Theo Washington Post, một thẩm phán giấu tên đã đưa ra phán quyết bất ngờ vào ngày 22/6. Theo vị thẩm phán này, trong video, nữ người mẫu có nói “không” để phản đối việc quay phim, không phải để từ chối quan hệ tình dục. Do đó, tòa án bác đơn tố cáo của người phụ nữ, đồng thời bắt cô nộp phạt.
Gina-Lisa Lohfink phải nộp phạt vì tố bị hiếp dâm. |
Trở lại năm 2012, nữ người mẫu playboy Gina-Lisa Lohfink (29 tuổi) đệ đơn tố cáo hai người đàn ông, được xác định là Pardis F. và Sebastian C., hãm hiếp cô. Nữ người mẫu cho biết, họ đánh thuốc mê, hãm hiếp cô rồi quay video trước sự cầu xin bất lực của nạn nhân.
Theo các phương tiện truyền thông Đức, đoạn video bị phát tán trên mạng có ghi rõ Lohfink lặp đi lặp lại “Dừng lại”, “Không”.
Tuy nhiên, hồi tháng Giêng vừa qua, tòa án lại nhận định kết quả phân tích video cho thấy Lohfink chỉ phản đối việc quay phim, nhưng vẫn đồng ý quan hệ tình dục.
Dựa trên căn cứ đó, mới đây, tòa tuyên phạt Lohfink 24.000 euro (khoảng 608 triệu đồng). Hai người đàn ông bị kết tội phân phối video đồi trụy với khoản phạt 1350 euro (khoảng 34 triệu đồng).
Bản án chống lại nữ người mẫu Lohfink góp phần làm căng thẳng thêm cuộc tranh luận vốn đã gay gắt ở hai bờ Đại Tây Dương về xử lý tư pháp các vụ tấn công tình dục.
Hồi tháng 5, bản án 6 tháng tù giam và ba năm tù treo đối với cựu vận động viên ở Đại học Stanford bị kết tội hiếp dâm khiến dư luận Hoa Kỳ phẫn nộ.
Trường hợp của Lohfink cũng phủ sóng khắp các mặt báo tại Đức. Thậm chí, cộng đồng còn mở ra chiến dịch “Không có nghĩa là không” để nâng cao ý thức về tệ nạn hiếp dâm ở quốc gia đông dân nhất Tây Âu.
“Họ biến tôi từ một nạn nhân thành kẻ phạm tội”, Lohfink, cựu thí sinh “Next Top Model Đức”, bức xúc trên tờ Der Spiegel Online, “Tôi có nên bị giết trước? Liệu khi đó pháp luật có đứng về phía tôi?”.
Từ lâu, nước Đức bị các nhóm nhân quyền bảo vệ phụ nữ chỉ trích bởi luật hiếp dâm ở nước này tương đối yếu. Theo đó, pháp luật hiện hành ở Đức cho rằng “Không” khi quan hệ tình dục không đủ cấu thành tội hiếp dâm, nạn nhân phải cho thấy những bằng chứng về phản kháng vật lý.
Các nhóm nhận quyền nhận định, với định nghĩa đó, một số lượng lớn những kẻ bị cáo buộc hiếp dâm không bị trừng phạt. Họ trích dẫn vụ án hiếp dâm năm 2012: Một kẻ bị cáo buộc tấn công tình dục phụ nữ mang thai; tòa không kết tội kẻ này do người phụ nữ không dám phản kháng, sợ ảnh hưởng đến thai nhi.
Thậm chí, những người đại diện cho chính quyền Đức cũng nhận thấy sơ hở trong pháp luật quy định về tội hiếp dâm. “Chúng ta cần siết chặt pháp luật về tội phạm quan hệ tình dục. “Dứng lại” là đủ rõ ràng”, Bộ trưởng Bộ gia đình Đức Manuela Schwesig trả lời trên Spiegel online.
Được biết, Lohfink và luật sư đại diện sẽ kháng cáo vào ngày 27/6 tới với hy vọng được xét xử công bằng.