Những ngày qua, thời tiết ở Hà Nội và TPHCM luôn ở trong trạng thái đối lập. Hà Nội trải qua đợt mưa rét kéo dài, nền nhiệt độ trung bình 11-18 độ C, trong khi đó TPHCM chịu nắng nóng bất thường trên diện rộng, nhiệt độ 35-36 độ C, có nơi nhiệt độ cao nhất tới 37 độ C.
Thời tiết rét buốt hay nắng nóng đều khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn, đặc biệt là những người lao động ngoài trời.
Thu nhập giảm một nửa vì mưa rét kéo dài
8h, kết thúc phiên chợ sáng, bà Phạm Thị Hòa (53 tuổi) nhanh tay dọn dẹp các thùng xốp, vỏ bìa các-tông chất lên chiếc xe đạp cà tàng rồi chở về phòng trọ ven chợ Long Biên (ở Phúc Xá, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Bà Hòa quê ở Hưng Yên, lên Hà Nội làm nghề buôn cá đã hơn 20 năm nay. 2h mỗi ngày, bà ra chợ đầu mối nhập cá biển đông lạnh sau đó đưa về quầy phân loại, làm sạch, chia vào từng túi 2, 3 hay 5kg để cung cấp cho các quán cơm.
|
Bà Hòa làm việc vào ban đêm và sáng sớm nên lo ngại nhất là trời mưa rét (Ảnh: Toàn Vũ). |
Làm công việc phải tiếp xúc với đá bảo quản, các loại cá biển đã được cấp đông nên bà Hòa ám ảnh nhất là trời rét.
"Ban đêm, lại kèm theo mưa nên nhiều lúc đôi tay tôi tê cứng dù đã đeo 2-3 lớp găng tay. Để chống chọi với cái lạnh, chúng tôi phải mặc nhiều lớp áo ấm, bên ngoài khoác áo mưa. Lúc mới đầu, cầm con cá đóng đá lên cũng run lắm, nhưng cứ làm dần thì người cũng nóng lên", bà Hòa nói.
Làm cùng bà Hòa còn có người chồng gần 60 tuổi. Thời tiết mùa đông khắc nghiệt ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của ông bà. Tuy nhiên, rét mướt đến mấy, họ vẫn phải đi làm vào cái khung giờ mà nhiều người đang chăn ấm đệm êm.
Bà Hòa kể: "Mưa rét đến mấy, chúng tôi cũng không dám nghỉ vì hàng cơm ngày nào họ cũng nhập hàng. Mình mà nghỉ thì mất mối quen. Hai vợ chồng làm xuyên đêm đến 8-9h, kiếm từng đồng lẻ, mỗi ngày trừ chi phí chỉ được 300.000 đồng".
|
Chị Thoa đang rửa củ mã thầy chuẩn bị cho chuyến hàng buổi chiều. (Ảnh: Toàn Vũ). |
Mưu sinh bằng nghề bán hoa quả, chị Vũ Thị Thoa cũng sợ nhất những ngày mưa rét. Chị Thoa kể: "Mưa rét người ta ngại ăn hoa quả nên những ngày này gần như thu nhập của tôi giảm một nửa".
Chị Thoa thường bán hàng từ 15h đến 23h mỗi ngày. Sau khi bán hết hàng, chị lại về chợ đầu mối Long Biên nhập hoa quả chuẩn bị cho buổi chợ hôm sau, 2-3h mỗi ngày chị mới lục tục về phòng trọ. Vì vậy, người phụ nữ này cảm nhận rõ nhất cái lạnh của Hà Nội những ngày qua.
"Mưa lạnh tôi chịu được nhưng buồn nhất là hàng ế bán mãi không hết. Ngày nắng ấm, thời tiết thuận lợi, tôi nhập gần 1 triệu đồng tiền hàng, bán hết thì lãi được khoảng 150.000-200.000 đồng. Ngày mưa lạnh chỉ dám nhập khoảng 500.000 đồng tiền hàng, nếu bán hết thì lãi được khoảng 100.000 đồng. Vậy mà độ này toàn bán không hết", chị Thoa buồn bã kể.
Trong căn phòng trọ nhỏ, chị Nguyễn Thị Thanh cuốn tròn trong chiếc chăn bông để trốn lạnh. Là một người bán hàng rong vào khung giờ chiều và đêm, chị Thanh cũng phải ra đường mưu sinh bất kể thời tiết ra sao.
"Mưa rét người ta ít ra đường nên không có khách mua hàng. Vậy nên, thu nhập những ngày này của tôi bị giảm đáng kể", chị Thanh nói.
Thu nhập giảm sút nên chị Thanh, chị Thoa phải chi tiêu tằn tiện từng đồng. Chị Thanh đang ở trong căn phòng trọ chưa đầy 10m2 thuê 1 triệu đồng cùng với chị Thoa và 2 người khác. Họ ngủ chung, chen chúc trên một chiếc giường nhỏ.
Những ngày gần đây có người gợi ý đổi phòng trọ nhưng vì thu nhập liên tiếp giảm do mưa rét nên 2 người phụ nữ vẫn tiếp tục chấp nhận cảnh sống chật chội, tạm bợ.
Đứng ngồi không yên khi mưa rét chưa có dấu hiệu dừng lại
Làm nghề bán xôi và đồ ăn sáng, chị Tịnh luôn mong những ngày nắng ráo để đỡ vất vả. "Tôi không có cửa hàng mà chỉ ngồi ở vỉa hè để bán đồ ăn sáng. Mưa thì trùm áo mưa để tránh mưa, tránh rét. Mùa đông, khách muốn mua đồ nóng ăn cho ấm người nhưng xôi, khoai, từ luộc bày bên ngoài cũng nhanh chóng nguội lạnh, nhiều người cũng ngại mua", chị Tịnh nói.
Là một thợ sơn, anh Bằng (quê Hà Nam) thường xuyên phải làm việc ngoài trời. Hà Nội mưa rét kéo dài ảnh hưởng không nhỏ tới công việc. Tuy nhiên, vì để đảm bảo tiến độ công trình, anh Bằng cùng đội thợ không dám nghỉ ngày nào.
"Rét ở miền Bắc rất buốt. Do ở ngoài trời quá lâu tay tôi luôn bị đỏ ửng, sưng tấy. Chúng tôi đốt sẵn một đống lửa, tranh thủ lúc nghỉ ngơi sẽ ngồi hơ tay sưởi ấm", anh Bằng cho hay.
"Nổi đóa" vì nắng nóng gay gắt ở TPHCM
Trái ngược với Hà Nội, TPHCM những ngày qua nắng nóng bất thường.
Từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, hôm nào, chị Lê Thị Anh Đào (25 tuổi, nhân viên văn phòng ở TPHCM) cũng phải ra khỏi nhà thật sớm, vượt hơn 10km để đến nơi làm việc.
|
TPHCM nắng nóng, nhiều người trùm kín khi ra đường (Ảnh: Mộc Khải). |
Vì phải di chuyển từ Gò Vấp về hướng trung tâm thành phố, nên dường như ngày nào chị Đào cũng phải đi làm dưới cái nắng chói chang.
"Mỗi lần tôi dừng đèn đỏ, nắng chiếu rát mặt. Nếu ai đó dừng xe phía trước rồ ga, phả hơi nóng vào người thì không khác gì tra tấn. Lúc đó tôi thấy rất bực bội trong người" chị Đào kể về cảm giác đi làm giữa thời tiết nắng nóng.
Theo chị Đào, thời gian này, nếu ra đường mà không đem theo khẩu trang, quần dài, váy áo chống nắng thì da sẽ nhanh chóng bắt nắng, sạm đen.
"Dù không sợ đen, tôi cũng sợ ung thư da. Tôi làm trong môi trường có điều hòa, nhưng cứ nghĩ đến giờ nghỉ trưa, phải ra ngoài ăn là tôi lại thấy mệt mỏi. Nhưng biết làm sao, tôi vẫn phải tranh thủ dặm lại kem chống nắng rồi bước ra bên ngoài trời đang hầm hập nóng", chị Đào than thở.
Chị Linh Phúc (26 tuổi, nhiếp ảnh gia tự do) cho biết, vì nắng nóng, nên công việc hằng ngày của chị bị đình trệ. Không chỉ vậy, chị cũng thấy mệt mỏi hơn khi làm việc. "Bình thường, từ 14h30 tôi đã có thể chụp hình buổi chiều, nhưng những ngày qua, tôi đành dời thời gian chụp xuống 16-17h", chị chia sẻ.
|
Công việc của chị Phúc bị ảnh hưởng do nắng gắt kéo dài (Ảnh: Nhân vật cung cấp). |
Ông Toàn (57 tuổi, nhân viên bảo vệ tại quận 3) thường bắt đầu công việc từ sáng sớm và kết thúc khi tối muộn. Ông cho biết, khoảng một tuần trở lại đây, nắng trở nên gay gắt hơn. Do làm việc ngoài trời nên ông cũng trang bị thêm bao tay chống nắng để đỡ bỏng rát.
"Do tôi làm việc ngoài trời nhiều năm nên đỡ bị sốc, chứ người ở nơi khác về hay người quen làm việc máy lạnh mà ra đường chắc không chịu nổi", ông Toàn nói.
|
Ông Toàn trang bị thêm bao tay chống nắng khi làm việc ngoài trời (Ảnh: Mộc Khải). |
Không chỉ mệt mỏi về mặt tinh thần, nhiều người trẻ ở TPHCM cũng cảm thấy kiệt sức vì thời tiết nắng nóng.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Anh Huy (33 tuổi, quận Bình Thạnh) - vừa từ quê nhà ở Huế trở lại TPHCM sau kỳ nghỉ Tết dài - cho biết, những ngày qua, sức khỏe của anh bị ảnh hưởng không ít khi nhiệt độ quá cao.
"Tôi cũng biết thời tiết ở TPHCM oi bức, nhưng không nghĩ đến mức độ này. Khi vừa bước ra khỏi sân bay, tôi đã cảm thấy choáng váng", anh Huy nói.
Không chỉ vậy, một số nhân viên văn phòng cho biết làm việc trong môi trường điều hòa cả buổi sáng, đến trưa dù chỉ di chuyển 200m để mua đồ ăn, họ cũng bị sốc nhiệt.
Chấp nhận chi 300.000 đồng/ngày để "trốn" nắng
Nhiều người dân ở TPHCM vì không chịu nổi cái nắng gay gắt đã chấp nhận chi tiền, đặt ô tô công nghệ để di chuyển cho thoải mái.
Chị Thanh Tâm (25 tuổi, nhân viên văn phòng) sống cách nơi làm việc hơn 12km. Hằng ngày, chị Tâm đi làm bằng xe máy hoặc đi xe ôm công nghệ. Nhưng những ngày gần đây trời nắng nóng, chị "bấm bụng" đặt ô tô đi làm vào buổi sáng.
"Giờ cao điểm, phí đi ô tô đắt hơn xe máy gấp 3-4 lần, nhưng tôi xem như nhịn ăn sáng, đổi lấy một tinh thần thoải mái. Thật sự, đi dưới trời nắng rát, tôi sẽ không còn tinh thần làm gì cả", chị Tâm chia sẻ.
Không chỉ vậy, chị Tâm cho biết do chị đang ở nhà thuê, chưa trang bị điều hòa nhiệt độ nên thứ 7, chủ nhật vừa qua, khi không đi làm, chị đành "trốn" nắng ở quán cà phê từ sáng đến tối mới về nhà. Song, lựa chọn này với chị cũng gây tốn kém.
"Muốn có không gian mát mẻ để làm việc thì phải chấp nhận đi ra ngoài quán cà phê. Nếu ngồi cả ngày, tôi sẽ phải gọi ít nhất 2 ly nước cho đỡ ngại với chủ quán. Không chỉ vậy, tôi còn phải đặt đồ ăn đến tận nơi cho bữa trưa và bữa chiều. Tổng thiệt hại một ngày gần 300.000 đồng", chị Tâm cho hay.
Tâm sự với phóng viên Dân trí, một số shipper (nhân viên giao hàng) cho biết với thời tiết này, nhiều người ngại ra đường, nên đơn hàng đồ ăn, nước uống giao tận nơi tăng mạnh. Vì vậy, dù có đổ mồ hôi ướt áo, các shipper cũng cố gắng "lao ra đường", để có thêm thu nhập.