TP HCM: Hơn 300 công trình xây dựng trái phép

(Vietnamdaily) - Theo Sở Xây dựng TP HCM, tình trạng xây dựng không phép xảy ra phổ biến tại TP Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn.

Sở Xây dựng TPHCM vừa có báo cáo công tác phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xây dựng cơ bản năm 2021.

Theo Sở, trong 10 tháng năm 2021, Thanh tra Sở Xây dựng đã kiểm tra 49.482 công trình với 51.215 lượt. Qua đó, phát hiện 319 công trình vi phạm, bình quân 1,1 vụ/ngày, giảm 7,4 vụ/ngày, tỉ lệ giảm là 87,1%, so với bình quân số vụ vi phạm cùng kỳ.

Trong đó, 141 công trình xây dựng sai phép và 178 công trình xây dựng không phép. Tình trạng xây dựng không phép xảy ra phổ biến tại TP Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn.

TP HCM: Hon 300 cong trinh xay dung trai phep
 Một khu ẩm thực xây trái phép ở xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh.

Theo Sở Xây dựng, nguyên nhân vi phạm do tốc độ đô thị hóa, gia tăng dân số cơ học cao dẫn đến nhu cầu nhà ở của người dân tăng mạnh. Trong khi đó, công tác lập, rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa theo kịp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Người dân có nhu cầu về nhà ở nhưng không có khả năng mua nhà hợp pháp nên phát sinh tình trạng mua, bán đất nông nghiệp, phân lô trái phép, xây dựng không phép trên đất nông nghiệp.

Việc triển khai quy hoạch đối với các dự án hạ tầng kỹ thuật, công cộng chậm dẫn đến người dân không được chuyển mục đích sử dụng đất, không được xây dựng... 

Sở Xây dựng kiến nghị bổ sung các giải pháp khẩn cấp tạm thời, tạm ngừng cung cấp các dịch vụ liên quan (điện, nước, viễn thông...) ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, ngăn chặn các trường hợp cố tình vi phạm, tiếp tục thi công xây dựng dẫn đến khó khăn trong công tác xử phạt vi phạm hành chính.

Bên cạnh đó, Kiến nghị Bộ Xây dựng sớm có hướng dẫn hoặc sửa đổi, bổ sung Nghị định 139 năm 2017 về thẩm quyền ban hành và thực hiện Quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình, bộ phận công trình vi phạm, tránh chồng chéo về thẩm quyền gây chậm trễ trong công tác xử lý vi phạm hành chính.

Huyện Bình Chánh có thể lên quận hoặc trở thành thị xã, thành phố

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức, lãnh đạo huyện Bình Chánh cần thống kê, đối chiếu những điều kiện liên quan đến việc có thể trở thành thị xã, thành phố (trực thuộc TPHCM) hoặc quận để đưa ra lộ trình khả thi, tránh hiểu nhầm sắp tới huyện sẽ lên quận.

Ngày 19/3, báo cáo với đoàn công tác do Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên dẫn đầu, ông Trần Hoàng Quân - Bí thư Huyện ủy huyện Bình Chánh cho biết tốc độ đô thị hóa trên địa bàn huyện ngày càng nhanh.

Cùng với hạ tầng kỹ thuật phát triển, đời sống người dân ngày càng cao, dân số cơ học tăng cao đã tạo nhiều áp lực trong công tác quản lý Nhà nước. Bộ máy chính quyền xã - thị trấn đang quá sức và không theo kịp sự phát triển. Áp lực công việc đối với đội ngũ cán bộ thực thi công vụ ngày càng nặng nề dẫn đến nhiều hạn chế, thiếu sót mà tình trạng quản lý trật tự đô thị không tốt, dẫn đến việc xây dựng trái phép ồ ạt như vừa qua là một ví dụ.

TP HCM: Huyện Bình Chánh cảnh báo dự án 'ma' Green City

(Vietnamdaily) - Chính quyền xã Tân Quý Tây (huyện Bình Chánh, TP HCM) khẳng định qua rà soát và kiểm tra thông tin phản ánh, trên địa bàn không có dự án phân lô bán nền tên Green City.

Thời gian vừa qua, tại TP HCM, không ít cá nhân đã tự vẽ ra dự án đất nền từ các khu đất nông nghiệp chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất hoặc đất trong khu quy hoạch. Sau đó, họ đặt ra các tên rồi ký đặt cọc với khách hàng, hứa hẹn sẽ hoàn thành thủ tục pháp lý, bàn giao đất nhưng không thực hiện.

Dù đó chỉ là dự án “ma”, song không ít người vẫn sẵn sàng xuống tiền đặt mua những nền đất mù mờ pháp lý, không rõ hình hài để rồi vất vả đòi quyền lợi. Thực trạng này tiếp tục tái diễn trong thời gian gần đây.