Truyền thuyết nhiệm màu về Dinh Cô trứ danh Vũng Tàu
Mặc dù cách giải thích có khác nhau, nhưng hai truyền thuyết đều có điểm chung: Cô là trinh nữ, chết oan khuất, có mồ mả, địa điểm được xác định khá rõ ràng, được nhân dân thờ phụng vì sự hiển linh.
Quốc Lê
Xem toàn bộ ảnh
Nằm bên bờ biển của thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Dinh Cô là một địa điểm tâm linh tiếng linh thiêng của khu vực Đông Nam Bộ.
Theo các tư liệu lịch sử, ban đầu Dinh chỉ là một ngôi miếu nhỏ đơn sơ, được lập ra vào cuối thế kỷ 18 để thờ một cô gái trẻ tên là Lê Thị Hồng Thủy, dân gian gọi là Cô. Theo thời gian, miếu mở rộng thành dinh, ngày càng trở nên bề thế.
Có hai truyền thuyết giải thích khác nhau về Cô. Truyền thuyết thứ nhất kể rằng, Cô là con gái duy nhất của ông Lê Văn Khương và bà Thạch Thị Hà, quê Phan Rang (hoặc Bình Thuận, theo một dị bản), thường theo cha vào vùng Bà Rịa và Gò Công buôn bán.
Cô rất yêu cảnh mến người và không muốn rời xa vùng đất phương Nam. Trong một lần vào Nam buôn bán, khi thuyền còn neo đậu tại vũng Mù U (Long Hải), Cô không muốn rời khỏi đất này nên đã xin cha ở lại nơi đây sinh sống lâu dài.
Nhưng người cha kiên quyết không bằng lòng, buộc cô gái 16 tuổi phải trở về quê hương cùng ông. Khi thuyền nhổ neo rời bến khá xa, nhìn lại trong thuyền không thấy cô, người cha quay lại cất công tìm kiếm ba ngày liền nhưng không thấy. Ông buồn bã quay về quê nhà.
Vài hôm sau, xác Cô trôi dạt vào Hòn Hang. Một cụ già ở làng Phước Hải phát hiện. Ngư dân Phước Hải chôn cất Cô trên đồi cát gần nơi tìm thấy xác Cô (đó là mộ Cô bây giờ).
Sau một thời gian, vùng này có dịch bệnh, rất nhiều người bị đau và chết. Trong khi dịch bệnh đang hoành hành, có người nằm mơ thấy Cô báo sẽ giúp dân làng qua khỏi dịch khí. Dân làng đã thắp hương cầu khấn, quả nhiên dịch bệnh qua đi.
Sau sự việc ấy, có người đã xin bà con xây miếu thờ phụng, hy vọng Cô sẽ độ trì dân làng làm ăn phát đạt, cuộc sống an lành... Từ đó Cô càng hiển linh. Hàng năm, dân làng tổ chức cúng Cô.
Theo truyền thuyết thứ hai thì Cô là liên lạc viên của nghĩa quân Tây Sơn thường qua lại vùng Long Điền. Một phiên bản khác của truyền thuyết thì kể Cô là con một viên chỉ huy nghĩa quân Tây Sơn.
Cô đã bị quân nhà Nguyễn giết chết trong cuộc cuộc đụng độ. Sau này, để tưởng nhớ một người con gái hiển linh, chết vì đạo nghĩa, nhân dân đã lập miếu thờ.
Mặc dù cách giải thích có khác nhau, nhưng hai truyền thuyết đều có điểm chung: Cô là trinh nữ, chết oan khuất, có mồ mả, địa điểm được xác định khá rõ ràng, được nhân dân thờ phụng vì sự hiển linh.
Hàng năm, vào ngày 10, 11 và 12 tháng 2 Âm lịch, người dân Long Hải mở lễ hội Nghinh Cô (còn gọi là vía Cô) long trọng theo nghi thức cổ truyền, để cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa... (Bài có sử dụng tư liệu của Cổng Thông tin điện tử huyện Long Điền).
Mời quý độc giả xem video: Bình Thuận - Điểm Dừng Chân Cho Những Phượt Thủ | VTV Review.