Nhật Bản: tập trung tàu ngầm AIP
Căn cứ vào kế hoạch phát triển quốc phòng của Nhật Bản công bố năm 2011, để đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc, số lượng tàu ngầm trang bị cho Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản (JMSDF) sẽ tăng từ 16 lên 22 chiếc.
Tàu ngầm phi hạt nhân tiên tiến nhất Nhật Bản Soryu. |
Nhật Bản tương lai gần sẽ chủ yếu tập trung vào việc đóng mới các tàu ngầm phi hạt nhân tiên tiến nhất trang bị hệ thống đẩy AIP – lớp Soryu có lượng giãn nước khoảng 4.000 tấn khi lặn, lặn sâu tới 500m. Tàu được trang bị hỏa lực hiện đại với ngư lôi 533mm và tên lửa hành trình Harpoon.
Hiện nay, JMSDF đã được bàn giao và biên chế hoàn tất 5 chiếc Soryu. Theo kế hoạch còn 5 chiếc nữa sẽ được đóng, tốc độ bàn giao mỗi năm 1 tàu.
Bên cạnh việc xây dựng tàu ngầm trong nước, đã có tin Nhật Bản sẽ tăng cường hợp tác với nước ngoài. Theo đó, có thể Nhật Bản sẽ giúp Australia trong phát triển và trang bị hệ động lực không khí độc lập AIP tiên tiến.
Hàn Quốc: hướng tới nội địa hóa 100%
Nhằm đối phó với lực lượng tàu ngầm đông đảo của Triều Tiên, Hàn Quốc đã vạch ra cho mình 3 giai đoạn lớn xây dựng kho tàu ngầm hùng mạnh. Trong đó 2 giai đoạn đầu tiên đóng 2 lớp tàu ngầm theo công nghệ của Đức gồm: KSS-I đóng 9 tàu ngầm Type 209/1200 (tên Hàn Quốc là lớp Chang Bogo); KSS-II đóng 9 tàu ngầm Type 214 (tên Hàn Quốc là Sohn Won-il).
Tàu ngầm Type 214 của Hàn Quốc. |
Trong đó, chương trình đóng Type 214 đã được hoàn thiện 3 chiếc, còn 6 chiếc phải đóng. Lớp tàu này có lượng giãn nước khoảng 1.800 tấn, trang bị hệ thống động cơ đẩy không khí độc lập AIP.
Giai đoạn 3 được gọi là KSS-III dự kiến sẽ đóng tàu ngầm theo công nghệ hoàn toàn của Hàn Quốc. Lớp tàu này sẽ có lượng giãn nước khoảng 3.000 tấn và dùng 2 phiên bản động cơ: điện - diesel và hạt nhân. Dự kiến, chiếc KSS-III đầu tiên chính thức phục vụ vào năm 2022.
Ấn Độ chậm chạp
Dù đã có trong biên chế tới 16 tàu ngầm các loại, tuy nhiên với việc xảy ra hàng loạt vụ tai nạn liên quan tới tàu ngầm Kilo. Bên cạnh đó là sức ép từ sự trỗi dậy mạnh mẽ của Hải quân Trung Quốc khiến Ấn Độ thúc đẩy chương trình mua sắm, nâng cấp sức mạnh dưới mặt biển. Dù vậy, các chương trình này thường chậm trễ, gián đoạn thời gian dài vì nhiều vấn đề (hối lộ, tham nhũng, kĩ thuật kém)
Theo các báo cáo đánh giá, Hải quân Ấn Độ đang có kế hoạch mua 6 tàu ngầm phi hạt nhân lớp Scorpene của Pháp. Ngoài ra, Ấn Độ còn sẽ dựa vào thiết kế của nước ngoài để đóng 6 tàu ngầm Type 75I (có thể mang tên lửa hành trình siêu âm BrahMos do Nga và Ấn Độ liên kết chế tạo). Dù vậy, các kế hoạch này tuy được công bố thời gian dài nhưng tiến triển rất chậm chạp.
Ấn Độ đang muốn thuê thêm tàu ngầm hạt nhân từ Nga. |
Để tăng cường thực lực lực lượng tàu ngầm hạt nhân, Ấn Độ đã thuê một tàu ngầm hạt nhân Project 971U trong thời gian 10 năm từ Nga. Theo một số nguồn tin, Ấn Độ đang đàm phán thêm với Nga để thuê một tàu ngầm hạt nhân khác.
Chuyên gia phân tích phương Tây cho rằng, Ấn Độ có thể sẽ sử dụng thiết kế động lực của tàu ngầm hạt nhân Project 885 Yasen của Nga để đóng tàu ngầm hạt nhân cho nước này.
Tàu ngầm hạt nhân INS Arihant do Ấn Độ tự chế tạo đã khởi động hệ thống động cơ hạt nhân ngày 10/8/2013. Tàu ngầm này đang được tiến hành thử nghiệm trên biển. Theo một số suy đoán, nó sẽ chính thức được trang bị cho Hải quân Ấn Độ trong năm nay.
Tuy nhiên tàu ngầm hạt nhân thứ 2 mà Ấn Độ đang đóng cũng gặp một số vấn đề. Đặc biệt là hồi tháng 3/2014 một công nhân đã bị thiệt mạng khi thử nghiệm áp lực thân tàu.
Trong chương trình phát triển vũ khí chiến lược trên biển, nước này đã đạt được một số thành tựu ban đầu. Tháng 3/2014, Ấn Độ tiến hành phóng thử nghiệm tên lửa đạn đạo phóng ngầm K-4 có tầm bắn 3.500km, sẽ trang bị cho tàu ngầm hạt nhân do Ấn Độ tự sản xuất. Ngoài ra, Ấn Độ còn đang thử nghiệm tên lửa đạn đạo phóng ngầm K-15 có tầm bắn 750km.
Pakistan: bắt tay với Trung Quốc
Nước láng giềng và cũng thường xuyên xảy ra tranh chấp với Ấn Độ - Pakistan cũng vạch ra chương trình mua sắm tàu ngầm mới.
Bộ trưởng quốc phòng Pakistan cuối tháng 3/2014 đã tiến hành thảo luận với Trung Quốc về một loạt các dự án hợp tác trong lĩnh vực hải quân, trong đó cũng bao gồm việc nước này mua tàu ngầm phi hạt nhân của Trung Quốc.
Trước đó, tháng 2/2014 Trung Quốc cũng đã từng tuyên bố, Pakistan có ý mua 6 tàu ngầm S20 do Trung Quốc sản xuất.
Hải quân Pakistan hiện có 3 chiếc tàu ngầm lớp Agosta 90B, 4 chiếc tàu ngầm lớp Daphne và 2 chiếc tàu ngầm Type 70 lớp Agosta. Dù vậy, 4 chiếc lớp Daphne được cho là sắp nghỉ hưu.
Tàu ngầm S20 đang được Trung Quốc tiếp thị tới Pakistan và một số nước khác. |
Bangladesh: khách hàng đầu tiên của tàu ngầm TQ
Trong khi Pakistan đang lưỡng lự trong việc mua tàu ngầm Trung Quốc thì Bangladesh “nhanh tay” ký mua 2 tàu ngầm phi hạt nhân tấn công Type 035 thế hệ cũ của Trung Quốc. Điều này đưa Bangladesh trở thành khách hàng đầu tiên mua tàu ngầm Trung Quốc.
Theo một số nguồn tin, tổng giá trị của hợp đồng này là 206 triệu USD, hai tàu ngầm này sẽ được bàn giao trước năm 2019. Xét đến khả năng trả tiền có hạn của Bangladesh, vẫn chưa rõ nước này làm thế nào để trả chi phí đó.
Australia cắt giảm mua mới tàu ngầm
Theo “sách Trắng” quốc phòng công bố năm 2009 của Bộ quốc phòng Australia, trong tương lai Hải quân Australia sẽ có 12 tàu ngầm mới, để thay thế 6 tàu ngầm lớp Collins cũ.
Tuy nhiên chính phủ Australia đang xem xét việc giảm số lượng mua tàu ngầm mới, đồng thời nâng cấp hiện đại hóa toàn bộ tàu ngầm cũ đang sử dụng. Bộ trưởng quốc phòng Australia tuyên bố, hải quân nước này sẽ có 3 tàu ngầm mới trước năm 2017.
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong giai đoan 2014-2021, quy mô thị trường tàu ngầm của khu vực châu Á-TBD sẽ chiếm 23,8% thị trường thế giới.
Quan chức Hải quân Mỹ chỉ ra, do số lượng tàu ngầm của các nước châu Á-TBD tăng nhanh chóng, nguy cơ xảy ra xung đột tàu ngầm tại khu vực này đang tăng. Chuyên gia phân tích cho rằng, khu vực này hiện tập trung hơn 60% tàu ngầm toàn thế giới. Theo thời gian, tỷ lệ này có thể sẽ được đẩy lên cao hơn nữa.