Top động vật khiến rắn hổ mang sợ “chết khiếp” khi đối đầu
Dù sở hữu nọc độc đáng sợ nhất thế giới, nhưng rắn hổ mang cũng có những động vật xứng danh "kỳ phùng địch thủ" khiến chúng phải dè chừng khi gặp phải.
Thùy Dung (T.H)
Xem toàn bộ ảnh
Diều ăn rắn ( Sagittarius serpentarius ) là một loài chim săn mồi to lớn, chúng sinh sống chủ yếu trên mặt đất, được tìm thấy nhiều ở Châu Phi, ở những đồng cỏ xavan thưa cây cối trong khu vực hạ Sahara.
Loài động vật này có thể được nhận ra ngay lập tức vì cơ thể trông giống như đại bàng hoặc chim ưng, nhưng khác là nó có một đôi chân cao lêu khêu như loài sếu, làm cho chiều cao của nó tăng lên đến 1,3m, chiều dài cơ thể loài chim này là 112-150cm, với cái đầu giống như chim ưng cùng với cái mỏ cong.
Sở dĩ được gọi "Chim diều ăn rắn" bởi khả năng tuyệt vời của chúng trong việc chế ngự và xơi tái bất cứ con rắn nào bất kể con rắn đó có nọc độc mạnh. Chim diều ăn rắn thường dùng cách giẫm đạp thật mạnh để giết con mồi.
Lửng mật (tên khoa học Mellivora capensis) là một loài động vật có vú thuộc họ chồn. Lửng mật là loài không biết sợ, chúng tấn công bất cứ sinh vật nào, kể cả sư tử hoặc trâu vì lửng mật có một lớp da rất cứng và dày, những vật có đầu nhọn cũng không thể đâm xuyên qua được.
Chúng còn ăn được cả rắn nhờ hệ miễn dịch có thể trung hòa chất độc. Thậm chí, nếu bị rắn hổ mang cắn, lửng mật sẽ hồi sinh lại sau 40 phút và tiếp tục chiến đấu bình thường.
Thêm vào đó, chúng có hàm răng sắc nhọn, móng vuốt và bộ hàm rắn chắc, có thể cắn nát xương và vỏ cứng. Có thể nói lửng mật đã là một chiến binh ngay từ khi được sinh ra.
Kỳ đà chính là một trong những "khắc tinh" của rắn hổ mang bởi nó có thể ăn thịt mọi loại rắn, kể cả rắn độc, bao gồm hổ mang. Nhiều người cho rằng kỳ đà miễn dịch với nọc độc rắn.
Tuy nhiên, rất có thể, lớp da của kỳ đà cứng và dày khiến răng nanh của rắn hổ mang không thể xuyên qua để bơm nọc độc vào cơ thể. Trong lúc ăn, kỳ đà còn nhắm mắt để rắn hổ mang không thể tấn công vào đó.
Cầy Mangut là kẻ thù của rắn hổ mang. Chúng thích nhất ăn rắn độc, chất độc của rắn càng lớn, Mangut càng thích ăn. Trong số các loài rắn độc, hổ mang chính là món ăn khoái khẩu nhất của loài cầy này.
Loài cầy Mangut nhỏ nhất có chiều dài 25 cm, nặng 0,2 kg; loài lớn nhất dài hơn 70 cm, nặng 3,6 kg. Vài giống cầy Mangut có lông màu xám hoặc nâu, còn một số có bộ lông vằn và đuôi vòng. Ngoài món khoái khẩu rắn độc, loài này còn ăn động vật thuộc bộ gặm nhấm, chim, ếch, côn trùng và trứng.
Có nhiều thông tin cho rằng lợn cũng là một trong những khắc tinh của loài rắn, khi gặp hang rắn sẽ không bỏ qua mà đào bắt cho kỳ được. Thậm chí, rắn khi nhìn thấy lợn thì sợ mất vía, chỉ còn biết cuộn tròn lại.
Tuy nhiên, lợn không phải là “thợ săn rắn” mà nó chỉ tấn công rắn đơn giản là phản ứng theo bản năng. Khi nhìn thấy bất kỳ con rắn nào đến gần đàn con, lợn sẽ ngay lập tức dùng chân giẫm rắn đến chết, vì nó muốn bảo vệ đàn con.