Trước vợ chồng “vua cafe Việt”, không ít cuộc ly hôn nghìn tỷ?

Việc tranh chấp tài sản nghìn tỷ trong quá trình làm thủ tục li hôn của vợ chồng ông chủ tập đoàn Trung Nguyên và bà Lê Hoàng Diệp Thảo không phải vụ việc đầu tiên trong giới doanh nhân Việt...

Trước khi xảy ra việc tranh chấp giữa vợ chồng ông chủ tập đoàn Trung Nguyên, từng có không ít vụ ly hôn và xảy ra tranh chấp tài sản, pháp lý trong giới doanh nhân Việt.
3 năm kiện tụng của vợ chồng “vua cà phê” Trung Nguyên
Thông tin về Tập đoàn Trung Nguyên thời gian qua phần nào bị lu mờ trước những ồn ào, kiện tụng qua lại giữa hai vợ chồng nhà sáng lập tập đoàn là ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Quá trình kiện tụng, tranh chấp tài sản, pháp lý dai dẳng của vợ chồng “vua cà phê” Trung Nguyên vẫn sẽ tiếp tục (Ảnh minh họa)
Quá trình kiện tụng, tranh chấp tài sản, pháp lý dai dẳng của vợ chồng “vua cà phê” Trung Nguyên vẫn sẽ tiếp tục (Ảnh minh họa) 
Cuộc chiến pháp lý giữa ông Vũ và bà Thảo được đan xen bởi nhiều vụ kiện kéo dài suốt 3 năm và cuộc ly hôn nghìn tỷ giữa hai vợ chồng sáng lập thương hiệu cà phê này.
Theo đó, sự việc bắt đầu từ tháng 4.2015, khi ông Đặng Lê Nguyên Vũ đột ngột bãi nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc thường trực của bà Lê Hoàng Diệp Thảo (vợ của ông Vũ) tại Tập đoàn Trung Nguyên.
Tới tháng 10.2015, ông Vũ lại có văn bản triệu tập cuộc họp Hội đồng Quản trị (HĐQT) để thảo luận, biểu quyết miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc của bà Thảo và thay đổi người đại diện theo pháp luật tại tập đoàn này. Bà Thảo có văn bản không đồng ý việc triệu tập cuộc họp nhưng sau đó ông Vũ vẫn tổ chức mà vắng mặt người có liên quan.
Xung đột trong việc tranh chấp quyền điều hành ở tập đoàn Trung Nguyên khơi mào cho nhiều vụ kiện sau này của vợ chồng "vua cafe Việt".
Năm 2015, bà Thảo lần đầu đưa đơn ly hôn ra tòa. Đến nay, sau 3 năm, vụ việc vẫn chưa có hồi kết. Bà Thảo cũng có đơn gửi đến Chánh án TAND TP.HCM, yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ quyền đồng sở hữu tài sản của vợ chồng trong tập đoàn Trung Nguyên trong vụ án ly hôn.
Theo số liệu năm 2018, Tập đoàn Trung Nguyên có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng và ông Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn là đại diện pháp lý và có quyền điều hành. Tuy nhiên, trong thời gian này, tòa án thụ lý xem xét vụ ly hôn của ông bà chủ thương hiệu cà phê Trung Nguyên, hai vợ chồng cùng sở hữu 93% tài sản hữu hình và vô hình, bao gồm các thương hiệu như Trung Nguyên, G7.
Tập đoàn Trung Nguyên còn sở hữu nhiều công ty con, có thể kể tới: Công ty cổ phần Cà phê Trung Nguyên với vốn điều lệ 500 tỷ đồng, Công ty cổ phần Trung Nguyên Franchising với vốn điều lệ 100 tỷ đồng; Công ty cổ phần Đầu tư Trung Nguyên vốn lên đến gần 3.200 tỷ đồng và hệ thống bán lẻ G7. Năm 2012, Trung Nguyên đã sở hữu 5 nhà máy và một chuỗi 40 cửa hàng cà phê khắp trong và ngoài nước.
Ngoài ra, hệ thống Trung Nguyên còn có Công ty cổ phần Cà phê hòa tan Trung Nguyên với số vốn điều lệ 200 tỷ đồng, Công ty TNHH Du lịch Đặng Lê với số vốn 98 tỷ đồng.
Công ty Đầu tư Du lịch Đặng Lê do Tập đoàn Trung Nguyên nắm 70% vốn, ông Vũ và bà Thảo mỗi người 15%. Đại diện công ty ban đầu thuộc bà Thảo, nhưng ông Vũ đã chuyển quyền quản lý sang tên mình.
Vụ tranh chấp khối tài sản 10.000 tỷ đồng của vợ chồng Phó Chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn
Vụ ly hôn giữa ông Bùi Đức Minh và bà Nguyễn Thanh Thủy - Phó chủ tịch Tập đoàn Bảo Sơn, đồng thời là con gái ông chủ Tập đoàn Bảo Sơn xảy ra năm 2011 cũng được dư luận quan tâm bởi khối tài sản tranh chấp lên tới khoảng 500 triệu USD (10.000 tỷ đồng).
Cuối năm 2010, sau đề nghị của 2 bên, Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội đã có quyết định cho ly hôn. Tuy nhiên, tại quyết định này, về tài sản chung, nhà đất ở, công nợ chung không được quyết định phân chia. Do đó, ông Bùi Đức Minh đã làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án, yêu cầu hủy bản án sơ thẩm.
Tập đoàn Bảo Sơn vốn nổi tiếng với khách sạn tư nhân cao cấp đầu tiên tại Hà Nội cũng như những dự án án lớn, nổi bật nhất là khu Thiên đường Bảo Sơn. Ngoài tập đoàn Bảo Sơn, số tài sản này còn phân bố ở dạng cổ phần trong 7 công ty khác do Bảo Sơn làm chủ sở hữu.
Theo ông Minh, số tài sản nghìn tỷ nói trên được xác lập trong thời kỳ hôn nhân, nhưng phần lớn cổ phần mang tên cổ đông là Nguyễn Thanh Thủy. Do đó, ông đòi chia số cổ phần tăng thêm đứng tên bà Thủy tại Công ty cổ phần tập đoàn Bảo Sơn và 7 công ty khác.
Tuy nhiên vụ việc chưa được giải quyết thì đầu năm 2012 công an Hà Nội đã bất ngờ bắt ông Bùi Đức Minh để điều tra về hành vi vu khống..
Vụ kiện 30 năm đòi nhà của đại gia Lê Ân
Vụ kiện tranh chấp nhà của đại gia Lê Ân với người vợ cũ là bà Lê Ngọc Lan kéo dài suốt gần 30 năm. Ông Ân cho biết, năm 1965, ông và bà Lan kết hôn, cùng chung sống tại căn nhà số 408 Cách mạng tháng 8 (quận Tân Bình, TP HCM) do ông đứng tên. Năm 1980, ông vượt biên và bị bắt tại Bến Tre. Sau 4 năm ở tù ông được về nhà, người vợ xin ly hôn. Tòa thuận tình và giao hết tài sản, bao gồm cả căn nhà cho bà Lan.
Ông Lê Ân và hành trình 30 năm đi kiện đòi nhà (Ảnh minh họa)
Ông Lê Ân và hành trình 30 năm đi kiện đòi nhà (Ảnh minh họa) 
Không chấp nhận phán quyết của tòa, năm 1987, ông Ân khiếu nại yêu cầu tòa cấp trên xem xét lại việc phân chia tài sản. Do khối tài sản mà hai bên còn tranh chấp khá lớn gồm hàng chục cây vàng, nữ trang, hột xoàn và cả căn nhà 408, nhưng cơ quan chức năng chưa điều tra xác minh, Tòa án nhân dân TP HCM đã quyết định công nhận việc thuận tình ly hôn, hủy phần giải quyết về tài sản, giao hồ sơ cho TAND quận Tân Bình xét xử lại. Vụ việc tranh chấp kéo dài đến tận năm 2013 mới có hồi kết sau khi cơ quan quản lý thẩm tra lại và ra quyết định đại gia này được nhận lại căn nhà.
Tại phiên tòa ngày 18.5.2016, ông Lê Ân trình bày 4 năm sau khi ly dị bà Lan, năm 1988 ông mua của bà Nguyễn Thị Khâm, khu nhà 929 đường Tự Cường, Phường 4, Quận Tân Bình, nằm chung vách phía sau căn nhà 408 đường CMT8.
Trong lúc ông Lê Ân đi tù vì liên quan đến vụ án ngân hàng VCSB, bà Lan đã đục tường, thông căn nhà 408 đường CMT8 và căn nhà 929 đường Tự Cường thành một.
Ông Lê Ân cũng trưng tại tòa hai bản chính bản vẽ sơ đồ nhà và ‘tố’ phía con trai đã cạo sửa, giả mạo giấy tờ, mang lên UBND Quận Tân Bình, đăng ký chủ quyền.
Đại diện UBND quận Tân Bình tại phiên tòa, ông Phạm Phú Dũng (phó Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Tân Bình) cho rằng, UBND quận ra Quyết định 32 hủy bỏ Giấy chứng nhận cấp cho bà Lan là đúng, bởi khi cấp Giấy chứng nhận cho bà Lan, quận đã không biết ông Lê Ân đang thụ án tù nên không có tranh chấp.
Mặc khác, khi đi xác minh thực tế thì bà Lan cũng đang cư ngụ tại căn nhà, quận cũng đã đăng báo 3 kỳ. “Việc quận cấp Giấy chứng nhận cho bà Lan, cũng như lúc cấp giấy nhập hai căn nhà là một là do bà Lan yêu cầu. Quận xác minh thấy bà Lan có ở tại đây, cũng như không tranh chấp” – Ông Dũng trình bày tại tòa.
Ông Lê Ân cho biết sẽ chia gia tài cho các con để sau này khỏi kiện tụng nhau và sẽ mời báo chí đến chứng kiến việc chia gia tài.
Ông Lê Ân là Chủ tịch đơn vị sở hữu Khu du lịch Chí Linh và Công ty Lê Hoàng tại Vũng Tàu. 4 năm trước, vị đại gia 74 tuổi này gây xôn xao dư luận khi cưới cô vợ mới 20 tuổi. Trước đó, ông Ân chia tay vợ thứ 4 khi cô ở tuổi 25.