* Xe chiến đấu bộ binh (tiếng Nga là Боевая машина пехоты - BMP, tiếng Anh là Infantry Fighting Vehicle - IFV) là phương tiện chiến đấu bọc thép được sử dụng để chở bộ binh trên chiến trường và hỗ trợ hỏa lực cho bộ binh. Không thể nhầm lẫn xe chiến đấu bộ binh là giống với xe bọc thép chở quân vì xe chiến đấu bộ binh có hỏa lực khá mạnh thậm chí có thể diệt xe tăng - xe bọc thép của đối phương.
Thời báo Hoàn Cầu đưa tin, ngoài xe tăng chiến đấu chủ lực Type 96 và pháo tự hành Type 83 152mm, trong cuộc tập trận chung mang tên Sứ mệnh hòa bình 2013, nước này còn mang đến loại xe chiến bộ binh cải tiến WZ-501 (hoặc còn gọi là Type 86) do nước này sản xuất trên cơ sở sao chép BMP-1 của Liên Xô. Đây cũng là lần đầu tiên loại xe này xuất hiện trong tập trận chung trên lãnh thổ Nga.
Thực tế, trước đây, xe chiến đấu bộ binh WZ-501(Type 86) từng xuất hiện trong cuộc tập trận chung với Nga tại biên giới Trung Quốc nhưng đây là lần đầu tiên loại xe này được “ra mắt” ở nước ngoài.
Xe chiến đấu bộ binh WZ-501 (Type 86) tập trận ở Nga. |
Về câu hỏi tại sao Trung Quốc lại có thể chế tạo được WZ-501 khi mà nước này được cho là chưa bao giờ nhập khẩu BMP-1 từ Liên Xô. Ngược dòng thời gian, khi mối quan hệ Ai Cập – Liên Xô bước vào thời kỳ căng thẳng vào những năm 1970, Ai Cập bắt đầu loại bỏ các loại vũ khí Liên Xô sản xuất. Chớp thời cơ, người Trung Quốc đã nhập được số lượng lớn các loại vũ khí Liên Xô từ Ai Cập, trong đó có BMP-1.
Công tác phát triển được thực hiện ngay sau đó và cũng phải khá khó khăn thì mãi tới năm 1986, một số lượng nhỏ xe chiến đấu bộ binh “nhái” BMP-1 mang tên WZ-501 (hoặc Type 86) mới chính thức được chuyển giao cho Lục quân Trung Quốc.
Ban đầu, chiếc WZ-501 có kiểu dáng y hệt BMP-1 của Liên Xô, với hệ thống hỏa lực gồm một pháo nòng trơn cỡ 73mm, bệ phóng tên lửa chống tăng có điều khiển trên nóc xe cùng súng máy 7,62mm. Nó chỉ có khác biệt đôi chút là trọng lượng nhẹ hơn và tốc độ cao hơn.
Sau thời gian sử dụng, theo Hoàn Cầu, từ giữa những năm 1980, Quân đội Trung Quốc kết luận rằng việc phát triển xe chiến đấu bộ binh dùng pháo 73mm không còn phù hợp với yêu cầu hiện đại hóa. Do đó, Tập đoàn Công nghiệp phương Bắc (NORINCO) đã đưa ra phương án nâng cấp, hiện đại hóa WZ-501.
WZ-501 (Type 86) cải tiến với tháp pháo cùng vũ khí mới. |
Mục đích chính của việc cải tiến là sử dụng module chiến đấu kiểu mới và trang bị vũ khí hiệu quả hơn nhưng khung gầm gần như không có sự thay đổi. Xe được trang bị tháp pháo hàn, với súng phóng lựu đạn khói, vũ khí chính được sử dụng là pháo tự động cỡ nòng 30mm “sao chép” pháo 2A72 của Liên Xô.
Về phương diện vũ khí chống tăng, Trung Quốc quyết định không phát triển các loại vũ khí mới mà dùng lại bản sao AT-3 của Liên Xô, được Trung Quốc định danh là HJ-73. Tên lửa này có khả năng duy trì được tính năng thống nhất, tầm bắn xa hơn (khoảng 3km) và khả năng xuyên giáp mạnh hơn, thậm chí có thể xuyên qua lớp giáp phản ứng nổ ERA.
Ngoài ra, HJ-73 còn được trang bị súng máy đồng trục 7,62mm, một bộ kính ngắm tổng hợp có khả năng nhìn xuyên đêm thụ động và máy đo khoảng cách bằng lade.
Bên cạnh biến thể này, trong sự hợp tác với Mỹ những năm 1980, Trung Quốc còn phát triển WZ-501 với tháp pháo trang bị pháo tự động cỡ 25mm. Tuy nhiên, dự án này chỉ dừng ở mức thử nghiệm, chưa bao giờ được sản xuất.
Xe chiến đấu bộ binh WZ-501 (Type 86) được vận hành bởi kíp xe 3 người và có thể chở tổng cộng 8 lính bộ binh cùng đầy đủ vũ khí trang bị trong xe.