Khách hàng xem điện thoại iPhone trong một cửa hiệu Apple Store ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AP. |
Một tòa án Trung Quốc ngày 10/12 đã ra phán quyết cấm nhập khẩu và bán một loạt mẫu điện thoại iPhone tại thị trường nước này. Quyết định bất ngờ này được cho là có thể đẩy leo thang cuộc chiến thương mại căng thẳng giữa hai nước - hãng CNN đưa tin.
Phán quyết trên được đưa ra trong vụ hãng sản xuất con chip Mỹ Qualcomm đâm đơn kiện đối thủ đồng hương Apple lên tòa án Trung Quốc, cáo buộc Apple vi phạm bằng sáng chế.
Lênh cấm không được áp dụng đối với các mẫu điện thoại mới nhất của "quả táo", gồm iPhone XS, iPhone XS Plus và iPhone XR, bởi các mẫu này chưa ra mắt ở thời điểm Qualcomm nộp đơn kiện. Các mẫu bị cấm gồm có iPhone 6S, iPhone 6S Plus, iPhone 7, iPhone 7 Plus, iPhone 8, iPhone 8 Plus và iPhone X.
Theo nhà phân tích Daniel Ives thuộc Wedbush Securities, các mẫu bị cấm nói trên hiện chiếm khoảng 10-15% doanh số iPhone tại Trung Quốc.
Trong đơn kiện, Qualcomm cáo buộc Apple xâm phạm hai bằng sáng chế của hãng. Trong đó có một sáng chế cho phép người dùng chỉnh sửa và điều chỉnh kích cỡ ảnh trên điện thoại, và một sáng chế cho phép người dùng quản lý ứng dụng bằng màn hình cảm ứng.
Hiện chưa rõ phán quyết trên sẽ có ảnh hưởng như thế nào. Phán quyết được công bố ngày thứ Hai, nhưng đã có hiệu lực từ tuần trước. Trong một tuyên bố ra ngày thứ Hai, Apple cho biết đã kháng cáo và nói rằng tất cả các mẫu iPhone của hãng hiện vẫn đang được bày bán tại Trung Quốc.
Apple cũng cáo buộc Qualcomm "chơi bẩn", nói rằng một trong hai bằng sáng chế mà Qualcomm đề cập đã được các tòa án quốc tế công nhận là của Apple, còn bằng sáng chế kia chưa bao giờ được dùng.
Giới đầu tư có vẻ không lo nhiều về vụ kiện này. Cổ phiếu Apple có lúc giảm 3% trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, nhưng chốt phiên tăng 0,7%. Cổ phiếu Qualcomm tăng 2%.
Tuy vậy, phán quyết cấm bán iPhone của tòa án Trung Quốc có thể "đổ thêm dầu vào lửa" cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. CNN nói rằng phán quyết này gây bất ngờ, vì giới phân tích trước đó tin rằng Trung Quốc sẽ bác bỏ đề nghị của Qualcomm.
Phán quyết được đưa ra trong bối cảnh phức tạp của quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thỏa thuận "đình chiến" thương mại trong 90 ngày của hai nước đang bấp bênh sau vụ Canada bắt Giám đốc tài chính (CFO) của hãng công nghệ Trung Quốc Huawei theo đề nghị của Mỹ.
Apple và Qualcomm thì đang kiện lẫn nhau tại hàng loạt quốc gia trên thế giới, và bên nào cũng đã có được một vài chiến thắng trước bên kia.
Hồi năm 2017, Apple kiện Qualcomm, đòi bồi thường 1 tỷ USD sau khi Qualcomm ngừng trả phí để có được đặt quyền đưa con chip vào điện thoại iPhone. Tháng 1/2018, tòa an châu Âu ra lệnh Qualcomm phải trả cho Apple 1,2 tỷ USD.
Tại Mỹ, Qualcomm cũng có đơn kiện đề nghị tòa án liên bang cấm bán iPhone. Tháng 6 năm nay, Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) kết luận Apple vi phạm một bằng sáng chế của Qualcomm về công nghệ tiết kiệm pin, nhưng không chấp nhận đề nghị cấm bán iPhone.
Tháng 7, Qualcomm nói Apple sẽ không tiếp tục sử dụng modem do Qualcomm sản xuất trong iPhone. Sau tuyên bố này, Qualcomm cắt giảm dự báo lợi nhuận.
Lãnh đạo Qualcomm ngày 10/12 nói rằng căng thẳng Mỹ-Trung không có ảnh hưởng gì đến vụ kiện của hãng đối với Apple ở Trung Quốc.
Bản thân Qualcomm cũng gặp một vài thách thức ở Trung Quốc, bao gồm một phán quyết chống độc quyền vào năm 2014 khiến hãng này phải từ bỏ kế hoạch mua lại hãng sản xuất con chip Hà lan NXP Semiconductors với giá 44 tỷ USD.