Tổng thống Putin thách thức “solo” giữa Oreshnik và tên lửa phương Tây
Ngày 19/12, trong cuộc họp báo tổng kết cuối năm 2024, Tổng thống Nga Putin đã thách thức màn “solo” giữa tên lửa Oreshnik và tên lửa phòng không phương Tây.
Tiến Minh (Theo Topwar, kremlin.ru, rbc.ru)
Xem toàn bộ ảnh
Theo hãng thông tấn TASS của Nga và tờ Russia Today (RT), trong cuộc họp báo tại thủ đô Moscow vào ngày 19/12, trả lời câu hỏi của phóng viên về tên lửa siêu thanh tầm trung Oreshnik, Tổng thống Nga Putin đã thách thức Mỹ và phương Tây, khi đáp trả quan điểm của các chuyên gia phương Tây cho rằng "tên lửa Oreshnik có thể bị đánh chặn".
Tổng thống Putin đề xuất một cuộc “đối đầu kỹ thuật” giữa “giáo và lá chắn”, giữa vũ khí tấn công của Nga với vũ khí phòng thủ của Mỹ và phương Tây, trong đó Nga phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Oreshnik, còn Mỹ và phương Tây sử dụng hệ thống phòng không hiện đại để tự vệ, xem ai thua?
Tổng thống Putin cũng cho biết, "Hãy để họ xác định mục tiêu tấn công, chẳng hạn như Kiev, tập trung toàn bộ lực lượng phòng không và chống tên lửa ở đó, sau đó chúng tôi sẽ tấn công bằng Oreshnik và xem điều gì sẽ xảy ra? Chúng tôi sẵn sàng thực hiện một cuộc thử nghiệm như vậy". Và ông đặt câu hỏi: “Đối phương đã sẵn sàng chưa?”
Tổng thống Putin nói tiếp: "Chà, nếu những chuyên gia phương Tây tin vào tuyên bố này, thì họ nên đề xuất một thử nghiệm công nghệ cho các nhà thầu Mỹ và phương Tây". Tổng thống Putin nói thêm rằng, Nga có thể tham gia vào một "cuộc đối đầu công nghệ cao của thế kỷ 21" với Mỹ và các nước phương Tây.
Tổng thống Putin chỉ ra rằng, tên lửa Oreshnik là một loại vũ khí hoàn toàn mới và là kết quả của các chuyên gia Nga dựa trên nghiên cứu mới nhất. Ông cho rằng, với đặc tính kỹ thuật của tên lửa Oreshnik, các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện được Mỹ và phương Tây triển khai không thể đánh chặn được nó.
Tổng thống Putin cũng cho rằng, kết quả của cuộc “đấu tay đôi” sẽ khiến Nga và Mỹ rất quan tâm, vì nhiều hệ thống phòng không do Mỹ chế tạo, như Patriot, đang là vũ khí phòng không chủ lực của Ukraine.
“Hiện Bộ Quốc phòng Nga đang có nhiều ý kiến khác nhau về việc phát triển tên lửa đạn đạo tầm trung Oreshnik, nhưng cuối cùng, quyết định tạo ra nó đã được đưa ra”, Tổng thống Putin cho biết điều này, khi trả lời phóng viên Pavel Zarubin tờ Tầm nhìn của Nga.
Tổng thống Putin cũng cho rằng, việc phát triển tên lửa Oreshnik là một sự kiện lịch sử trong ngành tên lửa và vũ trụ. Theo ông, có nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến việc phát triển một tên lửa mới và có những người trong Bộ Quốc phòng phản đối việc này.
Tuy nhiên, Tổng thống Putin đã hỗ trợ những người muốn phát triển tên lửa Oreshnik và cũng phân bổ các nguồn lực cần thiết cho việc này. Nhà lãnh đạo Nga cũng đồng ý với những người đề xuất thử tên lửa Oreshnik, trong “điều kiện chiến đấu”.
“Bộ Quốc phòng có quan điểm khác nhau về vấn đề này. Cuối cùng, tôi đã ủng hộ và đưa ra chỉ đạo trực tiếp, nhằm phân bổ các nguồn lực cần thiết để thực hiện việc này. Tôi cũng đồng ý với những ý kiến cho rằng, đã đến lúc thử nghiệm nó trong điều kiện chiến đấu”, Tổng thống Putin cho biết.
Như đã đưa tin trước đó, vào ngày 21/11, Nga đã thử nghiệm tên lửa Oreshnik bằng cuộc tấn công vào nhà máy quốc phòng Yuzhmash ở tỉnh Dnepropetrovsk của Ukraine. Hiện nay, Oreshnik là tên lửa đạn đạo tầm trung duy nhất của Nga được công khai; tầm bắn của tên lửa là 5,5 nghìn km.
Vào đầu tháng 11, có thông tin tiết lộ rằng, Tổng thống Mỹ Biden đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) do Mỹ sản xuất để tấn công lãnh thổ Nga. Vào ngày 19/11, Nga đã cập nhật học thuyết hạt nhân của mình và Ukraine lần đầu tiên sử dụng ATACMS để tấn công các mục tiêu ở trong lãnh thổ Nga.
Vào ngày 21/11, Nga lần đầu tiên sử dụng loại tên lửa tối tân mới Oreshnik nhằm vào Ukraine, như một lời “cảnh báo” đáp trả hành động từ Mỹ và Anh, cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa tấn công các mục tiêu ở trong lãnh thổ Nga.
Ngày 28/11, Tổng thống Putin đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) tại Astana, Kazakhstan. Trong cuộc gặp, khi nói về tên lửa Oreshnik, được Nga phóng lần đầu tiên vào Ukraine hôm 21/11, ông Putin cho rằng, đây là vũ khí tấn công, "có thể so sánh với một vụ va chạm thiên thạch" và có thể tiêu diệt các vật thể, nằm ở độ sâu từ 3 đến 4 tầng ngầm, thậm chí còn sâu hơn.
Tổng thống Putin cũng cho biết tại cuộc họp rằng, việc Quân đội Nga sử dụng tên lửa siêu thanh để tấn công các mục tiêu nhỏ của Quân đội Ukraine, doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng, hay trung tâm ra quyết định của Kiev, có thể trở nên thường xuyên hơn.
Vào ngày 20/12, Mỹ công bố ảnh vệ tinh có độ phân giải cao hơn cho thấy thiệt hại do vụ tấn công bằng tên lửa Oreshnik vào nhà máy Yuzhmash ở tỉnh Dnepropetrovsk. Nhìn từ hình ảnh, tổn thất chung của nhà máy Yuzhmash không lớn. Xét cho cùng, nhà máy Yuzhmash có diện tích quá lớn, nên khó có thể bị phá hủy bởi một vài tên lửa Oreshnik.
Do vậy, để phá hủy cơ sở công nghiệp như nhà máy Yuzhmash, ít nhất phải sử dụng một vài đầu đạn hạt nhân chiến thuật, tương đương với đầu đạn hạt nhân B-61 của Mỹ.
Tuy nhiên việc sử dụng vũ khí hạt nhân có thể kích hoạt chiến tranh hạt nhân; còn việc Quân đội Nga sử dụng tên lửa đạn đạo tầm trung siêu thanh như Oreshnik sẽ không gây ra chiến tranh hạt nhân, nhưng vẫn đảm bảo tiêu diệt các mục tiêu nhỏ lẻ, được bảo vệ kiên cố. (Nguồn ảnh: CNN, Ukrinform, TASS).