Tổng Bí thư gặp đại diện nhà giáo, cán bộ GD nhân ngày 20/11

Sáng 18/11, Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại buổi gặp mặt các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Sáng 18/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức gặp mặt các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và trao Huân chương Lao động hạng Ba, tặng Trường đại học Kinh tế.
Hoàn thành mục tiêu tạo nguồn nhân lực trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Tổng Bí thư Tô Lâm nhiệt liệt chúc mừng, biểu dương những thành tựu đã đạt được trong đổi mới giáo dục, đào tạo thời gian qua của toàn ngành giáo dục, đội ngũ các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Đồng thời gửi lời cảm ơn chân thành, sâu sắc và những lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các thế hệ thầy cô giáo trên cả nước nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Tong Bi thu gap dai dien nha giao, can bo GD nhan ngay 20/11
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Ảnh thoibaotaichinhvietnam.vn

Thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, thúc đẩy đổi mới giáo dục trở thành xu thế toàn cầu và Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế đó. Để hoàn thành các mục tiêu chiến lược 100 năm thành lập Đảng, 100 năm thành lập nước, đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên vươn mình, kỷ nguyên giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu, nhân lực chất lượng cao tiếp tục được Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII xác định là đột phá chiến lược; đổi mới giáo dục đào tạo là nhiệm vụ, giải pháp chiến lược của Đại hội XIV.

Tổng Bí thư gợi mở, mục tiêu cao nhất hiện nay phải tập trung thực hiện là “hoàn thành sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo, hoàn thành mục tiêu tạo nguồn nhân lực cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc trong nhiệm kỳ Đại hội XIV của Đảng.”

Về cơ sở đề ra mục tiêu, Tổng Bí thư chỉ rõ, hoàn thành sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo từ nay đến hết nhiệm kỳ Đại hội XIV của Đảng là một nhiệm vụ đầy khó khăn, thử thách, song từ những bài học còn nguyên giá trị từ phong trào bình dân học vụ đã củng cố niềm tin vững chắc chúng ta sẽ thành công khi có mục tiêu trong sáng, chính sách thông minh và cách làm sáng tạo. Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm nghiên cứu thấu đáo phong trào bình dân học vụ, trên cơ sở những bài học và thực tiễn hiện nay, đề xuất Bộ Chính trị vấn đề này. Ưu tiên hàng đầu trong thực hiện mục tiêu đó là tập trung xây dựng con người xã hội chủ nghĩa. Trong đó cần chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân.

Tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa, truyền thống và đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, giá trị cốt lõi và nhân văn của chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh, đường lối của Đảng. Đồng thời quan tâm dạy tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số; dạy tiếng Việt và truyền bá văn hóa dân tộc cho người Việt Nam ở nước ngoài.

Tong Bi thu gap dai dien nha giao, can bo GD nhan ngay 20/11-Hinh-2
Tổng Bí thư Tô Lâm và đại biểu cùng đại diện các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, các nhà khoa học tham dự buổi gặp mặt 

Về biện pháp, cách thức thực hiện mục tiêu, Tổng Bí thư đề nghị, bám sát quan điểm, mục tiêu phát triển đất nước để xác định nhu cầu, nội dung đào tạo, trên cơ sở đặt hàng của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng lao động với nhà trường. Đồng thời kết hợp chặt chẽ giữa giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong giáo dục đại học, sau đại học, trong đó các nhà giáo đồng thời là những nhà khoa học của chuyên ngành đang giảng dạy. Cùng với đó là đổi mới mạnh mẽ nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, tăng tri thức, kỹ năng, phẩm chất của người học, tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; chú trọng thực học, chống bệnh thành tích. Chuyển mạnh giáo dục đại học từ lấy trang bị kiến thức làm mục tiêu chủ yếu sang dạy kỹ năng, dạy cách học, cách tư duy là chủ yếu; phấn đấu tăng hạng giáo dục Việt Nam trên bản đồ giáo dục khu vực và quốc tế.

Phát động thực hiện phong trào “bình dân học vụ số"

Tổng Bí thư lưu ý một số công việc cần làm ngay, đó là có giải pháp xóa hoàn toàn nạn mù chữ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phát động thực hiện phong trào “bình dân học vụ số.” Thực tế hiện nay, còn tỷ lệ lớn người dân, kể cả cán bộ trong cơ quan nhà nước chưa nắm vững về chuyển đổi số; trong khi đó, Bộ Chính trị đã bàn và quyết định sẽ ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số quốc gia.

Để thực hiện thành công Nghị quyết này, Tổng Bí thư yêu cầu nhanh chóng phổ cập tri thức cơ bản về chuyển đổi số cho toàn dân đang đặt ra cấp thiết. Đồng thời các bên liên quan tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu trường, thiếu lớp ở một số thành phố lớn, khu công nghiệp, khu đông dân cư, miền núi; kiên cố hóa trường, lớp học, gắn với bảo đảm nơi ở của giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các cơ quan, địa phương cần bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục tối thiểu 20% trong tổng chi ngân sách nhà nước theo đúng Nghị quyết mà Đảng đã đề ra. Có cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo. Đồng thời phải dựa vào dân, huy động sức dân, tổ chức nhân dân cùng làm giáo dục với chi phí thấp nhất và hiệu quả tối đa.

Tổng Bí thư đề nghị, tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có đức, có tài, là những người có đam mê, nhiệt huyết, kỹ năng, kiến thức, năng lực truyền thụ, ham học hỏi, đổi mới sáng tạo, thật sự là những tấm gương để học sinh, sinh viên học tập, noi theo; đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu.

Tổng Bí thư đặc biệt lưu ý, chúng ta đang đứng trước cánh cửa lịch sử để thực hiện tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, chỉ có thể thực hiện thành công tâm khi chúng ta hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đổi mới giáo dục và đào tạo. Trách nhiệm vinh quang đòi hỏi những nỗ lực lớn lao, sự bứt phá mạnh mẽ, sự chung sức đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trước hết và trực tiếp nhất là đội ngũ các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục dưới sự lãnh đạo của Đảng. 

Tong Bi thu gap dai dien nha giao, can bo GD nhan ngay 20/11-Hinh-3
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn báo cáo vắn tắt về ngành GD-ĐT. Ảnh GDTĐ 
Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, sau gần 40 năm đổi mới và đặc biệt là 10 năm triển khai thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo định hướng từ Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, ngành Giáo dục và Đào tạo đã có những thay đổi mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục bậc tiểu học và trung học cơ sở.
Hiện nay, 241 trường đại học của Việt Nam có chuyên gia và tổ chức đào tạo hầu hết các ngành nghề có trong danh mục ngành nghề trên toàn thế giới, kể cả những nghề mới nhất. Số lượng chương trình đào tạo được kiểm định và công bố khoa học quốc tế tăng mạnh, một số cơ sở giáo dục đại học và nhóm ngành đào tạo được xếp hạng cao trong khu vực và thế giới.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư Tô Lâm đã trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) vì những đóng góp trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Hà Nội: Tôn vinh 196 nhà giáo tâm huyết, sáng tạo

Sở GD&ĐT vừa Hà Nội tổ chức trao giải thưởng Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo lần thứ 8 và Cuộc thi "Thầy cô trong mắt em" lần thứ V năm 2024.

Ngày 14/11, ngành GD&ĐT Thủ đô đã tổ chức Lễ trao giải thưởng "Nhà giáo tâm huyết, sáng tạo" lần thứ 8 và Cuộc thi "Thầy cô trong mắt em" lần thứ V năm 2024; tôn vinh 196 nhà giáo Hà Nội nhiệt tình, tâm huyết với nghề dạy học.
Giải thưởng "Nhà giáo tâm huyết, sáng tạo" năm nay nhằm tôn vinh những nhà giáo Hà Nội nhiệt tình, tâm huyết với nghề dạy học; có đóng góp xuất sắc trong phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học"; khích lệ các nhà giáo tự học tập, rèn luyện, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn giáo dục.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt các nhà giáo tiêu biểu

Chiều 15/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt 60 nhà giáo tiêu biểu đại diện cho hơn 1,6 triệu giáo viên trên toàn quốc nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Tại buổi gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu trên toàn quốc nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu đã trở thành sự kiện thường niên, mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, tốt đẹp đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Thu tuong Pham Minh Chinh gap mat cac nha giao tieu bieu
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đại diện các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu. Ảnh GD&TĐ

Năm nay là năm thứ 4, Thủ tướng tiếp tục duy trì dành thời gian cho sự kiện này. Đây thực sự là nguồn cổ vũ, quan tâm, động viên rất lớn của Thủ tướng Chính phủ đối với ngành Giáo dục nói chung và với lực lượng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nói riêng.

Đại diện cho các cô giáo, thầy giáo tiêu biểu cùng hơn 1,6 triệu nhà giáo của ngành Giáo dục, Bộ trưởng trân trọng bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc tới sự quan tâm của Thủ tướng với ngành Giáo dục nói chung, với các nhà giáo nói riêng.

Theo Bộ trưởng, Đảng, Nhà nước và Chính phủ luôn dành sự quan tâm đặc biệt và ưu tiên phát triển lực lượng đội ngũ nhà giáo, coi nhà giáo là yếu tố quan trọng, quyết định đến thành công của quá trình đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển và bảo vệ đất nước.

Thay mặt toàn thể đội ngũ nhà giáo, cán bộ, nhân viên ngành Giáo dục và lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTBXH, Bộ trưởng trân trọng cảm ơn lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã luôn dành sự quan tâm hết sức thiết thực đến đội ngũ nhà giáo, ngành Giáo dục. Trân trọng cảm ơn Thủ tướng đã quan tâm và tạo điều kiện để Bộ GD&ĐT tham mưu và đề xuất các chính sách, điều kiện thuận lợi phát triển nhà giáo và cán bộ cán bộ quản lý giáo dục.

Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam, Bộ trưởng cũng gửi lời chúc mừng tốt đẹp đến các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công chức, viên chức và nhân viên ngành Giáo dục cả nước, đặc biệt các nhà giáo tiêu biểu có mặt ngày hôm nay. Chúc các nhà giáo có một dịp 20/11 nhiều niềm vui và luôn hạnh phúc, thành công với công việc của mình.

Tin mới