"Trái tim" của trà Thái Nguyên là đây?

(Kiến Thức) - Đất chè Thái Nguyên có một loại được gọi là "vô danh trà", âm thầm góp vị xứ trà thêm nổi tiếng.

"Mật danh" Khe Cốc
Đã từ lâu, giới sành trà nước ta nhắc đến một loại chè không hề nổi tiếng, thậm chí không có tên tuổi trên thị trường và cũng chẳng mấy người biết tới. Đó là loại chè có "mật danh" Khe Cốc. Trên thực tế, đó là chè do người làng Khe Cốc, xã Tức Tranh, Phú Lương, Thái Nguyên làm ra.
Làng Khe Cốc chông chênh trên những đồi đất gan gà của xã Tức Tranh. Từ lâu, làng đã trở thành "rốn trà" xứ Thái với sự ưu ái của thiên nhiên ban tặng cho Khe Cốc thổ nhưỡng tuyệt diệu để trồng thứ cây giúp họ đổi đời. Ở Khe Cốc, người ta rất hiếm tìm ra những thuở ruộng trồng lúa hay ngô, khoai, sắn. Tất cả từ đồi cao đến đồi thấp, đồi xa đồi gần đều một màu xanh mướt của chè.
Đồi chè Khe Cốc.
Đồi chè Khe Cốc. 
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng xóm Đập Tràn, một trong những xóm có diện tích chè lớn nhất Khe Cốc tự hào kể: "Hầu hết người trong làng không phải người gốc Thái, số nhiều di cư khai hoang từ Phú Xuyên (Hà Tây cũ) lên những năm 1976 rồi học bà con bản địa cách chọn giống, trồng chè đến thu hái sao chế mà trở thành nghề. Ở đây, nghề trồng lúa không cạnh tranh được với chè nên không tồn tại. Vả lại, trồng chè hiệu quả gấp chục lần trồng lúa nên người dân chọn cây chè làm hướng đi lâu dài".
Vậy là từ những năm sau giải phóng, người Khe Cốc đã trồng chè không phải để xoá nghèo, mà là làm giàu. Hiệu quả gấp chục lần trồng lúa nên ở Khe Cốc không có người đói, không có người nghèo mà chỉ khá giả hoặc giàu. Với họ, cây chè là thứ cây "đẻ" ra tiền cho nên họ không làm bất cứ một thứ nghề phụ nào khác. Theo như lời ông trưởng xóm Nguyễn Văn Hiếu thì, họ dành thời gian nhàn rỗi để "hái tiền".
Khe Cốc có diện tích chè khiêm tốn - chỉ 200ha và cũng cho ra một sản lượng trà khiêm tốn với gần 2 nghìn tấn chè búp tươi/năm, ứng với 1 nghìn tấn chè khô thành phẩm. Giá chè cũng không đắt, tất nhiên cũng không phải rẻ khi luôn ở mức 200.000 - 250.000đ/kg. Thế nhưng, cái gì khiến "vô danh trà" trở thành danh trà số 1 ở Thái Nguyên?
Lửa sao chè phải đủ độ và loại củi đặc biệt.
Lửa sao chè phải đủ độ và loại củi đặc biệt. 
Tuyệt kỹ "vô danh trà"
Theo giải thích của ông Đặng Văn Chuyên, một người làm chè lâu năm và có tiếng của Khe Cốc thì tất cả đều nằm ở bí quyết. Bí quyết nằm trong lòng bàn tay của những người coi việc sản xuất chè là một nghệ thuật. Cho nên, người Khe Cốc chăm chút cho chè ngay từ khâu chọn đất.
Những quả đồi chênh vênh ven những con suối được người dân trưng dụng dùng để trồng chè. Tất nhiên, đó phải là những quả đồi nhận được nhiều ánh sáng mặt trời để lá chè có màu tươi của nắng. Không như những vùng chè khác, người Khe Cốc chỉ trồng chè ta, thứ chè mà gần như tất cả các vùng trồng chè khác bỏ đi.
Trong 2 năm ròng từ khi trồng chè giống, họ chăm bẵm cho chè từng li từng tí. Từ tưới tắm, phun thuốc, cắt tỉa, bắt sâu đến làm cỏ đều hết sức tỉ mỉ. Thậm chí, họ còn nhai lá của từng cây chè để loại bỏ ra những cây không đủ vị khi làm trà thành phẩm.
Chè đủ độ phải đưa ra khỏi lò.
Chè đủ độ phải đưa ra khỏi lò. 
Theo ông Chuyên, ngay cả khâu bón phân cho cây cũng phải cần công thức. Sau 2 năm, chè có thể thu hái được thì cách hái búp cũng phải có quy tắc. Đó là cách hái theo công thức "một tôm hai lá" tức là hái một búp và hai lá non. Khi hái, tay phải sạch, nếu dính mỡ động vật sẽ khiến cây chè biến đổi vị thành chua hoặc chát.
Khâu sao sấy mới thật kỳ khu. Sau khi chè được hái về, người Khe Cốc sẽ chọn những loại củi đặc biệt để đốt lò. Theo ông Chuyên, có hai loại củi đặc biệt phải tránh là xoan và bạch đàn. Nếu dùng 2 loại củi này đốt lò khi sao sấy thì chè sẽ bay sạch mùi. Khi pha, nước trà vẫn xanh nhưng không có mùi vị gì.   
Và khi sấy, lửa phải đúng độ. Lúc đầu cần lửa to nhưng phải giảm dần. Khi chè chín đủ độ giống như "cơm chín tới" thì phải bỏ chè ra khỏi chảo và dùng tay bóp nhuyễn. Khâu này chỉ người kinh nghiệm mới làm được vì lúc đó, chè nóng hàng trăm độ khiến bất cứ một bàn tay nào cũng có thể bỏng rát.
Bóp nhuyễn khi chè nóng hàng trăm độ.
Bóp nhuyễn khi chè nóng hàng trăm độ. 
Đoạt giải cũng không ai biết
Theo thống kê của UBND xã Tức Tranh, diện tích trồng chè của cả xã lên tới hàng nghìn ha và sản lượng trà lên tới hàng chục nghìn tấn một năm. Nhưng chỉ duy chè Khe Cốc mới đủ sức đối chọi với thị trường. Trà làm ra bao nhiêu hết tới đó, không có tình trạng ế ẩm, trong khi chè các làng khác phải vật lộn khổ cực để bán với giá rẻ mạt cho các thương lái đi thu gom.
Theo ông Tạ Quang Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Tức Tranh: "Người Khe Cốc làm trà thuộc hạng điêu luyện của tỉnh Thái Nguyên. Hầu hết các cuộc thi, hội chợ thì Khe Cốc đều "ẵm" những giải cao nhất. Như dịp Festival trà quốc tế, chúng tôi đạt những 4 giải nhưng chẳng ai biết vì họ không muốn quảng bá".
Quả thật, vào Khe Cốc nếu không để ý sẽ rất khó nhận biết đó là làng nghề chuyên sản xuất trà. Bởi không có quảng bá, không một biển hiệu. Thậm chí đường làng vắng tênh không bóng người. Tất cả âm thầm dãi nắng trên nhưng đồi chè cao ngút ngát hoặc bận bịu trong những bếp lò xao sấy.
Tín hiệu để nhận biết của Khe Cốc là hương trà lan toả từ những bếp lò rực lửa, đó là mùi của sự thanh thoát và dịu nhẹ - mùi của Khe Cốc.
- "Trà Khe Cốc tuy không nổi tiếng nhưng thuộc loại "thượng trà" đáng để thưởng thức. Chính thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất ấy, đặc biệt sự thích hợp về thổ nhưỡng để có thể thu hái được những lá chè tốt nhất, mà như chúng ta đã biết, búp chè có thành phần sinh hoá cân đối tốt nhất theo bí quyết hái chè của người Khe Cốc là 1 búp và 2 lá non".
GS.TS Nguyễn Ngọc Kính (Chủ tịch Hội Khoa học - Công nghệ chè Việt Nam)
- "Những người sành trà ở Thái Nguyên, đặc biệt là các cụ già đều rất yêu mến trà Khe Cốc. Nước trà xanh, pha mấy nước vẫn chưa nhạt màu, vị trà đậm để lại chút ngọt ngào nơi đầu lưỡi. Và trà Khe Cốc không quá mạnh nên người thưởng trà vào ban đêm cũng không bị mất ngủ như nhiều loại trà khác". 
TS Trịnh Quang Dũng (Nhà nghiên cứu trà đạo)

Rừng chè san tuyết 300 năm ở Suối Giàng kêu cứu

- Xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái lâu nay nức tiếng với những rừng chè san tuyết có tuổi thọ hàng trăm năm. Nhưng những rừng chè cổ thụ đang chết hàng loạt. Nhiều người lo ngại, với tốc độ chè chết như hiện nay thì chẳng bao lâu nữa toàn bộ rừng chè cổ ở Suối Giàng sẽ chìm sâu vào quá khứ.

Chè cổ chết quá nửa

Anh Vàng A Dê lái chiếc xe máy dẫn chúng tôi lóp ngóp bò qua mấy con dốc gập ghềnh phi vào tận núi Giàng Cao. Gặp một cây chè cổ thụ, anh Dê dừng lại và tấp xe dựa vào gốc, sức nặng của chiếc xe máy làm những cành chè khô mục gãy đôm đốp khiến anh Dê lại phải kéo chiếc xe đứng dậy rồi vứt chình ình giữa đường. Anh Dê bảo: Mấy năm nay chè chết nhiều quá. Hầu hết số chè bị chết là do mối ăn mòn. Lũ mối ăn rỗng lõi cây chè, rồi theo đó ăn lên đến tận cành cho đến khi cây chè chết hẳn chúng lại chuyển ăn cây khác.

Nhắc đến những cây chè hàng trăm năm tuổi chết thảm, nét mặt anh Dê tỏ rõ sự đau đớn. Anh lôi chúng tôi lên một mảnh rừng nằm ở lưng chừng núi Giàng Cao rồi vạch tường tận từng gốc chè mục nát. Anh Dê kể: Từ trước đến nay dân Suối Giàng toàn sống nhờ chè, nhà anh cũng vậy. Năm ngoái, rẫy nhà anh có 200 gốc chè san tuyết cổ thụ, mỗi ngày gia đình anh thu khoảng 1,5 tạ chè búp, bán được trên 20 triệu đồng. Nhiều hôm nhà anh còn phải mượn thêm người đi hái chè để bán. Nhưng sang đầu năm nay số chè cổ thụ chết quá nửa chỉ còn lại gần 80 gốc chè. Mỗi ngày gia đình anh thu được khoảng 80kg, với giá tiền là 8.000.000đ.

Anh Vàng A Dê bên cây chè cổ héo quắt.
Anh Vàng A Dê bên cây chè cổ héo quắt.

Mối ăn lên tận cành

Khi đã thấm mệt vì trầm mình dưới cái nắng gần 40o độ C anh Dê quăng người ngồi dưới tán một "cụ chè" sắp đổ mà miệng không ngớt than vãn, âu sầu: "Suối Giàng theo theo tiếng của người Mông có nghĩa là trời. Các cụ thường bảo chè trên "cổng trời" quanh năm sương phủ, không khí trong lành, đất cát phì nhiêu thì không thể có chuyện chè bị chết. Chúng tôi cũng tin là như vậy. Nhưng mấy năm nay chè chết nhiều quá khiến dân bản ai cũng lo lắng. Nếu không có chè thì dân Suối Giàng sẽ làm gì để lấy cái ăn? Năm nay nhà tôi chỉ còn 80 cây chè, lỡ sang năm chè lại chết nữa thì không biết lấy gì để sống".

Anh Giàng Bá Chư, một người dân ở xã Suối Giàng than thở: Cách đây vài tháng nhìn rừng chè cổ đều mướt mát một màu xanh thẫm, búp chè mập mạp. Nhưng sau đó ít lâu chúng tôi lại thấy lốm đốm vài cây ngả màu vàng rồi chết dần. Dân Suối Giàng trước đây chưa bao giờ thấy hiện tượng này. Nhiều người cứ tưởng là chè thiếu phân bón, thiếu chất dinh dưỡng nhưng không phải. Khi chặt ra thấy gốc cây nào cũng bị mối ăn rỗng bên trong, thậm chí mối ăn lên đến tận cành.

Phóng viên bên một cây chè cổ bị mối ăn mất nửa gốc.
Phóng viên bên một cây chè cổ bị mối ăn mất nửa gốc.

Thương hiệu chè Ngam La chết mòn

- Cả một vùng chè cổ xanh ngút giữa những tầng mây phủ ở xã Ngam La (Yên Minh, Hà Giang) là món quà của tạo hóa dành cho dân bản. Tưởng ở đây chỉ có đá tai mèo, dứa dại lẫn với xương rồng nhưng chè Ngam La vẫn sống tốt. Tiếc là, thương hiệu đang bị chết mòn.

Hữu xạ tự nhiên hương

Danh tiếng chè Ngam La thật không thua kém, thậm chí nhỉnh hơn cả chè Shan tuyết ở Sìn Hồ - Hoàng Su Phì hay Bó Đướt - Vị Xuyên. Nhưng khác một điều là cái "uy" của chè Ngam La được nhiều người biết đến không phải do quảng bá tùm lum như một số nơi khác mà bởi chính "chất" chè ngon, đượm mà ra.

Bao giờ chè Ngam La mới lấy lại được thương hiệu?
Cây chè Ngam La nổi tiếng ngon, đậm đà.

Tin mới