Tôi thật sự thấm thía tình đời…

Tôi thở phào nhẹ nhõm. May quá, tôi chưa ly hôn. Thế nhưng khi một người đàn ông đã rũ áo ra đi thì có cơ hội quay về không? 

Tôi thật sự thấm thía tình đời…

“Không ăn thì nhịn, tôi không phải con hầu đâu nhé!”. Cái giọng the thé của Nhung khiến tôi rùng mình. Cổ họng tôi nghẹn đắng, đau rát. Tôi cố gắng húp được mấy muỗng cháo rồi trùm mền…

Cơn sốt khiến tôi run cầm cập. Có cái gì đó đang bò trong xương cốt khiến tôi thấy toàn thân rã rời. Tôi đang ngấm nhưng không phải ngấm bệnh mà là ngấm tình đời. Dường như tôi đang nhận lấy cái quả đắng mà mình đã gieo bằng cái nhân tàn nhẫn, lạnh lùng, ác độc với vợ con.

Tôi nhất quyết dọn về ở với Nhung, bất chấp sự can ngăn của bạn bè, gia đình; bất chấp người vợ tấm mẳn 16 năm qua đang bệnh thập tử nhất sinh vì sự phản bội của chồng. Tôi nói với Loan, vợ tôi: “Nếu em nói thương tôi thì xin hãy giải thoát cho tôi. Không còn tình cảm với nhau thì níu kéo có ích gì?”.

Vợ tôi lau nước mắt, giọng nghẹn ngào: “Em và tụi nhỏ làm gì nên tội mà anh nỡ đối xử như vậy? Em vẫn muốn con mình có cha, có mẹ đầy đủ. Nếu anh ghét em thì anh cứ đến với cô ta nhưng em xin anh đừng ly dị. Tài sản của hai vợ chồng mình, anh muốn lấy bao nhiêu cũng được…”.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.
Tôi biết Loan yêu tôi, thương tôi, sẵn sàng chấp nhận thiệt thòi nhưng làm sao người yêu của tôi có thể chấp nhận chia sẻ người đàn ông của mình? Tôi biết tính Nhung. Nàng rất quyết liệt. Nếu tôi không dứt khoát thì Nhung sẽ bỏ tôi mà tôi thì chỉ cần nghĩ đến cuộc sống này không có nàng, tôi đã thấy không muốn sống nữa.

Tôi không cố ý ngoại tình mà tình cảm tự nhiên nó đến. Nhung trẻ đẹp, giỏi chiều chuộng; lúc nào cũng thơm tho, ngọt ngào. Nàng hoàn toàn trái ngược với người vợ lam lủ của tôi. Chúng tôi gặp nhau, hút nhau như hai thỏi nam châm và không thể rời nhau được nữa. Ban đầu tôi còn sợ sệt, giấu giếm, nhưng sau đó, khi đã quyết định chọn lựa người yêu bé nhỏ, tôi đã nói thẳng với vợ.

Tất nhiên là vợ tôi không thể nào chấp nhận. Thoạt đầu nàng làm dữ nhưng sau đó xuống nước van xin, năn nỉ. Nàng còn kéo hai con tôi vào cuộc, xúi chúng cũng khóc lóc thỉnh cầu. Nhưng lòng tôi đã quyết. Tôi bắt Loan phải ký đơn ly hôn. Nàng không chấp nhận, tôi năn nỉ. Năn nỉ không được, tôi chửi mắng. Chửi mắng không có kết quả, tôi dùng vũ lực. Thú thật là tôi rất ít khi đánh đập vợ con nhưng hôm đó, không kềm được trước sự lì lợm của nàng, tôi đã tức giận ra tay. Cuối cùng, tôi một tay nắm tóc Loan, một tay giữ chặt tay nàng bắt phải ký vào đơn.

Sau hôm đó Loan ngã bệnh. Tôi gọi cho mẹ vợ báo tin trước khi dọn sang nhà trọ với người tình. Tôi cũng đã kịp lấy hết tiền bạc, nữ trang vợ tôi cất giấu trong két sắt. Cảm giác được giải phóng khiến lòng tôi lâng lâng. Tôi đặc biệt vui thích khi thấy Nhung hớn hở đếm đi đếm lại xấp USD và những món nữ trang mà vợ tôi đã tằn tiện, chắt chiu, không đám ăn, không dám mặc để sắm sửa. Đếm xong đến lần thứ n, nàng nhào vào lòng tôi nũng nịu: “Yêu anh quá đi…”. Tất nhiên là sau câu nói đó là tất cả những gì nàng có thể làm được khiến tôi đê mê, sung sướng…

Nhưng đó là chuyện của một năm trước. Tôi không hiểu số tài sản tôi mang đến được tiêu xài thế nào mà chỉ mấy tháng sau, Nhung đã thông báo: “Anh coi về bên kia còn gì thì lấy nốt chứ mình sắp hết tiền rồi đó cưng”. Tôi giật mình: “Em xài gì mà nhanh vậy?”. Nhung kể nào là tiền điện, tiền nhà, tiền nước, tiền ăn nhà hàng, tiền đi nghỉ mát, tiền sắm sửa áo quần… Kể xong nàng làm mặt giận: “Bộ nghi em xài bậy bạ hay sao mà hạch sách ghê vậy? Em có xài là xài cho hai đứa mình chớ có xài cho riêng em đâu mà làm dữ vậy?”.

Tôi không dám nghi nhưng thật sự tôi không hiểu sao Nhung xài tiền… nhanh như vậy. Trong khi trước kia, cũng với tiền lương ấy, vợ tôi chi xài còn dư dả để gởi tiết kiệm, mua vàng, mua USD để dành. Từ ngày dọn ra ở riêng, mỗi tháng tôi gởi cho Loan 4 triệu để nuôi hai đứa nhỏ, số còn lại hơn 10 triệu, tôi đưa hết cho Nhung. Cộng với phần tôi mang theo trước kia, tôi cứ nghĩ mình sống thoải mái ít nhất cũng trong vòng 5- 10 năm nữa. Vậy mà mới 6 tháng, Nhung đã xài hết là sao?

Nhưng bi kịch chưa phải ở đó. Tôi đột ngột bị mất việc. Công ty điều động tôi ra làm trưởng văn phòng ở miền Trung nhưng nghĩ đến việc phải xa Nhung, tôi không đành lòng nên chấp nhận nghỉ việc. Tôi cứ nghĩ với kinh nghiệm của mình, không làm chỗ này thì làm chỗ khác, không ngờ, đã mấy tháng nay, tôi xin việc chỗ nào cũng bị từ chối. Đến nỗi tôi nghi ngờ Loan mượn tay người khác hại mình, thế nhưng suy đi nghĩ lại, tôi thấy với bản tính của Loan như thế, chắc chắn nàng không hại tôi.

Thất nghiệp ở nhà, tôi mới thấy hết mặt trái của cuộc tình già nhân ngãi, non vợ chồng của mình. Nhung không còn chiều chuộng tôi như trước. Nàng đi sớm về khuya, cơm nước tôi phải tự lo. Có khi tôi nấu cơm, chờ đến nguội lạnh mà Nhung vẫn chưa về. Tôi có hỏi thì Nhung mặt nặng, mày nhẹ nói rằng phải đi kiếm tiền để nuôi cái thứ dài lưng tốn vải, ăn hại, vô tích sự là tôi.

Cho đến khi tôi ngã bệnh. Tôi bảo Nhung đưa tiền cho tôi đi khám bệnh, nàng chống nạnh xỉa xói: “Tiền ở đâu ra? Anh tưởng tôi là cái kho bạc hử? Ráng chịu đi, vài bữa sẽ khỏi”. Tôi bệnh nhưng Nhung cũng không ở nhà. Hôm nào vui, nàng nấu cho tôi nồi cháo trắng ăn từ sáng đến tối; hôm nào vội thì nàng bảo tôi tự lo…

Trong những ngày nằm bệnh, tôi thật sự thấm thía tình đời. Tôi nghĩ thật may mắn là mình chưa gởi đơn ra tòa. Nghĩa là mình vẫn có một gia đình, vẫn có vợ con. Đặc biệt, tôi vẫn còn một nửa ngôi nhà mà mẹ con Loan đang ở. Tôi như người ngủ mơ chợt tỉnh. Có lẽ là Nhung muốn điều đó. Chính vì vậy nàng cứ cằn nhằn, dằn vặt sao tôi không ly hôn để chia đôi căn nhà…

Tôi thở phào nhẹ nhõm. May quá, tôi chưa ly hôn. Tôi vẫn còn một nửa ngôi nhà. Nhưng bây giờ, tôi nhớ đến điều đó không phải để nộp đơn ra tòa đòi chia đôi gia đình, chia đôi căn nhà. Tôi muốn trở về.

Thế nhưng khi một người đàn ông đã rũ áo ra đi thì có cơ hội nào để quay về hay không? Gần một năm qua, tôi không liên lạc với Loan nhưng tôi vẫn gặp hai đứa nhỏ để hỏi thăm mẹ nó. Vợ tôi không bao giờ nhắc ba với các con. Điều đó khiến tôi sợ. Đã mấy lần tôi bấm điện thoại nhưng sau đó vội vàng tắt ngay. Tôi rất muốn gặp Loan nhưng cũng rất sợ. Tôi không biết nàng có tha thứ cho tôi không? Ngày trước nàng sẵn sàng làm điều đó; còn bây giờ, sau một năm xa cách, tôi không biết vợ tôi nghĩ gì, muốn gì…

Bị chồng giam lỏng vì ngoại tình

Bị chồng giam lỏng vì ngoại tình
Tôi kết hôn được 7 năm, có hai con, một trai một gái, kinh tế ổn định, chồng đẹp trai, có công việc đàng hoàng. Lẽ ra, tôi sẽ phải cảm thấy hạnh phúc, nhưng tôi chỉ thấy cô đơn. Chồng tôi sau cưới thể hiện là một người đàn ông rất gia trưởng, đối xử với vợ con theo kiểu “ban phát”, như thể tôi lấy được anh ấy là một may mắn lắm, cho nên tôi luôn phải biết ơn và cư xử tốt với anh ấy, không có quyền đòi hỏi chồng phải thế này thế nọ.

Thế rồi, tôi đã ngã vào vòng tay của một đồng nghiệp. Sự việc bị bại lộ, chồng tôi tịch thu điện thoại, giám sát mọi hoạt động, cuộc sống của tôi chẳng khác nào bị giam lỏng. Thực lòng, giờ tôi cũng chẳng có tâm trạng nào mà ngoại tình nữa. Nhưng chồng tôi bảo không tin tôi nữa và ngày càng kiểm soát tôi gắt gao. Tôi thấy mệt mỏi quá, không biết phải làm gì để cứu vãn cuộc hôn nhân này nữa, vì mỗi ngày lại thấy chán chồng hơn - 
Nguyễn Hương Ly (Yên Bái).

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Hương Ly thân, đọc thư của bạn, Tri Giao thấy, bạn đang rơi vào một cái vòng luẩn quẩn: vì chán chồng mà ngoại tình, ngoại tình bị chồng bắt gặp, trừng phạt lại càng chán chồng hơn. Cho nên, muốn cứu vãn cuộc hôn nhân này, thì trước hết, bạn phải thay đổi được cảm xúc của mình với chồng.

Trong thư, bạn than phiền về những hạn chế của anh, điều khiến bạn cô đơn, ngã vào vòng tay người khác. Nhưng liệu bạn có thấy mình công bằng, khi bỏ qua những ưu điểm của chồng? Còn nữa, khi chồng đối xử như thế, bạn đã bao giờ góp ý với anh để cải thiện tình hình, hay chỉ âm thầm chán nản rồi đi tìm điểm tựa khác cho mình?

Việc bạn ngoại tình là một cú sốc với anh ấy, cho nên, dù anh ấy phản ứng có phần tiêu cực với bạn, bạn cũng nên thông cảm và cho anh ấy thời gian. Khi mọi chuyện lắng lại, bạn hãy giãi bày mọi tâm sự, uẩn ức với chồng. Nếu thực lòng yêu bạn, anh ấy sẽ lắng nghe và biết phải làm gì. Hy vọng, mọi chuyện sẽ tốt đẹp với bạn. BÀI ĐỌC NHIỀU

Sòng phẳng với mẹ chồng

Chồng hiểu, vợ chẳng phải chê quà của mẹ nhưng tính vợ không thích nợ nần. Mỗi lần mẹ gửi đồ thì vợ cũng đáp lại ngay, nhưng vợ à...

Sòng phẳng với mẹ chồng

Vợ chồng mình sống cách nhà nội chưa đến mười lăm cây số nhưng hiếm khi vợ chịu về chơi. Tuần nào, vợ cũng lấy cớ bận, nào họp hành, làm điểm, soạn bài…để chồng lủi thủi một mình về thăm nhà. Chồng biết, vợ chẳng bận đến mức ấy nhưng vợ không thoải mái khi về quê, vừa gò bó vừa mất ngày cuối tuần để xả hơi, thư giãn. Biết tính vợ thế nên chồng chẳng ép, nhưng nhìn cách vợ đối xử với những món quà từ quê, chồng thấy buồn trong lòng…

Lần nào cũng vậy, mẹ thấy chồng về một mình đều hỏi sao vợ không về. Câu trả lời của chồng lúc nào cũng giống nhau nên lâu dần mẹ chẳng hỏi nữa. Chỉ thấy mẹ lẳng lặng gói ghém một thứ một ít gửi lên cho vợ. Khi thì chục trứng gà ta, nải chuối nhà, con bồ câu non, lúc thì ít đậu phộng rang, chục cân gạo, trái bí, mớ rau trong vườn… Lần đầu, chồng hào hứng xách về, nhưng rồi ánh mắt ơ hờ, cái thở dài đánh sượt của vợ làm chồng mất hứng. Nhưng không thể từ chối món quà của mẹ, lúc nào cũng được gói cẩn thận treo sẵn ở giỏ xe nên chồng lẳng lặng mang về.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Đến lần thứ tư, vợ bắt đầu lên tiếng phản đối: “Lần sau anh đừng có lấy của mẹ nữa, có ai ăn đâu mà”. Chồng cự: “Mẹ cho, không lấy sao được. Vả lại, mẹ bảo, em đang có bầu, ăn rau nhà trồng và trứng gà ta tốt hơn mua ngoài chợ”. Vợ lên giọng: “Chỉ giỏi vẽ chuyện, “của biếu là của lo, của cho là của nợ”, tính em không thích lấy không của ai cái gì”. Chồng tiếp tục thanh minh: “Ơ kìa, có ai bắt em phải trả đâu, mẹ thương mẹ mới cho mà”. Vợ dấm dẳng: “Thôi, không nói nhiều nữa, lần sau anh đừng có đem về nữa. Giờ cần gì ra siêu thị là có ngay, đừng có đùm đề lắm thứ, phức tạp”. Có lần, vợ về quê chơi, khen gạo ở quê nấu cơm ngon. Vậy là, thu hoạch xong, mẹ sai chú út chở lên cho vợ chồng mình một tạ. Vợ nằng nặc gửi tiền trả mẹ, còn nói mát mẻ với chồng: “Mẹ định buôn gạo chắc” …

Chồng hiểu, vợ chẳng phải chê quà của mẹ nhưng tính vợ không thích nợ nần. Mỗi lần mẹ gửi đồ lên thì hôm sau, vợ cũng phải gửi đáp lại ngay. Nhưng vợ à, mẹ gửi quà cho vợ vì thương con và cách sống ở quê vốn như vậy chứ không phải muốn được trả lại đâu. Vợ có biết, giữa trưa nắng, mẹ đi khắp xóm, tìm mua cho đủ chục trứng gà để gửi lên. Nải chuối nào ngon, mẹ đều để dành cho vợ. Mẹ bảo: “Rau quả ngoài chợ bây giờ toàn phun thuốc, ăn hại người lắm. Chịu khó mang lên cho vợ con, đang bầu bì phải cẩn thận”. Chồng biết mẹ không phải người đưa đãi, có gì nói vậy nên vợ đừng suy nghĩ nhiều. Trong thâm tâm mẹ, nhà chồng không giàu có gì, không giúp đỡ được vợ chồng mình nhiều nên có gì mẹ cho nấy…

Chồng biết, sòng phẳng là tốt, rất cần thiết trong các mối quan hệ xã hội nhưng trong gia đình, nhiều lúc rạch ròi quá lại làm mất tình cảm vợ à. Có những thứ mình cho đi mà không nghĩ đến chuyện nhận lại, có những thứ mình nhận nhưng không thể nào cho đi…

Chuyến tàu tình yêu

Cuộc sống hiện tại của vợ chồng mình còn nhiều khó khăn nhưng đong đầy hạnh phúc. Quả là, đời không như mơ nhưng mình đã yêu nhau như thế…!

Chuyến tàu tình yêu

Áp bàn tay thô ráp đầy những vết chai lên bụng em, anh dịu dàng lắng nghe cử động đầu tiên của con. Nhìn ánh mắt anh đong đầy hạnh phúc, em rơm rớm nước mắt.

Mới đó mà đã sáu năm, khoảng thời gian không phải dài với một đời người nhưng với tình yêu của vợ chồng mình thì không phải là ngắn. Chừng ấy năm, em cảm nhận được bao yêu thương từ anh. Chúng mình đã cùng nhau trải qua nhiều biến cố cách trở để rồi được bên nhau mãi mãi. Nhớ lại những giây phút đầu tiên, em thầm cảm ơn ông trời đã cho em gặp anh để biết thế nào là một tình yêu thật sự…

Mình gặp nhau trên chuyến tàu Bắc – Nam định mệnh, khi em trở lại thành phố cho kịp kỳ thực tập đầu tiên, còn anh sắp sửa xa quê hương đến một miền đất mới. Nhìn ánh mắt anh buồn xa xăm, em lấy hết dũng khí để bắt chuyện. Nhận ra đồng hương, câu chuyện rôm rả của mình cứ thế kéo dài suốt cuộc hành trình. Anh bảo, chẳng ai muốn đi xa cả nhưng vì mưu sinh nên đành chấp nhận. Gia đình anh đông con, anh không được học hành đến nơi đến chốn, đi xuất khẩu lao động như một lối thoát cho anh lúc này. Anh còn động viên em gắng học, có được tấm bằng tốt nghiệp mới thấy được tương lai. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. 
Câu chuyện của cuộc sống sinh viên không đầu không cuối của em khiến anh cười nhiều hơn, anh lại ước, giá như một lần được ngồi ở giảng đường đại học. Mình chia tay nhau ở ga cuối, em tưởng thế là thôi, mình mãi chỉ là bạn đường. Nào ngờ, hai ngày sau, anh đợi em trước cổng ký túc xá, trên tay cầm mấy đĩa nhạc. Anh bảo, anh muốn tạm biệt em trước khi đi và tặng em chút quà kỷ niệm. Và rồi, mình xa nhau, em không có thông tin gì về anh ngoài số điện thoại của một người bạn của anh…

Hai tuần trôi qua, anh gọi điện về báo cho em số điện thoại và địa chỉ nơi anh đến. Những cuộc điện thoại đường dài, những lá thư tay cùng những lần chat qua yahoo khiến mình gần nhau hơn. Dù vậy, anh chưa một lần nói lời yêu mà chỉ bâng quơ rằng: “Cho anh một cơ hội khi anh quay về”. Sau này em mới biết, sự chênh lệch học hành giữa hai đứa mình khiến anh ngại. Anh muốn tích lũy một số vốn để về nước lập nghiệp, có sự nghiệp rồi anh mới dám nghĩ đến chuyện ngỏ lời.

Nhưng dự định không thực hiện được, anh phải trở về nước trước thời hạn hai năm vì công ty phá sản, số tiền kiếm được chỉ đủ trang trải chi phí trước khi đi. Mình tưởng chừng đã xa nhau khi anh dùng dằng không dứt khoát còn gia đình em phản đối quyết liệt. Anh về hơn một năm mà vẫn thất nghiệp, em tốt nghiệp ra trường cũng không tìm được việc làm. Tương lai của hai đứa mù mịt không lối đi nhưng khoảng thời gian ấy làm em hiểu và thương anh hơn. Dù anh không có bằng cấp nhưng anh đủ từng trải và kinh nghiệm sống để che chở cho em. Nhìn em chán nản ưu phiền, anh cười tếu táo bảo: “Em lo gì, cùng lắm, anh đi phụ hồ cũng đủ nuôi hai đứa mà”. 

Anh bươn chải rất nhiều nghề, từ chở hàng thuê đến đốt than, làm bánh. Sau hai năm, anh dành dụm được một số vốn, học thêm nghề sửa điện thoại và mở cửa hàng riêng. Trong khi em vẫn ở nhà chờ việc, tấm bằng tốt nghiệp cất sâu dưới đáy tủ. Bố mẹ em thấy được ý chí nghị lực của anh nên chuyển từ phản đối sang ủng hộ. Một đám cưới nhỏ được tổ chức sau khi anh xin cho em vào làm kế toán ở một xí nghiệp nhỏ…

Cuộc sống hiện tại của vợ chồng mình còn nhiều khó khăn nhưng đong đầy hạnh phúc. Cả anh và em đang chờ đợi từng ngày để đón con yêu chào đời. Quả là, đời không như mơ nhưng mình đã yêu nhau như thế…!

Tin mới