Trung Quốc đang tiếp “nhân vật thứ 2” của Triều Tiên?

Đặc sứ Choe Ryong-hae hội đàm với ông Vương Gia Thụy, Trưởng ban Liên lạc đối ngoại Trung ương đảng CS Trung Quốc.
  Đặc sứ Choe Ryong-hae hội đàm với ông Vương Gia Thụy, Trưởng ban Liên lạc đối ngoại Trung ương đảng CS Trung Quốc.

Dẫn đầu đoàn là Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Triều Tiên Choe Ryong-hae, một nhân vật rất có ảnh hưởng trong ban lãnh đạo hàng đầu của Triều Tiên.
Ông Choe Ryong-hae thường tháp tùng nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong những buổi xuất hiện trước công chúng.

Chuyên gia Viện Viễn Đông Nga Konstantin Asmolov lưu ý: “Trong hệ thống cấp bậc Bắc Triều Tiên, đây là nhân vật có vị trí cao hơn cả bộ trưởng quốc phòng. Vì vậy, chuyến thăm của ông Choe Ryong-hae mang tính dấu hiệu quan trọng. Căn cứ chính sách quân đội vẫn được tiếp tục ở Bình Nhưỡng, có thể nói Trung Quốc đang tiếp nhân vật thứ hai hoặc thứ ba của Bắc Triều Tiên.”
Ông Choe Ryong-hae đến Bắc Kinh với tư cách phái viên của Kim Jong-un, một vai trò hiếm gặp trong hoạt động chính trị ở miền Bắc Triều Tiên. Động thái dường như nhằm vào dư luận bên ngoài. Trong thực tế, chuyến đi của phái viên đặc biệt Choe Ryong-hae đến Bắc Kinh trở thành liên lạc quốc tế đầu tiên ở cấp độ cao đối với Bình Nhưỡng.
Hôm thứ Tư, ông Choe Ryong-hae đã hội đàm với ông Vương Gia Thụy, Trưởng ban Liên lạc đối ngoại Trung ương đảng CS Trung Quốc. Phía Trung Quốc bày tỏ rõ quan điểm về chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên và nhấn mạnh việc quan trọng nối lại các cuộc đàm phán sáu bên, có sự tham dự của Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên. Điều này đã được phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi công bố.
Lâu nay, ông Kim Jong-un dự định đến Bắc Kinh nhưng chưa làm được điều này trong một năm rưỡi nắm quyền. Hồi mùa thu năm ngoái, các đối tác Trung Quốc cho biết họ bận rộn chuẩn bị cho Đại hội Đảng thứ 18. Cuộc khủng hoảng mới trên bán đảo Triều Tiên do các vụ phóng tên lửa hạt nhân cuối năm 2012 đã làm phức tạp nghiêm trọng mối quan hệ của Bắc Kinh và Bình Nhưỡng. Là đồng minh duy nhất còn lại, Trung Quốc đã lên tiếng phê phán các hoạt động thử nghiệm hạt nhân. Bắc Kinh không phản đối việc mở rộng biện pháp trừng phạt quốc tế đối với Bình Nhưỡng, thậm chí gần đây Trung Quốc còn quyết định cắt đứt liên lạc với Ngân hàng Ngoại thương Bắc Triều Tiên, nhận thức rõ điều này đem lại những hậu quả tiêu cực cho uy tín của ông Kim Jong-un. Vào ngày đặc phái viên Triều Tiên đến Bắc Kinh, nhiều văn phòng đại diện nước ngoài không thể nhận tiền gửi đến. Bình Nhưỡng cũng không có khả năng thực hiện giao dịch ngoại hối với nước ngoài.
Một ngày trước khi đoàn đại biểu Bắc Triều Tiên đến Bắc Kinh, Bình Nhưỡng đã “bật đèn xanh” thả tàu cá cùng 16 ngư dân Trung Quốc. Các chuyên gia tin rằng vụ bắt giữ không do hải tặc Triều Tiên mà là nhà cầm quyền thực hiện trong vùng lãnh hải Trung Quốc.
Phản ứng mạnh mẽ của Bắc Kinh đã làm cho Bình Nhưỡng chùn bước. Đặc sứ  Choe Ryong-hae sẽ phải xử lý một bài toán phức tạp, lật trang quan hệ mới để nhà lãnh đạo Kim Jong-un có cơ hội đến Trung Quốc. Đây là nhiệm vụ khá nhạy cảm. Liệu Bắc Kinh có muốn giúp thủ lĩnh trẻ của Triều Tiên?

TIN LIÊN QUAN:

ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Tin mới