Nhà phân tích Ralph Cossa: "“Điều này có nghĩa là: Cái gì của tôi là của tôi, còn cái gì là của anh thì chúng ta cùng nhau khai thác!" |
Một số các nhà phân tích Tây phương cho rằng tuyên bố này có thể góp phần xoa dịu những căng thẳng giữa Bắc Kinh với Tokyo và Manila. Tuy nhiên, nhiều người khác cho rằng việc ông Tập Cận Bình chính thức xác định các vùng biển tranh chấp là “lợi ích cốt lõi của Trung Quốc” sẽ làm cho căng thẳng leo thang.
Báo chí Trung Quốc cho biết tại cuộc họp hôm 31/7 của Bộ Chính trị ĐCS Trung Quốc, Tổng Bí thư Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc… nhất quyết đi theo con đường phát triển trong hòa bình. Nhà lãnh đạo này cũng lặp lại chủ trương thường được gọi là “Phương châm 12 chữ”: “Chủ quyền của ta, gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác”. Ông Tập nói thêm: “Trung Quốc nhất định không từ bỏ các quyền lợi chính đáng và tuyệt đối không hy sinh các lợi ích cốt lõi”.
Giáo sư John Blaxland, chuyên gia cao cấp về các vấn đề chiến lược và quốc phòng của Đại học Quốc gia Australia, gọi đây là “hành động khôn khéo” của Trung Quốc. Trao đổi với VOA, giáo sư John Blaxland nhận định: “Tôi cho rằng đây là một hành động khôn khéo. Tuy khái niệm ‘cùng nhau khai thác’ không mới, nhưng tuyên bố của ông Tập Cận Bình có ý nghĩa quan trọng vì vấn đề cùng nhau khai thác được đặt vào vị trí hàng đầu của chương trình làm việc”.
Tuy nhiên, nhà phân tích Ralph Cossa của Diễn đàn Thái Bình Dương ở Hawaii lại cho rằng ông Tập Cận Bình chỉ lặp lại chủ trương ngang ngược của Trung Quốc. Ông nói: “Điều này có nghĩa là: Cái gì của tôi là của tôi, còn cái gì là của anh thì chúng ta cùng nhau khai thác! Vì vậy họ sẵn sàng cùng nhau khai thác ở những nơi do Nhật Bản nắm giữ, những nơi do Philippines hay Malaysia nắm giữ. Còn những nơi họ đang nắm giữ thì họ có chủ quyền không thể tranh cãi và như thế là hết chuyện”.
Ông Cossa nói thêm rằng phát biểu của ông Tập Cận Bình chỉ làm cho vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn: “Họ nói 'chúng tôi muốn phát triển hòa bình’. Rất hay! Nhưng điểm then chốt trong tuyên bố này, theo tôi, là ‘tuyệt đối không hy sinh những lợi ích cốt lõi'. Họ từng nói Đài Loan, Tây Tạng là lợi ích cốt lõi – có nghĩa là họ sẵn sàng tiến hành chiến tranh để bảo vệ. Trước đây, họ cũng nói Biển Đông là lợi ích cốt lõi của họ, nhưng khi bị hỏi dồn ở chốn riêng tư thì họ đã rút lại tuyên bố đó. Giờ đây, chính Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng những lãnh thổ có tranh chấp là lợi ích cốt lõi. Điều này, theo tôi, đã làm cho vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn và đi ngược với tuyên bố tìm kiếm một giải pháp hòa bình”.
Bà Bonnie Glaser, một nhà phân tích cấp cao về vấn đề Trung Quốc của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington, tán đồng nhận định của ông Cossa. Bà nói với VOA: “Ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh rằng những vụ tranh chấp chủ quyền nói trên là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ các quyền lợi hải dương của mình. Tuyên bố đó không khác gì mấy so với lập trường đã được nêu ra dưới thời ông Hồ Cẩm Đào”.
Bà Glaser bày tỏ nghi ngờ thiện chí của Trung Quốc trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình tranh chấp với các nước láng giềng. |
Bà Glaser cũng bày tỏ sự nghi ngờ về thiện chí của Trung Quốc trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các vụ tranh chấp với các nước láng giềng: “Theo tôi, không ai biết rõ trong thời gian tới đây Trung Quốc có nhượng bộ hay thỏa hiệp với các nước láng giềng trong những vụ tranh chấp này hay không. Việc tuyên bố 'gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác' là một việc không khó. Nhưng tôi không hề nhìn thấy một con đường tiến tới, trừ phi Trung Quốc thật sự… bắt đầu tham khảo ý kiến hoặc thương lượng với các nước ở Biển Đông về một bộ qui tắc hành xử. Theo kế hoạch, Trung Quốc và ASEAN sẽ nhóm họp vào tháng 9 này để bàn những luật lệ trên biển và hình thành một cơ chế có tính chất ràng buộc pháp lý, một cơ chế mà mọi người hy vọng sẽ có hiệu quả hơn Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc ký kết với ASEAN năm 2002. Tóm lại, lời lẽ bên ngoài như vậy là tốt, nhưng chúng ta cần phải nhìn thấy những hành động cụ thể."
Giáo sư John Blaxland của Đại học Quốc gia Australia: "Trò chơi hai mặt là một phần chiến lược của Trung Quốc”. |
Khi được hỏi phải chăng tuyên bố của ông Tập Cận Bình là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ giảm bớt những hành động mà các chính phủ ở Tokyo, Hà Nội, và Manila cho là gây hấn ở các vùng biển có tranh chấp, giáo sư Blaxland của Đại học Quốc gia Australia cho biết: "Không, tôi không nghĩ là sẽ có một sự giảm thiểu. Thật ra đây là điều mà ông ấy có thể làm theo hai hướng cùng một lúc. Một mặt ông ấy có thể đưa ra những lời lẽ hòa hoãn về việc chia sẻ không gian hoạt động với nhau, nhưng những hành động trên thực tế có thể có mâu thuẫn. Cái vẻ bề ngoài có một vai trò quan trọng và trò chơi hai mặt là một phần chiến lược của Trung Quốc”.