Toàn cảnh 2 ngày thảo luận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp

Trong 2 ngày 3 và 4/6, Quốc hội dành toàn bộ thời gian tại hội trường để thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Mỗi phiên, danh sách đại biểu đăng ký phát biểu lên đến hàng trăm. Vấn đề đổi tên nước, quốc ca, mô hình chính quyền địa phương, tính chất các thành phần kinh tế… được thảo luận sôi nổi.

Giữ tên nước để giữ ổn định

Dự thảo Hiến pháp mới nhất sau khi tiếp thu ý kiến nhân dân đã nhận được sự đồng thuận khá cao của đại biểu. Một trong những nội dung được các đại biểu thảo luận trong các phiên họp là vấn đề đổi tên nước. Tuyệt đại đa số ý kiến đều đồng ý với việc giữ nguyên tên nước hiện tại.  Theo phân tích của đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) thì tên nước là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã sử dụng ổn định và được ghi nhận ở cả Hiến pháp 1980 và 1992. Nếu đổi sẽ gây tốn kém phức tạp.

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, ông Trần Văn Tư bày tỏ:"Với Đồng Nai, hơn 700 nghìn ý kiến thì chỉ một ý kiến đề nghị đổi tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sau đó chúng tôi trực tiếp phỏng vấn ý kiến này, thì chỉ có tâm tư tình cảm muốn trở về tên nước khi thành lập, chứ không có gì khác. Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, ông Phạm Đức Châu cho rằng  “tôi hoàn toàn nhất trí với dự thảo về tên nước ta vẫn là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.

Rất ít ý kiến cho rằng phương án đổi tên nước cần được xem xét. Phát biểu gần cuối phiên thảo luận sáng 3/5, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội, ông Chu Sơn Hà nói, thể chế chính trị của nước ta là cộng hòa, bản chất nhà nước là dân chủ đã được ghi nhận trong bản tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên đọc ngày 2/9/1945, và tiếp tục được khẳng định trong Hiến pháp. Điều này phù hợp điều kiện với đất nước trong giai đoạn hiện nay mà không ảnh hưởng tới mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta.

Không thay đổi quốc kỳ, quốc huy, quốc ca

Trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về các nội dung cụ thể của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên cơ sở ý kiến nhân dân, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho biết có ý kiến đề nghị thay đổi các chi tiết, màu sắc trong Quốc kỳ, Quốc huy và phần lời của bài Quốc ca. Tuy nhiên, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nhận thấy việc sử dụng các biểu trưng này đã có quá trình lịch sử tương đối lâu dài, đã được quy định và sử dụng ổn định từ Hiến pháp năm 1980 đến nay, do vậy, xin kế thừa các quy định này của Hiến pháp hiện hành.

Trong phiên thảo luận sáng 4/6, ông Huỳnh Thành (Gia Lai) cho rằng tới đây nên nghiên cứu sửa nội dung lời bài Quốc ca, cụ thể là sửa đoạn “đường vinh quang xây xác quân thù” bằng nội dung khác, vì vậy nên quy định trong Hiến pháp theo hướng “Quốc ca nước CHXCN VN dựa trên nền nhạc bài Tiến quân ca của Văn Cao” chứ không nên quy định cứng “nhạc và lời của bài Tiến quân ca”.

Về việc thành lập Hội đồng hiến pháp, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho biết ông ủng hộ phương án 2, quy định Hội đồng Hiến pháp là cơ quan do Quốc hội thành lập, có các chức năng như kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời kiến nghị Quốc hội xem xét lại văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội khi phát hiện có vi phạm Hiến pháp.
Lựa chọn mô hình chính quyền địa phương

Nhiều ý kiến cho rằng mô hình chính quyền địa phương ở Việt Nam hiện nay đang đứng trước thực tế cần đổi mới để phù hợp với tình hình mới, trình độ phát triển của đất nước. Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội 2 phương án về mô hình chính quyền địa phương. Phương án 1: Giữ quy định về đơn vị hành chính và quy định khái quát về việc tổ chức chính quyền địa phương. Theo phương án này, Chương IX gồm 2 điều, một điều quy định về đơn vị hành chính, một điều quy định về việc thành lập, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương do luật định. Phương án 2: Giữ quy định về đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương như Hiến pháp hiện hành.

Phân tích và lựa chọn phương án 1 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, đại biểu Lê Văn Tân (Hà Nam) cho rằng, mô hình chính quyền địa phương như hiện nay còn nhiều bất cập. Nhiều nhiệm vụ của nhà nước từ Trung ương, tỉnh, huyện đều dồn về chính quyền cơ sở, trong khi tổ chức bộ máy chính quyền cấp xã rất nhỏ, số lượng ít, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu; điều kiện làm việc khó khăn, kinh phí hoạt động ít… Đại biểu đánh giá hoạt động của Hội đồng Nhân dân nhiều nơi còn nhiều hạn chế trong khi việc thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân chưa được tổng kết… Do vậy, Hiến pháp sửa đổi chưa cần cụ thể hóa những nội dung như phương án 1.
Có nên lập Hội đồng bảo hiến?

Với hai phương án có và không tổ chức hội đồng Hiến pháp, cơ chế bảo hiến cũng là nội dung được nhiều đại biểu tham gia bàn thảo. Trong khi khá nhiều vị đại biểu cho rằng không cần thiết lập cơ quan bảo hiến thì đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) lại khẳng định, việc bổ sung chế định bảo hiến độc lập là sự đổi mới cần thiết, phù hợp với thể chế chính trị của Việt Nam. Để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của hội đồng, vị đại biểu này cũng đề nghị bổ sung quy định hàng năm hội đồng bảo hiến báo cáo trước Quốc hội về những kết quả hoạt động của hội đồng và trình Quốc hội có phán quyết cuối cùng về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau giữa hội đồng bảo hiến và cơ quan chức năng.

Doanh nhân chưa có mặt trong Hiến pháp


"Nói một cách hình tượng, chúng ta có thể thấy cả khối đại đoàn kết toàn dân tộc diễu hành trong bản Hiến pháp mới, nhưng lại thiếu vắng đội ngũ doanh nhân", đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) góp ý. Đồng tình với ý kiến khẳng định "tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là khối đại đoàn kết toàn dân tộc", ông Lộc cho rằng nếu cần phải khẳng định nền tảng là khối liên minh giữa một số giai tầng xã hội thì cần bổ sung thêm đội ngũ doanh nhân.

Ông Vũ Tiến Lộc cũng cùng quan điểm với một số ý kiến đã phát biểu trước là không cần nói đến vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước tại Hiến pháp. "Việc không nói đến vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong Hiến pháp là phù hợp vì về mặt lý thuyết khi đã nói đến cạnh tranh, bình đẳng trước pháp luật thì khó có thể nói đến thành phần kinh tế này là chủ đạo, thành phần kinh tế kia không là chủ đạo.Về mặt thực tiễn, hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế nhà nước đang có nhiều vấn đề và trong lịch sử kinh tế thế giới cũng chưa thấy một nền kinh tế nào phát triển đạt tới trình độ cao mà dựa trên nền tảng chủ đạo của kinh tế nhà nước", ông Lộc phát biểu.


Tin mới