Trung Quốc khoe siêu vũ khí có thể "xé nát" xe tăng Abrams
Các chuyên gia Trung Quốc đang phát triển một loại vũ khí sử dụng động năng ở tốc độ cao để phá hủy các phương tiện thiết giáp chắc chắn.
Lê Quang
Xem toàn bộ ảnh
Các nhà khoa học Trung Quốc đã tiến hành thử nghiệm toàn diện về tiềm năng của vũ khí động năng (KEW) chống lại xe tăng quân sự Mỹ, cuộc thử nghiệm cho thấy một phát bắn có thể vô hiệu hóa xe tăng ngay cả khi không có thiệt hại bên ngoài rõ ràng.
Theo truyền thông Trung Quốc, các nhà nghiên cứu kết luận rằng một quả cầu rắn nặng 20kg di chuyển với tốc độ gấp 4 lần tốc độ âm thanh có thể gây ra mối đe dọa đáng kể cho các xe tăng tiên tiến đáp ứng tiêu chuẩn quân sự Mỹ.
Động năng do một viên đạn như vậy lên tới xấp xỉ 25 megajoule, khi chuyển đổi thành năng lượng điện nó tương đương hơn 7 kilowatt giờ. Năng lượng này mặc dù có vẻ khiêm tốn, nhưng có thể gây ra thiệt hại không thể khắc phục được đối với hoạt động bên trong của xe tăng, ngay cả khi hình dáng bên ngoài vẫn nguyên vẹn.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã không nêu rõ tên loại xe tăng Mỹ trong thử nghiệm, nhưng đề cập rằng năng lượng được nghiên cứu sẽ đủ để làm hỏng một chiếc xe tăng nặng 40-60 tấn do Mỹ vận hành, chẳng hạn như M1 Abrams.
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng, các bộ phận quan trọng như bu lông kết nối những thiết bị thiết yếu với thành phần bên trong cabin có thể bị gãy khi xảy ra va chạm mạnh, khiến xe tăng không thể hoạt động được.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết, tác động của đạn động học tốc độ cao có thể vượt qua giới hạn an toàn được khuyến nghị bởi tiêu chuẩn quân sự MIL-STD-810 của Mỹ.
MIL-STD-810 còn được gọi là Tiêu chuẩn quân sự 810, bao gồm một tập hợp các kỹ thuật và giao thức thử nghiệm do Bộ Quốc phòng Mỹ phát triển để đánh giá độ bền và khả năng phục hồi của thiết bị.
Không giống như các loại vũ khí chống tăng truyền thống dựa vào thuốc súng, đạn động học tốc độ cao có khả năng gây sát thương chết người ngay cả khi tiếp xúc sượt qua. Phương pháp phóng của các loại đạn này rất đa dạng, giúp mở rộng sát thương trong nhiều tình huống khác nhau.
Nhóm chuyên gia Trung Quốc cũng nhận thấy việc đánh giá sát thương do đạn động học gây ra khác biệt đáng kể so với đạn xuyên giáp thông thường. Trong khi đạn thông thường được thử nghiệm bằng cách sử dụng một mảnh áo giáp hợp kim, thì đạn động học đòi hỏi phải xem xét toàn bộ xe tăng do sóng xung kích phức tạp tạo ra khi va chạm.
Đạn năng lượng động học tận dụng tốc độ đầu cuối cao để truyền nhiều năng lượng hơn vào mục tiêu, so với năng lượng vốn có từ chất nổ hóa học mà chúng mang theo.
Những chiếc xe tăng thường hướng phần đầu xe về phía các mối đe dọa, nhằm tận dụng thiết kế chắc chắn ở phần đầu để che chắn. Tuy nhiên, một viên đạn động năng bắn trúng phần này có thể truyền áp lực hủy diệt vào bên trong xe tăng, gây nguy hiểm cho khả năng hỏa lực.
Trong bối cảnh cuộc chạy đua phát triển vũ khí siêu thanh ngày càng leo thang, tiềm năng phát triển của các loại đạn chống tăng động năng siêu thanh dường như có khả năng xảy ra. Mỹ cũng đã dành nguồn lực dồi dào trong nhiều thập kỷ để phát triển tên lửa chống tăng động năng siêu thanh.
Lockheed Martin, một công ty có trụ sở tại Mỹ, đang tích cực phát triển tên lửa năng lượng động học nhỏ gọn (CKEM) để trang bị cho các phương tiện bọc thép như xe chiến đấu Bradley và xe bọc thép Stryker.
CKEM đã cho thấy khả năng sát thương trong các cuộc thử nghiệm. Vào năm 2007, Lockheed Martin đã thử nghiệm thành công CKEM khi bắn vào một chiếc xe tăng T-72 được trang bị áo giáp phản ứng nổ.
Tuy nhiên, dự án CKEM đã phải hủy bỏ khi Lầu Năm Góc quyết định chấm dứt chương trình Hệ thống chiến đấu tương lai (FCS) của quân đội vào năm 2009. Vì vậy, trong thập kỷ qua, những thông tin về vũ khí này đã giảm đi đáng kể.
Những nghiên cứu do Trung Quốc thực hiện gần đây cho thấy, công nghệ chống tăng bằng động năng vẫn là một chủ đề thu hút được nhiều sự quan tâm và có thể trở thành một cuộc cách mạng cho vũ khí chống tăng trong tương lai.