Mặc dù các nhà lãnh đạo Triều Tiên và Mỹ nhất trí sớm tiến hành một cuộc gặp thượng đỉnh, ngày 10/3, truyền thông Triều Tiên tiếp tục khẳng định sức ép quân sự và các biện pháp trừng phạt mà Washington áp đặt nhằm vào Bình Nhưỡng sẽ không phát huy tác dụng.
Tân Hoa Xã dẫn tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Đảng Lao động Triều Tiên, nhắc lại việc Mỹ mới tuyên bố áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào 56 tàu, công ty vận tải và các doanh nghiệp thương mại với lý do ngăn chặn Bình Nhưỡng né tránh các chế tài. Tờ này cáo buộc đây là hành động "vi phạm luật pháp quốc tế và xâm phạm chủ quyền của Triều Tiên", cho rằng Mỹ đang tìm cách "cô lập và kiềm chế Bình Nhưỡng thông qua các biện pháp trừng phạt và phong tỏa". Tờ báo trên tuyên bố quân đội và nhân dân Triều Tiên sẽ không bị khuất phục.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Yonhap/TTXVN |
Hồi tháng 2 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố gói biện pháp trừng phạt lớn nhất từ trước đến nay nhằm chống Triều Tiên, tập trung vào cấm vận năng lượng, ngăn cản tiếp cận nguồn ngoại tệ của Bình Nhưỡng, nhằm vào 56 tàu, công ty vận tải và các doanh nghiệp thương mại, đồng thời cảnh báo sẽ áp dụng "giai đoạn 2" nếu các biện pháp trừng phạt mới nhất không có tác dụng.
Tuy nhiên, trong diễn biến tích cực mới nhất, ngày 8/3, Tổng thống Trump đã chấp nhận lời mời gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un song chưa công bố thời gian và địa điểm diễn ra cuộc gặp. Trong khi đó, Đặc phái viên Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thông báo cuộc gặp sẽ diễn ra vào tháng 5 tới. Nếu được tiến hành, đây sẽ là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo hai nước.
Chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới đã hoan nghênh các tín hiệu tích cực này. Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ cho biết nước này sẵn sàng làm trung gian cho các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên. Theo bộ trên, Bern có mối liên hệ với tất cả các bên liên quan, việc lựa chọn thời điểm và địa điểm sẽ do các bên quyết định.
Hồi tháng 9/2017, cựu Tổng thống Thụy Sĩ Doris Leuthard từng đưa ra lời đề nghị tương tự và nhấn mạnh rằng nền ngoại giao Thụy Sĩ có lịch sử lâu đời về tính trung lập và bí mật.