cảnh Argentina mua máy bay chiến đấu: “Tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”
Do vướng tranh chấp chủ quyền với quần đảo Falklands/Malvinas với Anh, nên Argentina bị Anh cấm vận, ngăn cản quyết liệt mua bán vũ khí, kể cả máy bay chiến đấu giá rẻ.
Tiến Minh
Xem toàn bộ ảnh
Theo thông tin trên tờ Defense World, kế hoạch xuất khẩu máy bay chiến đấu JF-17 do Trung Quốc và Pakistan hợp tác sản xuất, cho khách hàng Argentina, có khả năng bị phía Anh ngăn chặn.
Lý do là trong chiến đấu cơ JF-17, có sử dụng một thành phần quan trọng, đó là ghế phóng của phi công, được sản xuất bởi Công ty Martin Baker của Anh. Đây cũng là thành phần duy nhất, của loại chiến đấu cơ này có xuất xứ từ phương Tây.
Anh trước đó đã áp dụng lệnh cấm vận vũ khí với Argentina sau Chiến tranh Falklands/Malvinas năm 1982; Anh mới đây cũng ngăn cản Hàn Quốc, bán 12 máy bay chiến đấu hạng nhẹ T/A-50 cho Argentina. Lý do T/A-50 sử dụng một số bộ phận do Anh sản xuất, bao gồm thiết bị hạ cánh và ghế phóng do Martin Baker chế tạo.
Ngay từ năm 2015, sau khi Không quân Argentina cho loại biên tất cả các máy bay chiến đấu Mirage III của Pháp, họ đã tích cực tìm kiếm một loại máy bay chiến đấu siêu thanh mới, để thay thế phi đội máy bay chiến đấu của họ.
Argentina đã tiếp cận một số máy bay chiến đấu đã qua sử dụng của một số quốc gia như Mirage F-1 của Không quân Tây Ban Nha, Kfir của Không quân Israel và máy bay hạng nhẹ mới T/A-50 của Hàn Quốc.
Đầu năm nay, sau hợp đồng mua bán thất bại với Hàn Quốc, nhóm liên doanh Trung Quốc – Pakistan sản xuất máy bay chiến đấu JF-17, đã cử một phái đoàn đến Buenos Aires vào ngày 8/5, để tìm hiểu và tiếp thị loại chiến đấu cơ hạng nhẹ này.
Theo thông tin, phái đoàn đã thảo luận về việc bán 12 máy bay chiến đấu JF-17 với Argentina và thăm các cơ sở sản xuất máy bay của Argentina (FadeA), nhà sản xuất máy bay Argentina. Trong tương lai, FAdeA có thể tham gia vào việc lắp ráp hoặc bảo dưỡng máy bay chiến đấu.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ phái đoàn Trung Quốc-Pakistan sẽ cung cấp cho Argentina phiên bản JF-17 Block II đã được sử dụng, hay phiên bản JF-17 Block III sắp ra mắt, khi phiên bản Block III có nhiều tính năng mới hiện đại hơn.
Phiên bản Block III ngoài việc được trang bị vũ khí hàng không mới nhất, còn trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) tiên tiến, đưa hiệu suất của nó có thể sánh ngang với tiêm kích F-16V của Mỹ và JAS-39 Gripen của Thụy Điển. Tuy nhiên những tính năng này hoàn toàn chưa được kiểm chứng khách quan.
Việc mua chiến đấu cơ của Argentina lắm gian nan, Brazil trước đó đã hy vọng bán lại máy bay chiến đấu JAS-39, mà nước này đã sử dụng cho Argentina và cũng bị Anh ngăn chặn; vì máy bay chiến đấu JAS-39 cũng sử dụng các bộ phận do Anh sản xuất.
Công ty Martin Baker của Anh, đã cung cấp ghế phóng PK16LE cho tiêm kích JF-17 cho biết; vào ngày 5/9/2020, khi một máy bay chiến đấu JF-17 của Không quân Pakistan gặp nạn, phi công đã phóng dù thành công và thoát hiểm. Ghế phóng này là loại PK16LE của Martin Baker có độ tin cậy rất cao.
Ngoài lời đề nghị mua JF-17 của liên doanh Trung Quốc – Pakistan, Argentina cũng chính thức gửi thư mời thầu đến Nga về việc mua 12 máy bay chiến đấu Su-35. Phía Nga được yêu cầu cung cấp các thông tin chi tiết như tài chính, giá cả và một số điều khoản chi tiết cho việc mua máy bay chiến đấu liên quan.
Có thể nói Su-35 là một trong những máy bay chiến đấu thế hệ 4++ tốt nhất trên thị trường hiện nay; tính năng của nó vượt xa JF-17 về tốc độ, khả năng cơ động và khả năng mang được nhiều vũ khí hiện đại, kể cả đối không, đối đất và đối hải.
Nếu Argentina mua Su-35, chắc Anh sẽ không có cớ gì ngăn cản, vì Su-35 của Nga đều do các công ty của Nga chế tạo; tuy nhiên Argentina lại vướng đạo luật “Đạo luật Chống lại Kẻ thù của nước Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA)” của Mỹ, do vậy họ khó có cơ hội mua được loại chiến đấu cơ tiên tiến này. Nguồn ảnh: Flickr.
Cận cảnh tiêm kích JF-17 được Trung Quốc và Pakistan hợp tác sản xuất với tỷ lệ nội địa hóa rất cao. Nguồn: QQ.