Sau gần 1 tháng phản ảnh việc Công ty ông Lê Phước Vũ chặn nguồn nước tưới rẫy, chặn đường lên rẫy của bà con nông dân ở thôn 3, xã Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng , chúng tôi đã trở lại xã Đạ M’ri vào ngày 23/6.
|
Bậc tam cấp khiến nông dân không thể chạy xe mang phân bón lên rẫy trên đèo và chở hoa quả xuống, mang đi bán. |
Theo ghi nhận của chúng tôi: Về con đường lên rẫy, Công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hoa Sen (gọi tắt là Công ty Hoa Sen) đã để bà con “dễ thở” hơn, nhưng vẫn còn tiếp tục chặn con suối B2, bà con nông dân vẫn chưa có nước tưới rẫy cũng như sinh hoạt.
Những ngày này, đang mùa mưa. Đứng trên đỉnh đèo Long An nhìn xuống, Đạ M’ri xanh ngút ngàn một màu trù phú. Thế nhưng, những cơn mưa rào vẫn không làm dịu được sự “nóng lòng” về nguồn nước tưới của bà con nông dân ở đây. Hiện nay, vấn đề lo lắng nhất của bà con nông dân là nguồn nước tưới.
|
Mây đen vần vũ trên ngọn núi Lu Mu thuộc xã Đạ M'ri. Ảnh: Dương Cầm |
Nông dân Bùi Ngọc Sơn lo lắng: “Trời thương tụi tui, mấy ngày nay mưa miết. Tui chỉ sợ qua tết, mùa nắng nóng, không có nước tưới, đám tiêu đang trồng chết hết. Bà con ở đây ai cũng nóng lòng, không dám trồng mới loại cây nào nữa”.
Dẫn chúng tôi ra xem đống dây dẫn nước đang chất đống trên rẫy, cách con suối B2 không xa, nông dân Phạm Văn Phê buồn rầu: “Dây nằm trơ nắng, mưa vài bữa nữa chắc hư hết. Nước ở con suối đằng kia vẫn chảy róc rách, vậy mà tụi tui đang khát nước từng ngày. Tui chỉ mong ông Vũ cho bắt ống dây xuống con suối B2 lấy nước tưới cho rẫy phía trên đèo, mở đập chặn suối để nước vào con mương dẫn, chảy về các khu rẫy ở phía dưới thấp. Nhưng không biết đến bao giờ ổng mới làm việc đó".
"Mây vẫn đen trên ngọn đỉnh núi Lu Mu, như nông dân tụi tui rầu rĩ, khát nước vì bị ông Vũ chặn suối" - nông dân Phan Thị Bích Phúc chán nản.
|
Những dòng chữ xác định chủ quyền trên tảng đá chìm dưới con suối của Công ty Du lịch Hoa Sen Ảnh: Dương Cầm. |
Theo chân nhiều nông dân, chúng tôi đến khu vực nhà 3 gian mới xây xong trong khu du lịch sinh thái tâm linh của đại gia Lê Phước Vũ. Nơi đây từng có một con đường mòn dẫn lên khu rừng và rẫy của một số hộ dân nằm trên đèo. Bây giờ, con đường mòn đó đang được Công ty Hoa Sen cho trải đá, đặc biệt ngay cửa ngõ lên đèo vừa được công ty này xây thêm bậc tam cấp.
Chỉ tay vào bậc tam cấp, nông dân Phan Thị Bích Phúc than thở: “Con đường này, tụi tui dùng để chạy xe máy lên rẫy, chở phân bón lên, chở hoa trái xuống. Ông Vũ cho xây bậc tam cấp thế này, làm sao tụi tui chạy xe lên xuống được nữa. Các anh thấy ổng làm chuyện chướng mắt không?”.
Quanh khu vực nhà 3 gian, nước suối từ trên đèo cao chảy xuống, bao quanh khu vực, tạo ra một khung cảnh rất hữu tình. Nơi đây cũng là nút giao giữa dòng suối và con mương dẫn dài gần 1 cây số, do chính nông dân Đạ M’ri đào cách đây khoảng 30 năm, lúc họ từ Quảng Ngãi vào Đạ M’ri khai hoang, thành lập xã. Ngay tại nút giao này, hiện vẫn còn những tảng đá lấp lại, nước không thể chảy vào con mương, biến nó thành một cái rãnh khô cạn, vô tác dụng!
Là người có đất mà con mương chảy qua dài gần 200 mét, nông dân Nguyễn Thành Hướng nói: “Măng cụt, sầu riêng, tiêu… trên rẫy của tui nhờ nước vào con mương này. Bây giờ, ở đầu mương, nơi con suối rẽ vào đã bị ông Vũ dùng đá lấp lại, không có nước nữa. Tui rầu lắm. Từ ngày báo chí đăng bài phản ánh đến nay, vẫn không thấy ông Vũ có động thái nào để tháo dỡ con đập chặn nước”.
|
Chị Phan Thị Bích Phúc hái măng rừng về làm bữa ăn. Ảnh: Dương Cầm |
Riêng trường hợp đất của nông dân Lê Văn Thương bị Công ty Hoa Sen huy động nhân lực rào lại, chiếm giữ sau một đêm (báo điện tử Một Thế Giới đã phản ánh qua bài viết Nông dân Đạ M'ri tố cáo lãnh đạo Công ty Hoa Sen cướp đất côn đồ: "Nửa đêm ông Vũ Hoa Sen huy động 40 người lẻn vào rào hết đất của tôi", cho đến nay phía Công ty Hoa Sen vẫn chưa có động thái cho thấy sẽ "giải phóng" hàng rào thép và bê tông.
Cần phải nhắc lại: Trước đó, ngày 16/12/2014, tại phòng họp Đảng ủy thị trấn Đạ M'ri đã có cuộc họp về vụ việc, yêu cầu Công ty Hoa Sen tháo dỡ hàng rào thép, lô cốt đã dựng trên phần đất nằm trên hành lang bảo vệ suối của nông dân Lê Văn Thương.
Các bên tham gia cuộc họp gồm: ông Lê Hồng Ngân (Chủ tịch UBND thị trấn Đạ M'ri), ông Dương Trí Đức (cán bộ địa chính thị trấn), ông Nguyễn Hùng (cán bộ tư pháp thị trấn) và Phó giám đốc Công ty Hoa Sen, ông Hồ Việt Phúc.
Theo biên bản cuộc họp này, Chủ tịch UBND thị trấn Đạ M'ri chỉ đạo: "UBND thị trấn Đạ M'ri yêu cầu ông Hồ Việt Phúc - Phó giám đốc Công ty Hoa Sen ngưng ngay mọi hoạt động trên hành lang bảo vệ suối, đồng thời tự tháo dỡ hàng rào nằm trên phần đất bảo vệ hành lang suối mà Công ty Dịch vụ du lịch Hoa Sen lắp dựng".
Ông Hồ Việt Phúc, Phó giám đốc Công ty Dịch vụ du lịch Hoa Sen đã hứa: "Chúng tôi chấp hành theo ý kiến chỉ đạo của ông chủ tịch UBND thị trấn Đạ M'ri. Tuy nhiên việc tháo dỡ hàng rào cho phép chúng tôi tháo dỡ dần dần để chuyển lên khu đất trên của vườn ổi".
|
Biên bản làm việc giữa Phó giám đốc Công ty Dịch vụ du lịch Hoa Sen và Chủ tịch UBND thị trấn Đạ M'ri về việc tháo dỡ rào chắn trên phần đất bảo vệ hành lang suối do ông Lê Văn thương khai hoang cách đây...hơn nửa năm. Ảnh: Dương Cầm |
Như vậy, đến nay đã hơn nửa năm trôi qua, Công ty Hoa Sen vẫn nuốt lời hứa, chưa tháo dỡ hàng rào thép, lô cốt trên phần đất của nông dân Lê Văn Thương, dù đích thân ông Phó giám đốc công ty này đã ký vào biên bản cuộc họp! Công ty Hoa Sen vẫn thách thức dư luận, mặc cho báo chí đã phản ảnh và không quan tâm việc nông dân Lê Văn Thương đang gửi đơn kêu cứu khắp nơi!
Nông dân Lê Văn Thương cho biết: “Từ ngày báo chí phản ánh chuyện Công ty Du lịch Hoa Sen chặn nguồn nước tưới, chặn đường lên rẫy của bà con nông dân, công ty này mới thay đổi chút ít, đó là con đường lên rẫy, họ để bà con đi dễ dàng hơn, không còn bị chặn lại nữa. Và công ty cũng không còn cho người canh giữ ở khu vực suối B2 như trước kia. Nhân viên của ông Vũ đã có vẻ dễ chịu hơn. Nhưng tụi tui chưa tin vào thiện chí của họ, có thể họ tạm thời như vậy, biết đâu thời gian sau này đâu lại vào đấy!”.
|
Nông dân Lê Văn Thương với bịch lá rừng vừa hái, mang về cải thiện bữa ăn cho vợ, con trong cảnh mất đất. Ảnh: Dương Cầm |