Mới đây, đường dây nóng của báo điện tử Kiến Thức tiếp nhận phản ánh từ số điện thoại thuê bao 034303XXXX bức xúc cho biết: Là khách hàng mua TPCN Scurma Fizzy của Công ty Elepharma (số nhà 35, ngõ 57, Nguyễn Khánh Toàn, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) để chữa chứng trào ngược dạ dày. Tuy nhiên khi mua về điều trị thì mới phát hiện Scurma Fizzy chỉ là thực phẩm chức năng, nhưng Công ty Elepharma lại quảng cáo là thuốc chữa bệnh.
"Tôi hoang mang và mất lòng tin vào sản phẩm. Mong quý báo điều tra làm rõ chuyện này để trả lại công bằng cho người tiêu dùng”, chủ nhân số thuê bao 034303XXXX đề nghị.
Chiến dịch quảng cáo sản phẩm Scurma Fizzy rầm rộ trên facebook. Ảnh chụp màn hình. |
Nhằm đa chiều thông tin thật khách quan, PV Kiến Thức đã tìm hiểu và phát hiện trên fanpage có tên “Chăm Sóc Hệ Tiêu Hóa - Scurma Fizzy” hoặc “Scurma Fizzy - Sủi nghệ trải nghiệm đột phá Nano curcumin” hay “Nhà thuốc Scurma sủi hướng đích vùng viêm loét dạ dày”, “Viên sủi Scurma Fizzy dành cho người đau dạ dày, trào ngược”…, đều có chiến dịch quảng cáo sản phẩm Scurma Fizzy rầm rộ.
Để dẫn dụ người tiêu dùng bị thuyết phục mua sảm phẩm Scurma Fizzy, các fanpage trên đã lồng ghép thô kệch hình ảnh thực phẩm chức năng Scurma Fizzy vào các video mà một số kênh truyền hình nói về hội thảo công bố đề tài nghiên cứu, hoặc tung chiêu đãi ngộ nếu khách nếu mua sản phẩm Scurma Fizzy sẽ được; “tư vấn bệnh tình miễn phí và liệu trình phù hợp; mua liệu trình toàn diện 9 hộp tặng 1 hộp miễn phí; miễn phí giao hàng khi mua liệu trình từ 3 hộp...”.
Đáng chú ý, những bài viết về Scurma Fizzy đăng tải lên các fanpage đều có nội dung tương tự nhau, nhưng theo tìm hiểu của PV, nội dung đăng đều không đúng sự thật và trái quy định liên quan đến quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Scurma Fizzy chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh, tuy nhiên các quảng cáo trên page đều khẳng định chắc nịch sẽ loại bỏ được bệnh đau dạ dày, viêm loét dạ dày?.
Website sử dụng nghệ sĩ tên tuổi trong làng giải trí Việt như Quyền Linh… để thổi phồng quảng cáo sản phẩm Scurma Fizzy. Ảnh chụp màn hình. |
Đáng buồn hơn, hàng loạt website http://www.scurmafizzy.net; http://suicurcumin1.scurmafizzy.com…, cũng quảng cáo Scurma Fizzy không đúng sự thật, thậm chí website này còn sử dụng nghệ sĩ tên tuổi trong làng giải trí Việt như Quyền Linh… để thổi phồng quảng cáo sản phẩm Scurma Fizzy.
Cụ thể, trên website http://www.scurmafizzy.net đăng dẫn video Quyền Linh giới thiệu sản phẩm Scurma Fizzy đến người dùng một cách tin tưởng. Nghệ sĩ này còn không quên khẳng định, Scurma Fizzy là một loại thuốc và sản phẩm này chỉ đứng thứ 2 sau Mỹ…
Mời độc giả xem video: Nghệ sĩ Quyền Linh khẳng định, thực phẩm chức năng Scurma Fizzy là một loại thuốc và sản phẩm này chỉ đứng thứ 2 sau Mỹ:
Hiện, qua khảo sát của PV, không chỉ chủ nhân số thuê bao trên bị "lừa" mua dùng Scurma Fizzy quảng cáo như thuốc chữa bệnh, mà nhiều người tiêu dùng cũng ở tình trạng "ngậm đắng" vì Elepharma và rất bất bình, mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ, không để công ty coi thường pháp luật, muốn làm gì thì làm.
Scurma Fizzy chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. |
Anh Nguyễn Vinh Quang (54 tuổi, ở Hà Nội) bày tỏ: “Ban đầu tôi cũng nghĩ Scurma Fizzy là thuốc vì họ quảng cáo là loại bỏ được bệnh đau dạ dày, viêm loét dạ dày, nhưng giờ qua thông tin báo chí tôi đã biết Scurma Fizzy chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Tôi nghĩ, cơ quan chức năng cần vào cuộc làm rõ, xử lý nghiêm những người đứng ra phân phối, tiếp thị cho sản phẩm Scurma Fizzy vì quảng cáo gian dối, như vậy chúng tôi mới yên tâm”.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Thắng (28 tuổi, Hà Nội) bức xúc nói: “Cách làm ăn của Elepharma quảng cáo Scurma Fizzy lừa dối người tiêu dùng như thế là thiếu nghiêm túc, coi thường pháp luật. Đưa sản phẩm đến người tiêu dùng như vậy khác gì lừa đảo người dùng để trục lợi, mọi người tốt nhất tẩy chay sản phẩm Scurma Fizzy và lựa chọn thực phẩm có uy tín, chất lượng, được cơ quan chức năng thẩm định rõ ràng mà dùng”.
Vấn đề nóng dư luận đang được đặt ra là: Nghệ sĩ nổi tiếng là người được nhiều người biết và yêu mến, do đó hình ảnh của họ dễ đánh vào tâm lý người tiêu dùng. Việc sử dụng người nổi tiếng như MC Quyền Linh để quảng cáo TPCN Scurma Fizzy là thuốc chữa bệnh, Công ty Elepharma đang vi phạm Luật quảng cáo, coi thường pháp luật? Tiếp đến, rầm rộ quảng cáo trên các web và fanpage sản phẩm Scurma Fizzy như thuốc chữa bệnh trào ngược dạ dày - nếu do chính Elepharma thực hiện - điều này có được xem là công ty có dấu hiệu lừa đảo người tiêu dùng Việt? Người tiêu dùng đã ngộ nhận bị nhãn hàng Scurma Fizzy lừa mua, có thể kiện đòi bồi thường hay không?