Sáng 13/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu Quốc hội thuộc đơn vị bầu cử số 1 thành phố Hà Nội đã tiếp xúc cử tri các quận: Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng) nhằm chuẩn bị cho kỳ họp thứ V, Quốc hội khóa XV.
Tại buổi tiếp xúc, các cử tri bày tỏ tin tưởng vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khẳng định quyết tâm mạnh mẽ, “không ngừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc cử tri. |
Cử tri Nguyễn Thu Vân (phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng) cho biết, cử tri lo lắng một số vụ tham nhũng lớn vừa qua ở nhiều bộ, ngành, địa phương có tính hệ thống, liên kết, bắt tay nhau để cùng thực hiện hành vi tham nhũng trên phạm vi rất rộng. Như vụ truyền thông đưa tin về sai phạm ở các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới, hàng trăm người của nhiều trung tâm đăng kiểm trên cả nước đã bị khởi tố, cách thức nhận hối lộ đều giống nhau, thậm chí có cả giám đốc trung tâm đăng kiểm còn không biết chữ.
Bà Vân nói dư luận Nhân dân rất bức xúc vì hành vi sai phạm này đã diễn ra nhiều năm, sai phạm mang tính tổ chức nhiều cấp, đề nghị cần xử lý thật nghiêm.
Đồng thời, cử tri mong muốn Đảng, Quốc hội, Chính phủ đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực, hoàn thiện hệ thống quy định, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng nặng các chế tài xử lý bảo đảm tính nghiêm khắc và đủ sức răn đe; xây dựng và thực thi các cơ chế về kiểm soát quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Quan tâm cải cách tiền lương để cán bộ không dám tham nhũng, không thể tham nhũng, không cần và không muốn tham nhũng.
Cử tri Nguyễn Đức Thuận (phường Nam Đồng, quận Đống Đa) kiến nghị Đảng, Nhà nước, Quốc hội chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ, không để sơ hở dẫn đến thất thoát tài sản của Nhà nước, vi phạm pháp luật đối với các dự án lớn đang được triển khai trên cả nước.
Phát biểu tại cuộc tiếp xúc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, ý kiến của cử tri và nhân dân chính là chỗ dựa để Quốc hội xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề hệ trọng của quốc gia và thực hiện chức năng giám sát tối cao.
“9 cử tri phát biểu ý kiến tại hội nghị đã đề cập rất đúng và trúng các vấn đề thời sự của đất nước, nói nôm na là “gãi đúng chỗ ngứa”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói và khẳng định, Tổ đại biểu Quốc hội sẽ tiếp thu đầy đủ, tổng hợp báo cáo với Quốc hội, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền trả lời cử tri; đồng thời, phản ánh trong các phiên thảo luận tại Quốc hội.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với cử tri quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng |
Nói về công tác phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư nói hiện nay không chỉ tham nhũng mà cả tiêu cực.
Tổng Bí thư khẳng định, công tác phòng, chống tham nhũng không phải nội bộ đánh nhau, phe nọ đánh phe kia. "Cán bộ, nhất là khi có quyền, có chức dễ lợi dụng để chấm mút, đó là nói nhẹ, nói nặng là ăn cắp, ăn cướp của dân. Cấu kết với nhau nhằm tham nhũng, tiêu cực, hư hỏng, làm cho Đảng mất uy tín, làm cho Nhà nước mất uy tín. Cho nên, Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, hai vế đó là đều có lý sự cả", Tổng Bí thư nói.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đến nay, về cơ bản các vụ cũ tồn tại, được dư luận quan tâm đặc biệt đều đã được đưa ra xét xử xong.
“Còn một số cá nhân bỏ trốn, các cơ quan chức năng vẫn đang truy tìm; tới đây, nếu chưa bắt giữ được thì sẽ xét xử vắng mặt. Khi đó, những người bỏ trốn sẽ mất quyền công dân, mà không có quyền công dân thì không nước nào chứa chấp, nên nói nôm na là “có mà chạy đằng trời”, trốn cũng không được. Đấu tranh phải quyết liệt, Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, không chỉ chống sự câu kết, móc ngoặc với nhau để chia chác mà phải làm sao chống suy thoái về tư tưởng, chính trị và đó là cái gốc.
“Nếu anh có đạo đức, tư tưởng tốt thì tham ô, tham nhũng làm gì, phải biết khinh bỉ cái đó, biết cái đó là xấu, tránh xa ra. Tại sao phải quan hệ, móc ngoặc với nhau. Ông góp chân giò, bà thò chai rượu. Bây giờ đỡ nhiều rồi", Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư đề cập thời gian qua, đã cho rất nhiều cán bộ, kể cả cấp cao thôi chức và khuyến khích xin thôi. "Nếu đã vi phạm, thấy tay nhúng chàm rồi tốt nhất xin thôi. Thực tế ta đã xử lý rồi. Đó là nhân văn, nhân ái, nhân tình, mở đường cho mà tiến bộ, đâu phải cứ cốt xử nặng. Hiện nay việc này đã tạo sức răn đe, cảm hóa rất lớn, đi vào nề nếp ở các cấp, các ngành", Tổng Bí thư nêu.
Theo Tổng Bí thư, đến nay, đã được một năm Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh đi vào hoạt động, thực hiện “toàn dân, tất cả các cấp cùng chống tham nhũng, tiêu cực, chứ không phải ở dưới không làm gì, để Trung ương làm hay Trung ương xuống làm hộ”. Tới đây, Trung ương sẽ tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm và chỉ đạo trên tinh thần huy động toàn dân, toàn quốc tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tương tự như phong trào toàn dân, toàn quốc kháng chiến, kiến quốc.
"Anh nào địa phương không làm được thì xử lý, thay anh ấy đi. Đã không xứng đáng thì thôi từ chức đi. Đó là nhân đạo, nhân ái, nhân tình. Gần đây, rất nhiều trường hợp thế rồi và đang còn nữa, các đồng chí cứ chờ xem. Nếu địa phương không làm được, trên này Trung ương làm hộ", Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư đề nghị Ban Chỉ đạo Thành ủy Hà Nội về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng phải gương mẫu, đi đầu thực hiện đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; không để Thủ đô hào hoa, thanh lịch, văn hiến, anh hùng mà mang tiếng chỗ này, chỗ kia tham nhũng, tiêu cực.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ mong muốn các cử tri và nhân dân đã ủng hộ, tiếp tục quan tâm, ủng hộ hơn nữa, tạo thành sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân để thực hiện thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội đã đề ra.
>>> Mời độc giả xem thêm video 5 năm qua, hơn 2.500 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng