“Tôi không thể bỏ mẹ, bỏ em đi lấy chồng“

“Tôi không thể bỏ mẹ, bỏ em đi lấy chồng“
Đó là hoàn cảnh của gia đình cô Nguyễn Thị Im (42 tuổi) ở thôn Đại Phú, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, Quảng Nam.

35 năm là hộ nghèo nhất xã

Một ngày đầu tháng 4, nắng gắt như đổ lửa, chúng tôi được ông Nguyễn Văn Đành, trưởng thôn Đại Phú dẫn đến gia đình cô Nguyễn Thị Im với lời chia sẻ: “Đây là hoàn cảnh rất tội nghiệp, người con gái không lấy chồng để nuôi mẹ già bị bại liệt, em trai bị điên loạn, quanh năm làm thuê làm mướn...”
Nhà cô Im xây từ thời chiến tranh, năm 1968 nên đã cũ kĩ, xuống cấp. Thấy vậy nên người dân trong thôn vận động nhau giúp 3 mẹ con dựng được cái chái nhỏ để trú mưa nắng.

 

Ngôi nhà gia đình cô Im không có cửa, tường nứt dài...
 Ngôi nhà gia đình cô Im không có cửa, tường nứt dài...

Chúng tôi bước vào bên trong đúng lúc cô Im đang chăm sóc mẹ là cụ bà Nguyễn Thị Lâm (78 tuổi). 
Trong nhà cũng không có đồ đạc gì ngoài hai chiếc giường cũ, vài bộ quần áo và chiếc chiếu mục nát vắt lên dây. Ngay đến cả cái ghế ngồi cũng không có.
Cô Im khuôn mặt gầy gò, mặc bộ quần áo đã bốc mùi hôi lâu ngày, tâm sự: “Gia đình tôi có 3 mẹ con, mẹ tôi là người không tham gia cách mạng nhưng đã từng che giấu cán bộ, chuyển lương thực lúc chiến tranh, khi về già cũng không có hưởng chế độ gì. Bà bị liệt cũng được hơn 20 năm rồi, do té ngã nhưng gia đình không có tiền đi chữa trị nên đành vậy.
Em trai tôi (Nguyễn Văn Tổng, 40 tuổi) bị thần kinh, điên loạn ngay từ lúc nhỏ. Do quá nghèo nên gia đình cũng không có đi đâu khám cả. Suốt ngày nó cứ đi lang thang khắp nơi ở ngoài đường. Mọi việc từ vệ sinh tắm rửa, cơm nước cho cả mẹ và em trai một mình tôi lo liệu”.

Cô Im chăm sóc mẹ liệt giường suốt nhiều năm nay.
 Cô Im chăm sóc mẹ liệt giường suốt nhiều năm nay.

Ông Nguyễn Văn Đành cho biết: “Trước khi tôi làm trưởng thôn thì chính quyền đã đưa gia đình cô Im vào diện hộ nghèo, tính đến nay đã hơn 35 năm rồi, mỗi tháng được hỗ trợ 180 ngàn. Thật sự là quá ít ỏi để có thể nuôi sống cả 3 người”.
Cô Im cười trừ: “Số tiền đó không đủ để đong gạo cho 3 mẹ con nhưng không chết đói là mừng lắm rồi. Nhà không có ruộng đất gì để trồng trọt nên ai thuê gì thì tôi đi làm đó, ngày nhiều cũng được 20 ngàn. Những lúc như vậy cũng mua được bó rau, nước mắm mà nuôi nhau qua ngày.
Những khi không phải mùa vụ, chẳng ai thuê thì tôi phải đành đi hái rau muống, rau lang dại mà nuôi mẹ và em trai. Ăn miễn sống là được, không có sao cả”.

"Mẹ chết đi, chắc tôi cũng theo..."

Như gặp người để trút đi những tâm sự buồn tủi, nỗi khổ cực đè nặng trên lưng bao năm, cô Im khóc một hồi lâu. 
Cô nghẹn ngào: “Nhiều lúc nhận được ít tiền hỗ trợ nhà nghèo, tôi định bấm bụng mua cho mẹ cái áo mới mặc nhưng mẹ cứ bảo, có cái ăn để sống qua ngày thôi chứ có đi ra đường đâu mà mặc. Vậy nên đã hơn 30 năm qua, mẹ và em tôi đều mặc đồ của hàng xóm thương tình cho”.
Do hoàn cảnh như vậy, cô Im phải hi sinh hạnh phúc bản thân, không lấy chồng để ở nhà làm lụng nuôi gia đình. “Lúc còn trẻ cũng có người đến dạm hỏi nhưng hoàn cảnh gia đình vậy, sao tôi có thể yên tâm. Tôi không thể bỏ mẹ, bỏ em mà lấy chồng...”
“Sống được ở đời là may mắn nhưng có lẽ sau khi mẹ chết, chắc tôi cũng đi theo... Vì thương mẹ, thương em nên tôi mới gắng gượng sống đến giờ. Giờ sống thì tôi chăm lo cho mẹ, cho em được tốt. Chỉ ước mong có được bữa cơm ngon, có được con cá để ăn là mừng lắm rồi”. Đây chính là mơ ước nhỏ bé của cô Nguyễn Thị Im khi đến non nửa cuộc đời.
Mọi sự hỗ trợ xin gửi về địa chỉ:

1. Cô Nguyễn Thị Im, thôn Đại Phú, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, Quảng Nam.

2. Hoặc Tòa soạn Báo điện tử Kiến Thức

Địa chỉ: Số 465 Hoàng Hoa Thám, Quận Ba Đình, Hà Nội.

Số điện thoại: (04) 62.765.887; (04) 62.765.886. Hotline: 098.884. 4039.
Số tài khoản ngân hàng: 126.10.000.119.106 tại ngân hàng BIDV chi nhánh Ba Đình (Hà Nội). Chủ tài khoản: Báo điện tử Kiến Thức.

Xin vui lòng ghi cụ thể tên người được hỗ trợ hoặc tên bài báo có nhân vật được hỗ trợ. Kienthuc.net.vn cam kết chuyển tận tay. 

Trân trọng!  

TIN BÀI ĐỌC NHIỀU

Tin mới