Truyền bá chuyện vong báo oán, chùa Ba Vàng mỗi năm thu trăm tỉ
Muốn thoát nạn thì buộc phải “trả nợ” cho vong từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng thông qua hình thức công đức vào nhà chùa. Hoạt động này đã công khai diễn ra từ nhiều năm nay tại chùa Ba Vàng (Uông Bí, Quảng Ninh) - một cơ sở thờ tự lớn và rất nổi tiếng ở phía Bắc.
Theo nhóm PV/Báo Lao Động
Đến chùa để... thỉnh vong
Ngày mồng 8 âm lịch hàng tháng thường là ngày bận rộn nhất tại chùa Ba Vàng. Không chỉ diễn ra khóa tu “Bát quan trai giới”, mồng 8 cũng là ngày nhà chùa tổ chức thỉnh vong giải nghiệp cho những người có nhu cầu.
Đã thành lịch cố định, cứ mỗi tháng 3 đợt, mỗi đợt 2 ngày, tại chùa Ba Vàng sẽ diễn lễ thỉnh vong giải nghiệp thu hút hàng ngàn người tham dự/đợt. 3h sáng hôm ấy, 6 chiếc xe khách khổ lớn mang theo hơn 200 con người thuộc một hội nhóm có tên Trúc Thanh rời Hà Nội, theo Quốc lộ 18A tiến về Quảng Ninh.
Trên suốt hành trình, có những người dắt díu theo con nhỏ, có những người lưng còng tóc bạc, nhưng gần như không ai có thể rời mắt khỏi một màn hình lớn gắn trên trần xe.
Ảnh chụp màn hình đoạn clip bà Yến giải thích nguyên nhân vụ thảm án.
Trong đoạn clip được dàn dựng công phu, bà Phạm Thị Yến (SN 1970) ngồi trên ghế cao, giọng đều đều nhưng diễn cảm, đang giải thích cho những người phía dưới về nguyên nhân của nhiều sự vật hiện tượng dưới góc nhìn tâm linh, trong đó có cả vụ thảm án đau lòng nữ sinh giao gà tại Điện Biên, gây rúng động dư luận gần đây.
Bà này nói: “... Cho nên nguyên nhân chính không phải là nguyên nhân đi ship hàng mà khiến bị hiếp như vậy. Mà nguyên nhân chính phải do các ác nghiệp của bạn ấy trong tiền kiếp…
Bạn ấy trong tiền kiếp có 2 loại tội, tội thứ nhất là sát hại chúng sinh dã man, tội thứ 2 là về mặt thân thể trinh tiết của người khác bạn ấy xâm phạm. Nên bạn ấy bị quả báo”.
Ngồi chờ vào phòng thỉnh vong tại chùa Ba Vàng.
7h15, đoàn xe chầm chậm tiến vào bãi đậu. Trong khuôn viên khổng lồ giữa chừng núi, cả 7 bãi đậu xe đã chật kín. Hàng vạn người vội vã tràn vào khoảng sân chính qua các lối đi được bố trí xung quanh.
Nhưng rất nhiều người đã không vào chính điện, mà di chuyển thành dòng về phía một khu nhà rộng tách biệt còn đang thi công dang dở. Trên sảnh khu nhà có một tấm biển nhỏ nền vàng chữ đỏ: Nơi thỉnh giải nghiệp.
Từ nhiều năm nay, khách đến nơi này dù muốn hay không, đều được khuyến khích tìm hiểu về “nghiệp”, “tiền kiếp”, “vong”, “thỉnh vong” hoặc “oan gia trái chủ”...
Giữa sân chùa, một mô hình cao hơn 2m được dựng lên mô phỏng trang fanpage facebook mang tên Chùa Ba Vàng với hàng ngàn “like” để mọi người có thể dễ dàng chụp ảnh check-in.
Các kênh truyền thông của chùa Ba Vàng rất chuyên nghiệp.
Trên các bàn nước được bố trí xung quanh các lối qua lại, là tập dày tờ rơi mang tên “Các kênh thông tin chính của chùa” được thiết kế chuyên nghiệp, trong đó in sẵn các địa chỉ internet mà khi truy cập vào, chủ yếu là các clip có nội dung tương tự như những gì đã phát trên chuyến xe đêm.
Thậm chí, nhiều nhân sự của chùa Ba Vàng cũng sẵn sàng “mở mang kiến thức” cho du khách bằng gợi ý tận tình: Vào trang fanpage Chùa Ba Vàng chưa? Theo dõi trang facebook của cô Phạm Thị Yến chưa? Kết bạn Zalo với cô Yến chưa?...
Ngoài ra, để tăng thêm sức ảnh hưởng, nhà chùa cũng phát hành rồi cung cấp miễn phí nhiều tựa sách mà trong đó nhấn mạnh vai trò của bà Yến cùng những quan niệm về vong hồn, ma quỷ của bà này.
Vong cứ lên là… đòi tiền
8h30 sáng tại khu nhà chưa hoàn thiện, cả ngàn người vẫn đang miệt mài chờ đợi. Người thì nằm ngồi vật vạ, kẻ thì túm năm tụm ba thì thào những câu chuyện ma mị.
Chiếc máy bấm số thứ tự đã nhả quá số 300 nhưng vẫn còn 2 hàng rất dài nữa chưa đến lượt. Trong khi đó, dòng người từ các bãi đậu xe vẫn không ngừng kéo tới. Ai cũng muốn có mặt trước khi thời điểm phát số kết thúc, lúc 9h.
Chiếc máy bấm số của nhà chùa và số thứ tự 888 của một người đến thỉnh.
Thông thường, để đến được căn phòng cuối – nơi các oán hồn được thỉnh lên để "nói chuyện phải quấy", thì người đi thỉnh buộc phải trải qua cả chục khâu bước ngặt nghèo.
Đầu tiên, trong phòng chờ, người thỉnh phải xem đi xem lại cả chục lần những clip có nội dung truyền bá về oán hồn. Sau đó phải đặt bút ký hàng loạt cam kết, bị khám kỹ càng, bị yêu cầu phải bỏ lại toàn bộ thiết bị điện tử có khả năng ghi âm, ghi hình ra ngoài khu vực thỉnh vong.
Ngoài ra, người thỉnh cũng buộc phải đọc kinh nhiều lần, phải cung cấp CMND bản gốc để thể hiện sự thành tâm chân thực nhất... Nhiều cảnh cáo đã được phát: "Chỉ một gợn không thành tâm thì chẳng đời nào vong lên”.
“Vong” nhập vào một nhân sự của nhà chùa rồi phán về kiếp trước rồi sau đó đòi tiền để hóa giải.
Ở một lối ra nhỏ, đã lác đác có những người thỉnh xong. Qua trao đổi, phóng viên liên tục nghe kể lại những câu chuyện dị thường.
Một người phụ nữ bị đau xương khớp, đi thỉnh thì được báo là do 4 kiếp trước hay giết mèo nên kiếp này bị vong mèo theo báo oán cho đau nhức toàn thân. Muốn khỏi thì phải tu tập ít nhất 49 ngày kèm công đức 3 triệu đồng.
Một người phụ nữ khác kinh doanh ế ẩm đi thỉnh thì được biết do 36 kiếp trước tạo ác nghiệp nên kiếp này vong phá không cho làm, muốn yên ổn thì phải cúng dường (công đức) 6,8 triệu đồng.
Hai mẹ con người Bắc Ninh vừa ra khỏi phòng thỉnh vong.
Ngồi trên chiếc ghế băng kế bên, 2 mẹ con đến từ Bắc Ninh thì lại khá trầm tư. Họ kể rằng bà mẹ bị ung thư vú, nghe mách ở chùa Ba Vàng có phép thỉnh vong có thể chữa trị được nên vào mạng tìm hiểu.
Theo tài liệu hướng dẫn, người mẹ đã tự tu trước ở nhà 7 ngày còn cô con gái thì không. Đến ngày, 2 người đến từ rất sớm, lấy 2 số khác nhau và cùng đăng kí thỉnh vong để hóa giải bệnh tật cho người mẹ. Nhưng kết quả vốn được nói trong 2 phòng kín tách biệt nhau, lại không trùng khớp.
Với cô con gái, vong ngất ngư kể 96 kiếp trước là dân đen, còn bà mẹ cô là quan chuyên ức hiếp, khép tội oan nên kiếp này theo báo oán. Muốn hóa giải phải cúng dường 11,2 triệu đồng.
Nhưng với bà mẹ, vong lại nhận mình là của cô em gái ruột từ 42 kiếp trước. Do bà mẹ không chăm sóc em gái, lại làm nhiều việc ác như cướp đất nên kiếp này, vong về oán cho phải bệnh. Muốn khỏi, phải đóng vào chùa 7,1 triệu đồng.
Trước sự lệch lạc thông tin như vậy, trong khi cô con gái còn lưỡng lự thì bà mẹ vội xua đi: “Phải tin chứ. Mỗi người có phải chỉ một oán hồn theo đâu. Bao nhiêu kiếp trước mình làm điều ác bị tích vào nên giờ mới phát bệnh như vậy…”. Rồi bà cho biết, sẽ trả nợ cho vong để... giải trừ bệnh tật.
Clip: Tận thấy những chuyện hoang đường quanh dịch vụ gọi vong ở chùa Ba Vàng.
Theo thống kê sơ bộ, mỗi tháng, "dịch vụ" thỉnh vong giải nghiệp tại chùa Ba Vàng thu hút từ 4 - 5.000 người tham dự. Do mỗi lần chỉ được trình bày đúng 1 vấn đề nên không ít người chọn phương án đi lại nhiều lần.
Thực tế ghi nhận, lượng người bị vong "đòi nợ" ít hơn 5 triệu đồng là không nhiều trong khi những người bị đòi từ 7 đến 15 triệu đồng lại khá phổ biến. Đáng chú ý, phần đa đều tỏ thái độ sẵn sàng trả tiền chỉ mong được yên ổn. Bản thân 4 PV của Báo Lao Động, trong quá trình nhập vai cũng bị vong "vòi" tổng cộng 26,5 triệu đồng.
Trên con đường làm phước cho chúng sinh, những đôi chân trần của tăng, ni, phật tử chùa Ba Vàng luôn nhẫn chịu giá rét hành hạnh độc cư làm bạn với sương gió,...
Miệt mài trên con đường làm phước cho chúng sinh, những đôi chân trần của tăng, ni, phật tử chùa Ba Vàng luôn nhẫn chịu giá rét hành hạnh độc cư làm bạn với sương gió, cỏ cây, sống cuộc đời tĩnh giác, an vui với hạnh pháp tu hành.
Một buổi giảng pháp tại đại điện chùa Ba Vàng.
Vào rừng thiền tu
Không phải ngẫu nhiên mà chùa Ba Vàng, TP Uông Bí (Quảng Ninh) được nhiều người biết đến và dành nhiều sự quan tâm, lòng kính tín. Bởi nơi đây, ngoài cảnh trí trang nghiêm, hữu tình, còn có chư tăng, ni, phật tử đang hằng ngày nghiêm túc tu hành theo lời Phật dạy.
Toạ lạc trên lưng chừng núi Thành Đẳng, chùa còn có tên gọi là Bảo Quang tự, tên dân gian thường gọi là Ba Vàng. Chùa nằm ở một vị trí đắc địa trên độ cao 340m phía tây thành phố Uông Bí. Trước mặt là Bạch Đằng giang uốn lượn bên bạt ngàn đảo đá vịnh Hạ Long hùng vĩ. Bên trái là dãy núi Thanh Long trùng điệp chầu về, bên phải là dãy núi Bạch Hổ uy nghi phục xuống.
Hằng năm, chư tăng trong chùa sẽ chia làm 2 nhóm, một nhóm chuyên chính lo việc nhà chùa, nhóm còn lại sẽ vào rừng mật thực hành pháp không kể ngày đêm. Sống cuộc sống cách biệt, chỉ làm bạn với cỏ cây, chuyên tâm tu hành.
Những chư tăng vào rừng, mỗi ngày chỉ ăn cơm một bữa, phải nhẫn chịu giá rét, gió sương, sống cuộc đời tỉnh giác, an vui với sự thực hành giáo pháp. Không kể ngày đêm, những đôi chân trần luôn mang một niềm tin hạnh pháp cứu độ chúng sinh. Đêm xuống, gốc cây là giường, cỏ cây là chiếu, côn trùng là bạn, rèn luyện tâm tịnh đạt độ thiền không.
Mỗi đợt tu tập có khi kéo dài đến vài tháng, luôn luân phiên nhau giữa hai nhóm dưới sự chỉ dạy của sư thầy. Bước chân vào rừng cũng đồng nghĩa là bước chân sang một thế giới khác. “Hiện chùa Ba Vàng có hơn 100 chư tăng, luân phiên nhau vào rừng mật thực hành pháp. Ba Vàng luôn được coi là ngôi chùa nghiêm túc tu hành theo lời Phật dạy” - Sư thầy Thích Trúc Bảo Tiến, chùa Ba Vàng cho biết.
Ngôi chùa “free”
Chùa Ba Vàng là sơn môn thuộc Trúc Lâm Yên Tử. Ngôi chùa Ba Vàng khang trang, có chính điện tráng lệ và gắn liền với nhiều câu chuyện kỳ lạ, khá huyền bí mang cả yếu tố tâm linh. Chùa có nét đặc trưng của các ngôi chùa Bắc bộ, gồm 3 gian bái đường, 1 gian hậu cung, gồm có các ban thờ Phật, thờ Mẫu và Đức Ông. Toà “Đại hùng bảo điện” (chùa chính) có quy mô nhất với kiến trúc 2 tầng.
Chùa Ba Vàng có nơi thờ Tam bảo và trống độc mộc được công nhận là lớn nhất Việt Nam. Hệ thống tượng pháp trong chùa làm bằng gỗ cũng có kích thước lớn như tượng Tam thế, Quan Âm, ông Thiện, ông Ác… đều cao từ trên 2m trở lên. Trong đó, pho tượng A Di Đà là một trong những tượng Phật bằng gỗ vào loại lớn nhất miền Bắc.
Du khách, phật tử sẽ được đắm chìm trong khung cảnh nên thơ, trữ tình mà vẫn cảm nhận được không khí linh thiêng của chốn đạo thiền nhà Phật. Đây không chỉ là nơi để tu tập cho những người đến để học Phật, hiểu Phật và tu Phật, chùa Ba Vàng còn hội đủ các yếu tố của một điểm du lịch sinh thái, văn hoá -lịch sử và là điểm đến của tăng, ni, phật tử, khách thập phương trong và ngoài nước.
Điều đặc biệt ở ngôi chùa này là tất cả mọi thứ đều “Free” (miễn phí). Chùa Ba Vàng xây dựng những bãi đỗ xe miễn phí cho du khách, xung quanh chùa không xuất hiện những hàng quán, nháo nhác mời chào, chèo kéo du khách như một số địa điểm du lịch tâm linh khác.
Dọc theo hành lang từ cổng chính đi vào, những bình nước uống được đặt ngay ngắn cạnh lối đi cho du khách và phật tử. Sau khi chiêm bái, lễ phật, du khách, phật tử đều được dùng cơm chay miễn phí của nhà chùa với đủ các “món ngon, vật lạ”.
Trong chùa còn có một giếng cổ nước không bao giờ cạn. Tương truyền, ai mà uống được nước lấy từ giếng sẽ khỏe mạnh và khỏi bách bệnh. Bởi vậy, nhiều phật tử, du khách thập phương tới đây đều muốn được uống nước lấy từ giếng lên. Cạnh giếng, nhà chùa để hẳn 1 bàn thưởng trà có người phục vụ rót nước giếng thần cho du khách thập phương.
“Hiện nhà chùa có 3 chiếc ô tô, chuyên dùng để đưa đón miễn phí du khách phật tử từ ngoài đường lớn vào chiêm bái cảnh chùa. Thỉnh thoảng nhà chùa cũng dùng xe này để đi làm lễ cho những gia đình phật tử ở xa không có điều kiện đưa đón các sư thầy” - Sư thầy Thích Trúc Bảo Tiến chia sẻ.
“Mỗi khóa tu trong rừng sẽ giúp cho chư tăng vững chắc được tri kiến, tăng trưởng được niềm tin vào phật pháp, càng lớn mạnh thêm tâm bồ đề, vững bước trên con đường tu tập như chí nguyện xuất trần của mình”
Đại Đức Thích Trúc Thái Minh, Trụ trì chùa Ba Vàng
TNGT ở chùa Ba Vàng: Xử lý ngay khúc cua cổng chùa
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh yêu cầu ngành GTVT cần kiểm tra, xử lý ngay khu vực xảy ra vụ tai nạn giao thông ở chùa Ba Vàng, Quảng Ninh.
Nhận thông tin vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại Quảng Ninh khiến 29 người thương vong khi vừa đi lễ xuân ở chùa Ba Vàng (TP. Uông Bí) về, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc cùng lãnh đạo TP. Uông Bí và các cơ quan chức năng đã khẩn trương có mặt tại hiện trường, trực tiếp chỉ đạo công tác cấp cứu và thăm hỏi các nạn nhân bị thương; đồng thời chỉ đạo điều tra làm rõ nguyên nhân vụtai nạn.