Tôi đã yêu một cô gái nạ dòng...

Nghe tin anh yêu em, rất nhiều người đã ngạc nhiên, sửng sốt. Nhưng, với anh, chỉ có một lý do duy nhất: Vì đó là tình yêu.

Nghe tin anh yêu em, rất nhiều người đã ngạc nhiên, sửng sốt. Có người còn lắc đầu bảo: “Mày điên thật rồi. Trai tân sao lại yêu gái nạ dòng. Vì sao mày lại làm vậy?”. Nhưng, với anh, chỉ có một lý do duy nhất: Vì đó là tình yêu.

Trước khi đến với anh, em từng có một đời chồng. Nhưng, rồi người chồng ấy đã biết bao lần khiến em phải bật khóc vì đau khổ. Anh ta cặp bồ bên ngoài, rồi về hành hạ, đánh đập em. Cuối cùng, em đồng ý ly hôn để anh ta chuyển đến sống với người phụ nữ mới. Em chỉ có một điều kiện duy nhất là “được giữ con lại bên mình”. Hai mẹ con em dọn về ngoại. ở tuổi 22, em phải đeo “cái tiếng” là “gái bỏ chồng”.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Nhưng, thật kỳ lạ. Dù từng khổ thế, em vẫn giữ được nét trong sáng, trẻ trung. Gương mặt em lúc nào cũng nở nụ cười. Em vẫn nhìn cuộc đời thật đẹp. Đó là lý do vì sao anh mến em ngay từ lần gặp đầu tiên. Chỉ có điều, anh càng “ráp vô” thì em lại lảng tránh. Là bởi em tự ti, em ngại “quá khứ” của mình. Em cũng lo sợ cảnh “bố dượng-con riêng”. Em khổ đã đành, nhưng, em không thể để con mình khổ thêm lần nữa. Em nói em làm bạn với anh thì được. Nhưng, anh đừng lấy em. Lấy em rồi thì anh khổ cả đời. Rồi còn gia đình anh nữa, hãy nghĩ cho họ trước.

Em nói thế là đã nghĩ cho “thân phận” của anh. Anh là con trai một. Anh tốt nghiệp đại học, đang làm cho một công ty lớn. Không lý gì mà không tìm được người con gái tốt hơn em. Em biết không, mọi người con gái trên đời có thể hơn em về mọi mặt. Nhưng, họ lại không có được trái tim anh như em.

Phải mất một năm đi lại, thuyết phục, em mới “xuôi xuôi”. Anh đã giúp em tin rằng, thất bại một lần trong hôn nhân không có tội. Em đừng chuốc hết trách nhiệm vào thân chỉ vì chót lấy phải người chồng vũ phu thiếu chung thủy. Em cũng không thể từ một cô gái đáng yêu trở thành người đàn bà đáng bị lên án khi... có con riêng. “Em hãy tin anh, anh sẽ làm cho em và con hạnh phúc”-anh đã nói vậy.

Không dễ để yêu một người con gái đã có con riêng. Nhưng, không phải là không làm được nếu mình thật lòng yêu cô ấy. Anh yêu em, nên anh tự nhủ mình cũng phải chấp nhận cả con của em nữa. Ban đầu, quan hệ của anh và con có phần gượng gạo. Anh chưa quen việc “bỗng dưng” được làm bố. Còn bé Nhím cũng luôn đề phòng anh. Nay, anh và Nhím đã là những người bạn thân thiết. Lắm lúc, khi anh và con ngồi bên nhau xem phim hoạt hình, em “lớ xớ” lại gần, là Nhím sẽ xuya tay “đuổi khéo”. “Mẹ đi ra chỗ khác. Đây là phim chỉ dành cho những người đàn ông chân chính” (ôi, cái giọng già như cụ non). Thể nào em cũng tị: “Trời ạ, hóa ra bây giờ, Nhím còn yêu anh hơn em”.

Tất nhiên, cuộc tình của chúng mình sẽ chưa thể có ngay kết thúc tốt đẹp. Anh sẽ còn phải thuyết phục gia đình dần dần. Nhưng, anh tin mình sẽ làm được.

Một lần nữa, anh vẫn muốn nói với em rằng: Tình yêu sẽ giữ anh ở lại bên hai mẹ con em.

Triệt sản vì không muốn ly hôn đến hai lần

Tôi thất vọng, sụp đổ, thấy hối hận về việc tái hôn của mình. Sao tôi lại không được quyền sinh một đứa bé?

Tôi chia tay anh sau hơn bốn năm yêu nhau vì phát hiện ngoài tôi, anh còn có thêm nhiều cô khác. Tôi chủ động chia tay khi còn chưa kịp báo cho anh biết mình đang mang trong người giọt máu của anh. Sau đó bốn tháng anh cưới vợ ngay, chứng tỏ anh đã dự tính bỏ rơi tôi từ trước.

Tôi bỏ anh nhưng không muốn bỏ con nên chịu đựng biết bao đắng cay để sinh đứa bé. May mắn là con tôi chào đời bụ bẫm, khỏe mạnh; tôi cũng có cơ ngơi ổn định sẵn nên việc nuôi con không gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, khi bế con đi chơi, nhìn những đứa trẻ khác đươc cha nâng niu, tôi luôn thấy chạnh lòng, thấy con mình thật bất hạnh. Khi con gái được ba tuổi, bắt đầu đi nhà trẻ, tự dưng tôi khát khao một mái ấm gia đình. Quanh tôi lúc đó cũng có nhiều người để ý, nhưng khi biết tôi đã có con riêng, không ai muốn tính chuyện lâu dài nữa. Tôi hiểu, họ không thích nuôi con người khác. Tôi cũng không muốn con mình bị đối xử phân biệt nên đang cố kiếm tìm một đối tượng có hoàn cảnh tương tự, hy vọng sẽ dễ cảm thông với nhau hơn.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Cuối cùng tôi gặp được anh, một người đồng cảnh ngộ. Anh ly hôn vì vợ ngoại tình, đang nuôi con trai chưa đầy hai tuổi. Chúng tôi đến với nhau không tiệc cưới, không những lời chúc mừng, chỉ có một tờ đăng ký kết hôn. Anh đồng ý làm cha của con tôi, cho bé theo họ anh. Chúng tôi sống trong căn nhà do tôi tạo dựng. Cuộc chắp nối cũng tương đối hạnh phúc, tôi bằng lòng với những gì mình đang có và mong chờ một đứa con chung. Thế nhưng, suốt bảy năm tôi không thể có thai. Đi kiểm tra sức khỏe, tôi không có vấn đề gì nhưng khi bảo anh đi thì anh từ chối, nói không có con cũng chẳng sao, vì ai cũng có con riêng của mình rồi. Nghi ngờ, tôi tìm hiểu và phát hiện anh đã triệt sản ngay khi quyết định về sống với tôi. Anh giấu tôi chuyện đó, giả vờ như mình cũng mong con.

Tôi thất vọng, sụp đổ, thấy hối hận về việc tái hôn của mình. Cuộc sống hôn nhân đâu thể thiếu tiếng trẻ thơ, tôi còn trẻ, sao lại không được quyền sinh một đứa bé có đầy đủ cha mẹ một cách danh chính ngôn thuận chứ? Anh đã lừa dối tôi, anh muốn tôi làm mẹ con anh nhưng lại cố tình không cho tôi được làm mẹ của đứa con chung, thì cuộc hôn nhân này còn có ý nghĩa gì? Tôi đề nghị ly hôn, anh không đồng ý, khuyên tôi hãy suy nghĩ lại, dù gì tôi cũng đã có con của riêng mình, anh mong tôi hãy vì hai đứa trẻ mà duy trì hôn nhân cho chúng có một gia đình đầy đủ cha mẹ. Anh không muốn ly hôn đến hai lần. Bạn bè biết chuyện khuyên tôi sống như vậy dù sao cũng đỡ hơn phải làm mẹ đơn thân, nhưng tôi không thấy mình hạnh phúc.

Mới đây, anh đề nghị tôi nuôi thêm đứa cháu gọi anh bằng cậu vì chị anh đi bước nữa, theo chồng xuất cảnh, bỏ rơi con mình. Tôi nghe mà nghẹn đắng lòng. Sao con của chị thì anh vui vẻ đón nhận mà không để tôi được sinh đứa con của chính anh, giọt máu nhân danh tình yêu của chúng tôi? Tôi nhận ra anh là người đàn ông ích kỷ, chỉ biết sống cho mình, làm theo ý mình, mặc kệ cảm nhận của người bạn trăm năm. Tình cảm trong lòng tôi dần nguội lạnh rồi tắt hẳn. Liệu tôi có nên tiếp tục chung sống với người mình không còn cảm giác khi gần gũi? Phải chăng tôi đã chọn lựa sai lầm?

“Em mà cứ lớ xớ, anh tước quyền nuôi con“

Từng đó thời gian, tôi vẫn “ngụp lặn” với câu hỏi: Phụ nữ phải chăng không có quyền khẳng định bản thân và thể hiện năng lực với xã hội.

Mới rồi, sau 15 năm ra trường, lớp đại học của chúng tôi tổ chức họp lớp lần đầu tiên. Thật may, lại họp vào đúng buổi trưa của ngày thứ 2 mà tôi mới có thể tham dự được. Từ ngày lập gia đình đến nay, tôi có một luật bất thành văn là không vui chơi, không bạn bè, không bù khú vào ngày nghỉ cuối tuần (vì lúc đó cả hai con tôi đều nghỉ học, làm gì có người trông), không đi vào lúc chiều tối (vì tôi còn phải lo đón con, rồi tạt qua chợ mua đồ ăn tối), cũng không đi đâu quá xa nhà.

Bao năm xa cách, nay hội ngộ, tôi thấy bạn bè mình đều thay đổi. Trừ một số ít có phần già đi, xuống sắc, đa phần các bạn đều “phát” theo hướng rất là tích cực. Con trai tự lái xe ô tô riêng, con gái thì váy vóc, làm đầu xoăn, nhuộm tóc màu hạt dẻ, đánh má phấn môi son rất nét. Nhiều bạn khoe đã mua được nhà, hơn thế còn là nhà ở phố trung tâm, hoặc chí ít cũng là chung cư cao cấp với 3-4 phòng ngủ. Chỉ có tôi là mỗi vậy, không lên, không xuống.

- Trông cậu vẫn vậy, Thương nhỉ?

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Cậu bạn tên Hải, hồi còn đi học ngồi trước tôi, tiến lại gần, nhận xét. Tôi cười. “Ừ mình vẫn vậy”. Hải lại nói tiếp: “Có nhiều bạn, mình phải nghĩ mới ra tên. Riêng Thương thì không lẫn đi đâu được. Vẫn kiểu tóc ngắn “vừa nhanh vừa tiện”, kiểu quần bò áo phông “vừa tiện, vừa nhanh”… Bao năm rồi, Thương cứ là Thương của ngày nào, đứng ngoài mọi đổi thay của xã hội, không chạy theo mốt, không cần biết thiên hạ đang sắm sửa gì".

Tôi không biết Hải nói vậy là khen hay chê tôi. Nhưng tôi thì tự cho rằng, đó là lời chê ngầm. Thực tế thì không chỉ có mỗi hình thức thôi đâu, ngay cả sự nghiệp, tiếng tăm của tôi cũng không có gì thay đổi so với thời chỉ là một cô cử nhân.

- Dạo này Thương làm gì? Chắc hẳn giỏi như Thương, giờ đã là trưởng phòng, mà có khi còn là giám đốc nữa ý chứ-lại một cô bạn khác tên Doan đon đả hỏi thăm.

Tôi chỉ gượng cười, khe khẽ nói rất nhỏ: “Đâu có. Mình thất bại trong mọi việc, ngoại trừ niềm tự hào đã có hai con, đủ nếp đủ tẻ”.

Tôi nói vậy bởi ngày còn học đại học, tôi là lớp phó của lớp. Và chỉ thiếu một chút xíu nữa thôi là tôi đủ điều kiện để được giữ lại trường làm giảng viên. Khi chứng tôi chia tay sau lễ tốt nghiệp, rất nhiều người nghĩ tôi sẽ nằm trong nhóm sẽ sớm có “tương lai tươi sáng”.

Kỳ thực ngược lại. So với các bạn bây giờ, tôi là kém nhất. Không phải là vì tôi không có năng lực, mà có lẽ, tôi đã không quyết tâm phấn đấu để được tỏa sáng.

Lý do bởi vì, tôi có một gia đình để luôn phải bận tâm, lo lắng. Gia đình tôi gồm 4 người: tôi, chồng và hai con. Một đứa lớp 3, một đứa sắp vào lớp 1 nên không còn cảnh phải bế bồng, cháo lão. Nhiều người sẽ bảo, tưởng gì chứ có thế thôi mà cũng kể lể. Nhiều cô dâu còn phải lo vun vén trong gia đình tam tứ đại đồng đường mới gọi là khó và vất vả.

Nhưng, tôi lại khác. Chồng tôi có quan niệm, phụ nữ là người xây tổ ấm, còn đàn ông thì chỉ… xây nhà thôi. Anh tuyên bố, tôi không phải phấn đấu nhiều. Chỉ cần tìm một việc làm ổn định, sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, chủ yếu là để khỏi buồn và bị mang tiếng là “ăn bám”. Còn lại tôi cứ dành hết thời gian mà chăm lo cho chồng con. Chồng tôi có thể đi suốt ngày thì được. Nhưng, anh không chấp nhận tôi mở miệng kêu “em bận”. Với anh, phụ nữ không được quyền bận. Không công việc nào quan trọng bằng công việc nội trợ. Mọi việc xảy ra trong nhà đều chỉ có tôi gánh vác là chính. Con ốm-cũng chỉ tôi xin nghỉ để đưa đi khám. (trừ khi con ốm nặng anh mới “xuất chiêu”). Con tan học-nhiệm vụ đưa đón cũng thuộc về tôi. Rồi chợ búa, cơm nước-không tôi thì còn ai lo. Chồng về mà thấy tôi đã ở nhà chăm con, nấu nướng thì tỏ ra rất hài lòng. Nhưng, ngược lại, anh về trước tôi là mặt nặng mày nhẹ tra cật xem tôi làm gì, đi đâu mà muộn vậy.

Như tôi đã nói, tôi không phải là người kém cỏi, dốt nát gì. Ở cơ quan, nhiều lần tôi cũng được cấp trên “dấm” vào vị trí này, chức vụ nọ. Đổi lại, sếp muốn tôi hãy chứng tỏ mình nhiều hơn. Làm việc thì không phải cứ 4 giờ chiều là đứng dạy mà có thể ở lại cống hiến cùng anh em. Rồi tôi cũng nên đăng ký tham gia học thêm về nghiệp vụ, hay là học “nâng cấp bằng” lên thạc sĩ, tiến sĩ, sau này rất tiện cho quá trình quy hoạch. Vừa hay cơ quan tôi được thành phố rót về chỉ tiêu học thạc sĩ, kinh phí nhà nước cho toàn bộ. Người học chỉ phải sắp xếp thời gian học ngoài giờ. Tôi hý hứng về hỏi ý kiến chồng thì anh vội vàng gạt đi. Rồi anh nhìn như thể tôi là vật thể lạ mới rớt xuống: “Em tỉnh lại đi. Học hành cái gì. Sự nghiệp của em là gia đình, là con cái. Em đi học thì ai lo cho con. Vớ vẩn”. Tôi chưng hửng, đành im lặng.

Nhà thì có hai người lớn và hai đứa trẻ. Nhưng, tôi bận mà người lớn còn lại là anh mà không chịu giúp đỡ thì làm sao tôi tự mình xoay sở được. Thôi đành vậy. Tôi gãi đầu gãi tai đến xin sếp cho khất học đến lần sau. Và cứ thế, đã 10 năm, tôi vẫn cứ lấy tiếng “con nhỏ” để khước từ các cơ hội. Trong khi đó, nhiều nhân viên trẻ, vào cơ quan sau tôi cả vài năm, nhưng đều đã lần lượt học xong bằng ngày cấp nọ. Có em, còn được đề bạt làm phó phòng.

Tôi không thuộc dạng ưa chức tước. Nhưng, tôi chỉ mong được cống hiến nhiều hơn cho công việc, được phép hăng say hơn thay vì suốt ngày phải lo đón con lúc nào, tối nay ăn gì. Bây giờ, mỗi lần nhìn các đồng nghiệp miệt mài bên bàn làm việc mà tôi thèm. Chồng tôi thì vẫn giữ quan điểm rằng: “Đàn bà con gái thì làm được gì. Nếu vợ mà thành danh trong sự nghiệp thì chỉ tổ vênh mặt với chồng, rồi hênh hoang mà thôi. Chi bằng, cứ ở nhà làm dâu hiền, vợ thảo, mẹ đảm đang”. Để dập tắt ý định mới nhen nhúm trong tôi, anh còn tiếp tục dội cho tôi gáo nước lạnh: “Phụ nữ nào có gia đình rồi mà còn mơ thành đạt là ảo tưởng. Em mà cứ lớ xớ, anh… tước quyền nuôi con. Lúc đó, em mới thấy công việc và con cái, cái nào cần cho mình hơn”.

Suy nghĩ đó của anh rất là phiến diện và quá ư bất bình đẳng. Nhưng, tôi đã phải chấp nhận nó mười mấy năm qua. Và cũng từng đó thời gian, tôi vẫn đang “ngụp lặn” với câu hỏi: Phụ nữ phải chăng không có quyền khẳng định bản thân và thể hiện năng lực với xã hội.

Tin mới