Xem toàn bộ ảnh
Theo thống kê của UBND quận 1, hiện có 26 dự án lớn nằm trên nhiều trục đường của trung tâm thành phố đang phải quây tôn. Đây là những khu đất vàng của đô thị lớn nhất nước.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Đức Thanh, Chủ tịch UBND quận 1, thông tin, tất cả những công trình nói trên đều phải ngưng thi công vì vấn đề pháp lý và nhiều nguyên nhân khác. Nếu gỡ vướng, ngoài chỉnh trang đô thị, những công trình này hoàn thiện sẽ tạo sức bật để quận và TPHCM phát triển mạnh mẽ về kinh tế.
Nhiều lô "đất vàng" chỉ để không giữa trung tâm TPHCM (Ảnh: Hải Long). |
Hoang phí đất tiền tỷ
Trong danh sách 26 dự án, công trình đang ngừng thi công, phải quây tôn tại trung tâm quận 1, có những khu "đất vàng" giá trị hàng tỷ đồng/m2 nằm trên các tuyến đường sầm uất như Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Hai Bà Trưng, Bến Nghé, Tôn Đức Thắng… Trong đó, 15 khu vực đang là đất trống, 9 dự án xây dựng dở dang cùng 1 công trình bị đình chỉ thi công, 1 công trình chỉ tồn tại căn nhà bỏ không.
Những khu đất giữa trung tâm quận 1 chỉ mang lại khoản thu ít ỏi từ việc trông giữ xe tại một số địa điểm. Nghịch lý này đã tồn tại nhiều năm qua, dẫn đến lãng phí nguồn lực, ảnh hưởng bộ mặt đô thị của thành phố lớn nhất nước.
Nhiều khu đất giữa trung tâm quận 1 chưa thể triển khai dự án, công trình do vướng các thủ tục pháp lý (Ảnh: Hải Long). |
Lãnh đạo UBND quận 1 nhìn nhận, việc tái khởi động các dự án, công trình bị đình trệ hoặc vướng thủ tục pháp lý sẽ góp phần thu hút nhiều nhà đầu tư lớn. Chính quyền quận luôn mong muốn UBND TPHCM sẽ gỡ vướng cho những mảnh đất đang quây tôn này nhằm tạo lực đẩy cho nền kinh tế.
"Hiện tại, thu ngân sách của quận 1 khoảng 20.000 tỷ đồng. Khi những dự án này được tháo gỡ vướng mắc, các văn phòng, khách sạn sẽ mọc lên, kéo theo thu hút nhân lực chất lượng cao, tạo việc làm cho lượng lớn người lao động thay vì chỉ thu tiền giữ xe như hiện tại. Lúc đó, lực đẩy phát triển cho nền kinh tế, đóng góp ngân sách sẽ còn tăng nhiều", ông Lê Đức Thanh chia sẻ.
Vị lãnh đạo quận 1 lấy ví dụ về công trình nằm tại khu nhà số 8-12 Lê Duẩn với 4 mặt tiền giữa thành phố, nằm đối diện trụ sở UBND quận 1 và sát vách với Trung tâm thương mại Diamond Plaza cùng nhiều công trình lớn khác. Với vị trí, tiềm năng thuận lợi, đảm bảo mọi điều kiện để thu hút du khách, nhưng khu đất vẫn bất động nhiều năm nay.
Nhiều lô đất quây tôn tại quận 1 vẫn để không, chỉ một số ít thu tiền trông giữ xe (Ảnh: Hải Long). |
Chủ tịch UBND quận 1 chia sẻ, các dự án, công trình thuộc khu "đất vàng" đang quây tôn hầu hết vướng thủ tục pháp lý và một số lý do khác. Trong đó, nhiều dự án vướng pháp lý thuộc thẩm quyền của TPHCM, nhưng cũng có dự án vướng ở cấp cao hơn.
Trong số những lô đất đắc địa bị bỏ trống tại TPHCM vướng thủ tục pháp lý, có thể kể đến khu đất vàng 4 mặt tiền tại 2-4-6 Hai Bà Trưng (phường Bến Nghé). Lô đất này liên quan những sai phạm của ông Vũ Huy Hoàng và bà Hồ Thị Kim Thoa.
Ngoài ra, khu nhà đất số 8-12 Lê Duẩn có tổng diện tích gần 5.000m2 liên quan vụ án cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài giao đất trái phép, gây thất thoát hơn 1.900 tỷ đồng...
Nhà đầu tư huề vốn cũng khó
Ngoài các lô đất đang bị quây tôn giữa trung tâm thành phố, quận 1 còn gặp khó trong việc thu hút nhà đầu tư tham gia những dự án chỉnh trang đô thị đã lên kế hoạch nhiều năm. Điển hình trong đó là khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh và khu vực chợ Gà - chợ Gạo.
"Đất tại quận 1 chỉ có trung tâm, hoặc trung tâm của trung tâm, không có đất khác. Do đó, bồi thường, giải phóng mặt bằng là vấn đề khó cho các nhà đầu tư muốn tham gia", Chủ tịch UBND quận 1 chia sẻ.
Ông Lê Đức Thanh kể lại, đã có rất nhiều nhà đầu tư lớn muốn tham gia các dự án trên địa bàn quận trung tâm TPHCM. Nhiều đơn vị nói sẵn sàng làm dù chỉ cần huề vốn về lợi ích kinh tế. Ngoài giúp chính quyền chỉnh trang diện mạo đô thị, họ còn có thể tăng độ nhận diện thương hiệu và những lợi ích khác trong quảng bá.
Dù chấp nhận huề vốn cũng làm, các nhà đầu tư cũng gặp khó khi muốn tham gia các dự án tại quận 1 (Ảnh: Hải Long). |
Tuy nhiên, khi tính toán các phương án tài chính, họ cũng thấy khó để huề vốn so với nguồn lực bỏ ra nên rút lui. Lợi ích của nhà đầu tư muốn tham gia và các quy định vẫn chưa tìm được điểm cân bằng.
Chủ tịch UBND quận 1 lấy ví dụ về khu vực chợ Gà - chợ Gạo (phường Cầu Ông Lãnh) cũng xem là khu "đất vàng", được thành phố mong muốn đầu tư chỉnh trang từ nhiều năm. Tuy nhiên, đây vẫn là bài toán đang chờ lời giải.
"Khu vực này có diện tích nhỏ, trong khi dân cư rất đông. Do đó, nhà đầu tư họ phải tính toán phương án tài chính, bồi thường, tái định cư. Mà bồi thường đất quận 1 giá thị trường cũng vài trăm triệu đồng/m2", ông Lê Đức Thanh nêu vướng mắc.
Phương án còn lại là xây nhà tái định cư cũng không dễ dàng. Bởi, khi xây công trình lên và tái định cư cho người dân, các căn hộ phải đảm bảo diện tích tối thiểu là 25m2/sàn. Trong khi hiện tại, người dân tại chợ Gà - chợ Gạo hầu hết sinh sống trong căn nhà chỉ có diện tích 10m2 đến 15m2.
Khu đất đắc địa 4 mặt tiền tại số 8-12 Lê Duẩn vẫn chưa thể xây công trình do vướng mắc pháp lý (Ảnh: Hải Long). |
"Với hệ số xây dựng, chỉ tiêu quy hoạch như hiện tại, khi tái định cư cho người dân xong thì họ thậm chí không còn diện tích dành cho phần thương mại - dịch vụ. Như vậy làm sao kêu gọi được", Chủ tịch UBND quận 1 bày tỏ.
Do đó, để kêu gọi các nhà đầu tư tham gia các khu vực chợ Gà - chợ Gạo, tứ giác vàng Nguyễn Cư Trinh, quận 1 mong muốn thành phố có thể hỗ trợ gỡ vướng các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, hệ số sử dụng đất. Khi đó, diện mạo đô thị sẽ được cải thiện, chỉnh trang, cải tạo nhà lụp sụp và có thêm không gian phát triển.
Tại buổi làm việc với UBND quận 1 vừa diễn ra, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, nêu rõ thông điệp về việc quận trung tâm thành phố cần hướng tới mục tiêu thu ngân sách 25.000-30.000 tỷ/năm thay vì 20.000 tỷ như hiện tại. Lãnh đạo quận 1 cho rằng, khi các lô đất đang quây tôn được gỡ vướng, những công trình, dự án, trung tâm thương mại mới mọc lên, mục tiêu trên không phải là điều quá khó khăn.