Theo nguồn tin của Nhadautu.vn, CTCP Giáo dục Quốc tế Việt Úc – đơn vị chủ quản của hệ thống trường Quốc tế Việt Úc (VAS) ngày 9/7/2020 vừa qua đã thay đổi vị trí Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật từ bà Lê Thị Duyên Hà (SN 1975) sang ông Chung Huy Ngo (SN 1971, quốc tịch Úc).
Bà Duyên Hà là người đã gắn bó với Việt Úc từ những ngày đầu và động thái chuyển giao vị trí lãnh đạo cấp cao này diễn ra trong bối cảnh VAS và phụ huynh của hơn 40 học sinh của trường này đang không tìm được đồng thuận sau nhiều lần đối thoại về chính sách thu học phí trong những ngày nghỉ chống Covid-19.
Năm học cũ chưa kết thúc nhưng nhiều phụ huynh có con học tại trường Quốc tế Việt Úc đã nhận được thư thông báo "không thể tiếp tục tiếp nhận" vào năm sau. |
Được biết, VAS là hệ thống trường ngoài công lập với 7 cơ sở dạy từ mầm non, tiểu học đến THPT, tổng số học sinh khoảng 9.000. Học phí các cấp ở trường này dao động 200-500 triệu đồng mỗi năm. Như vậy, phụ huynh sẽ phải đóng cả trăm triệu đồng dù đang cho con nghỉ học tránh dịch theo chính sách mà VAS đưa ra.
Trong buổi họp báo về tranh cãi học phí ở các trường quốc tế trong đợt nghỉ dịch tại TP.HCM vào cuối tháng 5/2020, đại diện Sở GD&ĐT TP.HCM cho hay, các trường ngoài công lập hoạt động theo Nghị định 86 của Chính phủ được tự quyết định mức thu. Khi phát sinh những vấn đề khác, hai bên giải quyết trên tinh thần thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được, hai bên có thể nhờ đến tòa án, phụ huynh có quyền không sử dụng dịch vụ hoặc trường từ chối cung cấp dịch vụ.
Tuy vậy, sau nhiều lần thương thảo bất thành, đến đầu tháng 7, hơn 40 phụ huynh bất ngờ nhận được thông báo về việc VAS sẽ không tiếp nhận con em họ từ năm học 2020-2021.
Theo VAS, ngay từ đầu, trường đã cầu thị lắng nghe phụ huynh, chỉ thu học phí ở mức 30% trong thời gian nghỉ chống dịch. Một số người vẫn yêu cầu VAS điều chỉnh nhưng trường không thể tiếp tục đáp ứng. Hai bên sau đó có thảo luận, trao đổi nhưng không thống nhất giải pháp. Việc không tìm được tiếng nói chung trong một thời gian dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường dạy học. Hành vi và ứng xử của nhóm phụ huynh này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến những nỗ lực của VAS.
Còn về phía phụ huynh học sinh, được biết, ngày 9/7, Tòa án Nhân dân Quận 10 đã nhận được đơn kiện nhà trường của nhóm phụ huynh này. Lưu ý rằng, cùng ngày, VAS cũng đã bất ngờ thay đổi Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật như đã đề cập ở trên.
Ngoài ra, các phụ huynh cũng đã ký đơn kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND TP.HCM, Sở Giáo dục và Đào tạo xem xét giải quyết vấn đề.
Trước mâu thuẫn trên, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức khẳng định sẽ bảo vệ quyền lợi học sinh trường Việt Úc. Ông cũng cho rằng, hai bên cần chia sẻ khó khăn với nhau, bởi tất cả đều có thiệt hại do Covid-19, do vậy, giải pháp đối thoại, thương lượng để tìm được tiếng nói chung là tốt nhất.
Chưa rõ căng thẳng giữa phụ huynh và nhà trường bao giờ mới đi đến hồi kết, song chắc chắn hệ lụy mà nó gây ra sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý cũng như quá trình học tập của các em học sinh tại đây. Biết rằng, sứ mệnh để có thể phát triển bền vững mà VAS đặt lên hàng đầu chính là “liên tục xây dựng mối giao tiếp thường xuyên và quan hệ gắn kết với phụ huynh”.
Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, CTCP Giáo dục Quốc tế Việt Úc (viết tắt Công ty Việt Úc) được thành lập vào tháng 2/2010, hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, trụ sở đặt tại số 594 Ba Tháng Hai, phường 14, quận 10, TP.HCM.
Tại ngày 5/7/2016, vốn điều lệ của Công ty Việt Úc ở mức 13,17 tỷ đồng, trong đó, vốn nước ngoài chiếm tỷ lệ 48,9%, thành phần cổ đông như sau: Công ty Vas Holdings Limited (0,99%), Công ty Napleton Investments LTD (17%) và Công ty Yellow Star Investment (30,98%). Đến tháng 11/2019, cổ đông lớn nhất của Việt Úc lúc này là công ty đến từ Singapore – TPG ASIA VISF PTE.LTD, nắm giữ 77,59%.