Bamboo Airways của tỷ phú Trịnh Văn Quyết đã cất cánh
Đầu năm 2019, Bamboo Airways đã có chuyến bay thương mại đầu tiên. Theo đó, Công ty đã khai thác khoảng 20 đường bay kết nối các tỉnh thành phố lớn của Việt Nam với các điểm du lịch, từ Hà Nội, TPHCM, Buôn Mê Thuột, Đà Lạt, Đà Nẵng, Đồng Hới, Vân Đồn, Nha Trang, Phú Quốc, Quy Nhơn, Thanh Hóa, Vinh, Cần Thơ, Pleiku...
Năm 2019, Bamboo Airways đặt mục tiêu phủ sóng hầu hết sân bay nội địa Việt Nam với 37 đường bay, tăng tần suất hoạt động lên 100 chuyến bay/ngày, phục vụ 5 triệu lượt hành khách.
Tháng 1/2019, Bamboo Airways chính thức gia nhập bầu trời. |
Đến nay, sau gần 1 năm cất cánh chính thức, Bamboo Airways đang khai thác 34 đường bay nội địa, quốc tế và đang nhanh chóng mở rộng mạng bay. Đội bay của hãng dự kiến đạt con số 30 máy bay đến tháng 1/2020, bao gồm các dòng máy bay hiện đại như Boeing 787-9 Dreamliner, Airbus A321neo...
Bamboo Airways hiện đã lên kế hoạch IPO mã cổ phiếu BAV với mức giá khởi điểm dự kiến 60.000 đồng/cổ phiếu.
Bamboo Airways, hiện chiếm gần 5% thị phần nội địa, tham vọng tăng lên 30% vào năm tới sau khi IPO và niêm yết cổ phiếu. Tuy nhiên, kết quả hợp nhất Bamboo Airway vào FLC (công ty mẹ của hãng bay này) đang cho thấy một phần sức ép lên bức tranh tài chính.
Trong 9 tháng đầu năm nay, khi Bamboo Airways bước vào giai đoạn mở rộng, FLC gần như không còn lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh. Biên lợi nhuận gộp của tập đoàn này giảm về gần 0%, trong khi cùng kỳ năm 2018, con số này đạt xấp xỉ 10%.
3 hãng hàng không chuẩn bị gia nhập bầu trời
Sau cú cất cánh của Bamboo Airways, nhiều doanh nghiệp có tiềm lực cũng có những động thái bước chân vào bầu trời. Có thể kể đến Vingroup khi thành lập Vinpearl Air, hãng dự kiến bắt đầu bay thương mại vào tháng 7/2020 với 6 máy bay thân hẹp.
Theo văn bản Bộ Giao thông vận tải gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, kế hoạch khai thác trong tương lai của Vinpearl Air được hé lộ. Cụ thể, về mạng đường bay, Vinpearl Air dự kiến khai thác 62 đường bay nội địa và 93 đường bay quốc tế cho đến năm 2025.
Trong đó, mạng đường bay nội địa có kết nối liên vùng, kết nối các cảng hàng không địa phương, các cảng hàng không thứ cấp. Mạng đường bay quốc tế kết nối các cảng hàng không quốc tế chính và thứ cấp đi/đến các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Malaysia và một số quốc gia châu Âu, Mỹ.
Về đội bay, Vinpearl Air dự kiến khai thác vận chuyển hàng không thường lệ, vận chuyển hành khách, hàng hóa, hành lý với quy mô 36 tàu bay vào năm 2025, khai thác các đường bay quốc tế, nội địa.
Cũng trong năm 2019, ông lớn trong ngành du lịch, lữ hành là Vietravel công bố sẽ mở Vietravel Airlines. Dự án lập hãng hàng không Vietravel Airlines có số lượng máy bay khai thác năm đầu tiên 3 chiếc Airbus A320, A321, Boeing B737 hoặc tương đương, tăng dần đến năm thứ 5 khai thác 8 máy bay.
Vietravel Airlines sẽ dành khoảng 5 - 6 tháng chuẩn bị cho việc cất cánh và dự kiến có chuyến bay đầu tiên vào tháng 11/2020.
Một tay chơi khác cũng muốn tham gia vào bầu trời hàng không là Kite Air của Thiên Minh Group. Sau khi liên doanh giữa Thiên Minh và AirAsia đổ vỡ, doanh nghiệp này đã quyết định tự mở hãng hàng không Cánh Diều (Kite Air).
Hãng bay của doanh nhân Trần Trọng Kiên dự kiến khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên vào quý I/2020 với 6 tàu bay ATR72 hoặc tương đương. Đến năm khai thác thứ 5 (2024), đội tàu bay sẽ tăng lên 30 chiếc, bao gồm 15 tàu bay ATR72 và 15 tàu bay A320/321 hoặc tương đương. Dự án đặt sân bay căn cứ tại CHK Chu Lai và CHK quốc tế Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư dự án 1.000 tỷ đồng.
Như vậy, tính đến năm 2020, khi các hãng mới đi đúng kế hoạch khai thác các chuyến bay thương mại đầu tiên, Việt Nam sẽ có đến 8 hãng hàng không với quy mô hơn 380 đội tàu bay đến năm 2023.
Các hãng hàng không hiện có ở Việt Nam. |
Vietjet xin triển khai tự phục vụ mặt đất, có được chấp thuận?
Giữa tháng 9, hãng hàng không Vietjet Air có văn bản xin phép Cục Hàng không cho hãng này được triển khai tự phục vụ mặt đất tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Cam Ranh từ 1/1/2020.
Theo Vietjet, hiện nay tại Nội Bài, hãng này đang khai thác 18 máy bay với 15 đường bay trong nước, 16 đường bay quốc tế với trung bình 150 chuyến bay/ngày. Số lượng máy bay và chuyến bay sẽ còn tăng trong thời gian tới.
Do đó, Vietjet xin được tự phục vụ mặt đất cho các công đoạn chuẩn bị chuyến bay như một số hãng khác thay vì thuê các đơn vị dịch vụ mặt đất.
Việc này nhằm tăng tính chủ động, tăng năng lực phục vụ theo kế hoạch, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ hành khách và uy tín của ngành hàng không Việt Nam tại sân bay Nội Bài. Hãng tự phục vụ sẽ tránh được tình trạng máy bay hạ cánh nhưng xe thang của đơn vị phục vụ mặt đất bận phục vụ máy bay hãng khác khiến khách phải ngồi chờ trên máy bay.
Đề xuất này đã đối mặt với sự không đồng thuận từ các công ty cung cấp dịch vụ mặt đất hiện tại tại các sân bay này bởi Vietjet hiện đang là một khách hàng lớn.
Trên thực tế, ngay sau khi Vietjet có đề xuất trên, CTCP Phục vụ mặt đất Hà Nội (HGS) và CTCP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS) cùng có báo cáo "than vãn" với Cục Hàng không. Các công ty này cho rằng, nếu Vietjet được tực phục vụ mặt đất sẽ khiến doanh thu và lợi nhuận của họ bị sụt giảm dẫn đến cắt giảm 50% nhân sự.
Nếu đề xuất của Vietjet được Bộ GTVT thông qua, Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng diễn biến này sẽ giúp Vietjet hưởng lợi. Bởi khi thành lập công ty dịch vụ mặt đất sẽ giúp Vietjet giảm chi phí và cải thiện hiệu quả hoạt động cho hãng hàng không này.
Tuy nhiên, việc phê duyệt thành lập công ty dịch vụ mặt đất mới sẽ khiến cuộc cạnh tranh càng trở nên gay gắt tại sân bay Nội Bài và Cam Ranh và ảnh hưởng tiêu cực đến các công ty hiện đang cung cấp dịch vụ mặt đất tại 2 sân bay này.