Thu hồi đất tại Vườn quốc gia
Ba khu đất vừa bị thu hồi có tổng diện tích 3.221m2 tại Vườn quốc gia Bạch Mã trước đây được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho Công ty Du lịch Hương Giang (nay là Công ty CP Du lịch Hương Giang) thuê đất tại các Quyết định số 2364/QĐ-UB, Quyết định số 2365/QĐ-UB, Quyết định số 2366/QĐ-UB ngày 03/10/2001.
Lý do tỉnh Thừa Thiên Huế thu hồi 03 khu đất trên là do hết hạn thuê đất nhưng không được gia hạn theo quy định. Sau khi thu hồi toàn toàn bộ diện tích 03 khu đất nêu trên sẽ được giao cho Vườn quốc gia Bạch Mã quản lý.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao Cục Thuế tỉnh thông báo cho Công ty Du lịch Hương Giang nộp đầy đủ nghĩa vụ tài chính về tiền thuê đất đối với các khu đất nêu trên.
Trước đó vào năm 2021 Công ty Du lịch Hương Giang cũng đã bị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thu hồi 595,1m2 đất tại số 101 Hùng Vương, TP Huế cũng với lý do hết hạn thuê đất nhưng không được gia hạn.
Vườn quốc gia Bạch Mã - Ảnh: Sở Du lịch Thừa Thiên Huế |
Công ty Du lịch Hương Giang được thành lập theo Quyết định số 1500QĐ/UBND ngày 03/10/1994 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngày 01/01/2008 Công ty chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần với tên gọi Công ty CP Du lịch Hương Giang.
Hiện tại Công ty Du lịch Hương Giang do ông TOSHIHIKO TAKAHASHI (Nhật Bản) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, cũng là người đại diện theo pháp luật cho doanh nghiệp.
Vốn điều lệ thực góp đến ngày 31/12/2022 là 200 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Crystal Treasure Limited đầu tư vào Công ty Du lịch Hương Giang 91 tỷ đồng (để sở hữu 45,5%), Công ty TNHH Tấn Trường đầu tư 40% (sở hữu 20%), Công ty TNHH Thạch Anh Trắng đầu tư 19,252 tỷ đồng (sở hữu 9,5%), Công ty TNHH Tập đoàn BITEXCO đầu tư 18,228 tỷ đồng (sở hữu 9,1%), cá nhân bà Lê Thị Ngọc Thủy đầu tư 14 tỷ đồng (sở hữu 7%), và các cổ đông khác đang sở hữu 8,8%.
Lưu ý, Công ty Du lịch Hương Giang được cổ đông lớn nhất là Công ty Crystal Treasure Limited “bơm” tiền thông qua nhiều khoản vay.
Cụ thể, ngày 26/11/2021 giữa 02 bên có hợp đồng vay để bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh, với giá gốc là 365.000USD, thời hạn 12 tháng kể từ ngày giải ngân đầu tiên, lãi suất 5%/năm.
Các ngày 27/06/2022, và 30/07/2022 Công ty Du lịch Hương Giang có các hợp đồng vay với giá gốc lần lượt là 280.000USD,và 100.000USD, cùng với thời hạn hợp đồng vay là 12 tháng, với lãi suất 5%.
Tại thời điểm ngày 31/12/2022 doanh nghiệp này đã đầu tư 118,423 tỷ đồng vào các công ty liên doanh, liên kết như: Công ty TNHH Lữ hành Hương Giang, Công ty TNHH Du lịch Lăng Cô, Công ty CP Du lịch Thiên Phúc, Công ty TNHH Sài Gòn Morin Huế, Công ty TNHH Khách sạn Kinh Thành, Công ty TNHH Đầu tư du lịch Kinh Thành.
Dự án cải tạo Nhà hàng Festival 11 Lê Lợi của Công ty Du lịch Hương Giang - Ảnh: huonggiangtourist.com |
Nhiều hợp đồng thuê đất
Công ty CP Du lịch Hương Giang hoạt động trong lĩnh vực chủ yếu: Khách sạn; Nhà hàng; Lữ hành trong nước và quốc tế; Vận chuyển du lịch; Đại lý vé máy bay; Liên doanh liên kết trong nước và nước ngoài về các dịch vụ du lịch.
Doanh nghiệp này được tỉnh Thừa Thiên Huế cho thuê khá nhiều khu đất đẹp để hoạt động kinh doanh.
Đơn cử như, Hợp đồng thuê đất số 51 Lê Lợi từ năm 1998 đến năm 2028 với diện tích là 1,35ha. Hiện tại đang được kinh doanh khách sạn Hương Giang Hotel và nhà hàng.
Hợp đồng thuê đất tại số 11 Lê Lợi từ năm 2001 đến 2031, diện tích 6.248m2. Doanh nghiệp này đang kinh doanh nhà hàng Festival Huế.
Hợp đồng thuê đất số 30 Lê Lợi từ năm 2004 đến 2044, với diện tích 7.702m2, đang liên doanh với Công ty Sài Gòn Tourist để kinh doanh nhà hàng và khách sạn.
Hợp đồng thuê đất tại số 51 Lê Lợi từ ngày 06/12/2019 đến 16/05/2024, với diện tích 680m2, hiện đang được sử dụng làm cảnh quan hồ Mắt Ngọc tại khách sạn Hương Giang Hotel.
Doanh nghiệp này đang sở hữu khách sạn Hương Giang (4 sao); đồng sở hữu khách sạn Saigon Morin Huế (4 sao), khách sạn Azerai La Residence, Hue (5 sao); Lăng Cô Beach Resort (4 sao) và Công ty TNHH Lữ hành Hương Giang.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng đang triển khai dự án khách sạn cao cấp NAMA (85 Nguyễn Chí Diểu – Huế). Theo kế hoạch ban đầu công trình sẽ được khởi công vào tháng 05/2018 và hoàn thành vào tháng 4/2019. Tuy nhiên dự án phải điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu vực Kinh Thành Huế để báo cáo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thẩm định và trình Thủ tướng phê duyệt cho nên chậm tiến độ.
Dự án đầu tư mở rộng khách sạn Azerai La Residence, Hue (05 Lê Lợi – Huế) cũng gặp một số vướng mắc khiến không thực hiện được theo kế hoạch như ban đầu. Bởi theo yêu cầu của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thì phải thực hiện lại quy trình thuê đất từ ban đầu. Cụ thể là liên quan đến công tác đấu giá quyền sử dụng đất của dự án. Nhưng tính đến 2022 Công ty đã hoàn thành dự án.
Điều 65, Luật Đất đai 2013
1. Các trường hợp thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người bao gồm:
a) Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất mà tiền sử dụng đất có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước bị giải thể, phá sản, chuyển đi nơi khác, giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất; người sử dụng đất thuê của Nhà nước trả tiền thuê đất hàng năm bị giải thể, phá sản, chuyển đi nơi khác, giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất;
b) Cá nhân sử dụng đất chết mà không có người thừa kế;
c) Người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất;
d) Đất được Nhà nước giao, cho thuê có thời hạn nhưng không được gia hạn;
đ) Đất ở trong khu vực bị ô nhiễm môi trường có nguy cơ đe dọa tính mạng con người;
e) Đất ở có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đe dọa tính mạng con người.
2. Việc thu hồi đất theo quy định tại khoản 1 Điều này phải dựa trên các căn cứ sau đây:
a) Văn bản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết đã có hiệu lực pháp luật đối với trường hợp thu hồi đất quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Giấy chứng tử hoặc quyết định tuyên bố một người là đã chết theo quy định của pháp luật và văn bản xác nhận không có người thừa kế của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của người để thừa kế đã chết đó đối với trường hợp thu hồi đất quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
c) Văn bản trả lại đất của người sử dụng đất đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;
d) Quyết định giao đất, quyết định cho thuê đất đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này;
đ) Văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác định mức độ ô nhiễm môi trường, sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đe dọa tính mạng con người đối với trường hợp quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều này.
3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.