Tháng 8/1971, một đợt lũ rất lớn đã xảy ra ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Do chịu tác động của một tổ hợp thời tiết nguy hiểm nên tại nhiều nơi đã xuất hiện các trận mưa lớn, gây vỡ đê và khiến lũ trên các sông lên nhanh, nhiều khu vực đạt tới mức báo động 3.
Theo số liệu thống kê vào thời điểm ấy, đã có 594 người thiệt mạng, 20 xã và 1 huyện bị ngập hoàn toàn. Thiệt hại của trận lụt này gây thiệt hại về tài sản khoảng 70 triệu đồng, nếu tính theo tỷ giá năm 2023 thì vào khoảng hơn 13.000 tỷ đồng.
Phân tích của các tài liệu khí tượng thủy văn cho thấy, từ ngày 12 đến 21/8/1971, tổ hợp thời tiết bao gồm dải hội tụ nhiệt đới, rãnh thấp nóng phía Tây, cao áp Thái Bình Dương và hoàn lưu còn sót lại của một cơn bão đổ bộ vào miền nam Trung Quốc gây ra mưa lớn với lượng mưa từ to đến rất to trên toàn miền bắc Việt Nam. Bình quân vũ lượng đo được ở lưu vực sông Hồng là 255mm; lưu vực sông Thái Bình là 247mm. Có những điểm mưa với lượng khá, tiêu biểu như ở Sìn Hồ 454mm, Lào Cai 386mm, Tân Cương (Thái Nguyên) 678mm. Lượng mưa trung bình ở đồng bằng Bắc Bộ vào khoảng 200mm.
Độ nguy hiểm của trận lụt này lớn đến mức nó được coi là trận lũ lụt lớn nhất trong hơn 250 năm qua (tính ở thời điểm đó) tại miền bắc Việt Nam, trong hơn 100 năm tại vùng đồng bằng sông Hồng.
Thậm chí, một cơ quan thời tiết của Mỹ khi ấy đã xếp đây là một trong những thiên tai lớn nhất của thế kỷ 20 và mức độ thảm khốc được đánh giá chỉ kém trận lụt trên sông Dương Tử ở Trung Quốc khiến hơn 3,7 triệu người chết vào năm 1931. Có thống kê khác còn cho rằng, đây là 1 trong 10 trận lũ lụt khủng khiếp nhất trong lịch sử lũ lụt thế giới tính đến năm 1971.
Theo những số liệu thống kê được lưu lại, ngày 20/8/1971, đỉnh lũ ở Hà Nội là 14,13m, vượt mức báo động 3 là 2,63m. Mức đỉnh lũ này được duy trì trên mức báo động 3 trong 8 ngày.
Đáng chú ý, trong khoảng thời gian từ năm 1970 đến năm 1972, hiện tượng La Nina chi phối khí hậu toàn hậu đã tác động đến Việt Nam và là một trong những nguyên nhân dẫn đến trận lụt kinh hoàng này. Các chuyên gia có kinh nghiệm còn cho biết, khi đó đê sông Đáy còn chưa vỡ chứ nếu đê sông Đáy cũng vỡ thì sẽ vô cùng nguy hiểm cho Hà Nội.
Vào thời điểm năm 1971, khi kế hoạch kinh tế của nước ta đang bắt đầu thực hiện dưới điều kiện tương đối thuận lợi thì trận lụt này đã tạo ra những ảnh hưởng rất nặng nề. Tác động của trận lũ khiến 13 tỉnh, thành phố phía bắc vỡ đê lớn. Ngày 19/8, nước lũ tràn vỡ các đê ở hạ lưu sông Lô, sông Đà và tả ngạn sông Hồng thuộc huyện Vĩnh Tường, đê bối Thanh Trì phía hữu ngạn sông Hồng. Đến ngày 20/8, đê Lâm Thao bị vỡ. Sang ngày 21, đến lượt đê Vĩnh Lại và đê Cao Xá vỡ.
Việc vỡ đê đã gây ngập lụt diện rộng trên khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Lúc ấy, chỉ tính riêng 4 tỉnh Hải Hưng, Hà Bắc, Vĩnh Phú và Hà Tây, trận lụt này đã làm 1.062 xã của 94 huyện với 2,9 triệu hộ gia đình bị ngập lụt nặng, bằng hơn 40% tổng số hộ gia đình. Lực lượng cứu trợ thậm chí đã phải sử dụng cả trực thăng để thả bánh mì giúp người dân có lương thực chống đói.
Bên cạnh đó, cầu Long Biên cũng đối diện với nguy cơ bị nước lũ cuốn trôi. Vào thời điểm nguy cấp, ngành giao thông đã phải đưa một đoàn tàu chất nặng đá hộc lên nằm trấn giữ mặt cầu. Ngoài ra, các tỉnh có đê bị vỡ trong trận lụt lịch sử này đã cấp tốc huy động lực lượng, tổ chức hàn khẩu lại hệ thống đê điều. Việc hàn khẩu đã sử dụng đến 10.000 m3 đá hộc, 1,4 triệu bao tải đay, 34.000 rọ thép và đặc biệt đã phải đánh đắm 19 sà lan (riêng cho đê Nhất Trai).