Cách đây không lâu, dư luận trong nước từng xôn xao trước thông tin ông Huỳnh Phú Tân (ngụ tại xã Long Điền, huyện Long Hải, Bạc Liêu) đã gửi đơn đến Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận xin phép được khai thác khoảng 3 tấn vàng của người Nhật chôn giấu dưới lòng sông Cà Ty (TP. Phan Thiết).
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận sau đó cũng đã phúc đáp và hướng dẫn ông Tân thực hiện các nội dung theo quy định để xem xét việc "xin khai thác 3 tấn vàng do quân đội Nhật chôn giấu dưới sông Cà Ty".
Tuy nhiên, ông Tân không thực hiện đúng theo các nội dung hướng dẫn. Cụ thể, người đàn ông này không có phương án thăm dò và phương án khai thác vật quý. Ông chỉ nêu ra một số ý về thời gian, cách thức thực hiện và xử lý tài sản sau thăm dò. Đồng thời, ông Tân cũng không cung cấp được bất kỳ tài liệu, hình ảnh, thông tin nào liên quan để chứng minh sự tồn tại và nguồn gốc về nơi chôn giấu “kho báu”.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cũng cho biết ông Tân cho biết chỉ nghe một người quen, hiện đang sống ở Tánh Linh (khoảng 80 tuổi) kể lại. Người này đề nghị ông Tân đứng ra xin khai thác, chứ không phải "cụ tổ" phát hiện như đã ghi trong đơn. Tuy nhiên, ông Tân không cung cấp thông tin cụ thể về người quen này. Từ thực tế trên, Sở khẳng định không có cơ sở để xem xét, giải quyết việc xin khai thác “kho báu” 3 tấn vàng dưới sông Cà Ty theo đơn đề nghị của ông Tân.
Ảnh minh họa. |
Trước đây, cụ Trần Văn Tiệp (trú quận Phú Nhuận, TP. HCM) cũng đã có hành trình hàng chục năm khai thác kho báu 4.000 tấn vàng trên núi Tàu, huyện Tuy Phong, Bình Thuận. Dù UBND tỉnh Bình Thuận đã nhiều lần cấp giấy phép, gia hạn giấy phép, nhưng đến khi cụ Tiệp mất, kho báu vẫn chưa tìm thấy.
Tính đến thời điểm hiện tại, thông tin “kho báu 4.000 tấn vàng” trên núi Tàu hay “kho báu 3 tấn vàng” dưới đáy sông Cà Ty vẫn chưa có bằng chứng xác thực. Tuy nhiên, Bình Thuận lại được biết đến là tỉnh sở hữu nhiều “kho báu” thực sự khác do thiên nhiên ban tặng.
Trong đó, đáng chú ý là tỉnh miền Trung này có trữ lượng zircon dẫn đầu cả nước. Đây là một khoáng vật phổ biến trong nhiều loại đá mácma, biến chất và trầm tích, có màu sắc đa dạng, từ không màu, vàng, nâu, đỏ đến xanh lá cây, xanh dương. Trong đó, mẫu vật không màu có giá trị như đá quý được sử dụng rộng rãi thay thế cho kim cương, các mẫu vật này còn được gọi là "kim cương Matura". Trên thế giới, zircon được sử dụng như một loại đá quý, đại diện cho sự giàu sang, danh dự và trí tuệ.
Về nước khoáng thiên nhiên bicarbonat, Bình Thuận có hơn 10 mỏ với trữ lượng cao và chất lượng tốt, bao gồm cả mỏ nước khoáng nóng 700 độ C. Tổng trữ lượng có thể khai thác lên đến trên 300 triệu lít mỗi năm. Hiện tại, hai mỏ đang được khai thác và kinh doanh là Vĩnh Hảo và Đa Kai.
Cát thủy tinh ở Bình Thuận cũng được tìm thấy tại 4 mỏ ở các huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình và Hàm Tân với trữ lượng trên 500 triệu m3. Chất lượng cát tại đây đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu và phù hợp cho sản xuất thủy tinh cao cấp, kính xây dựng và gạch thủy tinh.
Đá granite ở Bình Thuận có trữ lượng rất lớn và phân bố rộng khắp. Ngoài ra, sét bentonite, được sử dụng trong công nghiệp hóa chất và khai thác dầu mỏ, cũng có trữ lượng khoảng 20 triệu tấn.