Theo các chuyên gia phương tây, Không quân Israel đã có kinh nghiệm hoạt động chống tổ hợp phòng không S-300P từ các cuộc tập trận RED FLAG trên đất Mỹ.
Trên thực tế, trong đầu những năm 1990 sau khi Liên Xô tan rã, Mỹ đã bí mật mua một tổ hợp S-300P từ Belarus và một S-300V từ Nga. Ngoài ra, Mỹ cũng đã có kinh nghiệm vận hành, nghiên cứu radar trinh sát ST-86/36D6 thuộc hệ thống S-300 do hãng Iskra (Ukraine) sản xuất.
Ảnh vệ tinh chụp sơ đồ bố trí hệ thống S-300P của Mỹ tại căn cứ Tolicha Peak, bang Nevada. |
Các tổ hợp tên lửa phòng không S-300 của Mỹ đặt tại trường bắn Tolicha Peak, Nevada. Cơ sở này được quân đội Mỹ sử dụng để đánh giá các hệ thống phòng không của Nga cũng như sử dụng để huấn luyện phi công theo chương trình RED FLAG.
Căn cứ Tolicha Peak nằm gần các căn cứ không quân thử nghiệm của Mỹ như căn cứ Creech (không đoàn viễn chinh 432 vận hành MQ-1B PREDATOR, MQ-9 REAPER và RQ-170 Sentinel), căn cứ Nellis (không đoàn thử nghiệm số 53 vận hành B-2, F-22A, MQ-9, RQ-4, và U-2). Như vậy, không khó để nhận ra Mỹ sử dụng S-300 để đối đầu mô phỏng với các máy bay, UAV của mình. Điều đương nhiên là một đồng minh thân cận như Israel cũng có cơ hội để nâng cao khả năng tác chiến của phi công, khí tài trên chiến trường bầu trời Trung Đông ác liệt.
Hệ thống S-300P của Mỹ ở đây có bệ phóng 5P85S và 5P85D, radar hỏa lực 5N63S, radar trinh sát bắt thấp gồm cả 76N6 lẫn 36D6 nhưng không có radar nhìn vòng tầm xa 64N6E. Như vậy, có thể đây là một hệ thống S-300PS hoàn chỉnh.
Dựa trên hình ảnh vệ tinh có được, tổ hợp S-300P của Mỹ gồm xe phóng đi động phụ 5P85D (phân biệt với xe phóng chính 5P85S nhờ một container thiết bị lớn phía sau cabin; ở xe bệ phóng 5P85D khu vực này để trống và được dùng chứa dây cáp hay lốp dự phòng)
Radar bắt thấp ST-86U/36D6 Tin Shield. Việc sở hữu cả hai radar bắt thấp 76N6 lẫn 36D6 cho thấy Mỹ cực kỳ quan tâm, muốn tìm hiệu tới năng lực phát hiện, theo dõi và tiêu diệt mục tiêu bay ở độ cao thấp của tổ hợp S-300.
Ngoài S-300, trường bắn Tolicha Peak có thể coi như một kho tàng “tư liệu” về các hệ thống TLPK khác của LX/Nga khi sở hữu cả những thành phần của S-125 Pechora, S-200 Vega. Điều này lý giải vì sao Không quân Israel lại có thành tích đối đầu rất tốt trước các hệ thống phòng không này của Syria hay Iran.
Người Mỹ sốc nặng trước năng lực của tổ hợp S-300
Sau khi Liên Xô sụp đổ, Mỹ đã mua được từ Belarus một dàn S-300P hoàn chỉnh và bắt tay vào mổ xẻ. Họ đã thực sự kinh ngạc trước những tính năng tuyệt vời của nó. Được đặt trên khung xe cơ sở MAZ-7910 với 8 bánh kép chủ động, tổ hợp này có khả năng việt dã rất cao. Bốn quả tên lửa 48N6 được đặt trong 4 ống phóng kiêm ống bảo quản, khi vào vị trí chiến đấu được dựng thẳng đứng (mất 5 phút chuẩn bị) đã tạo nên thời gian phản ứng rất nhanh trước các mục tiêu. Mỹ thì thật sự bị sốc khi biết radar 76N6 Clam Shell có thể bắt được mục tiêu có diện tích phản xạ chỉ 0,02m vuông, trong khi khả năng ấy ở PAC-2 là 0,1 m vuông. Mỹ đã ứng dụng những gì họ "học" được của người Nga khi mổ xẻ S-300P vào phiên bản PAC-3.
Radar bắt thấp 76N6 Clam Shell của tổ hợp S-300 triển khai trên tháp nâng 40V6 |
"Biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng", với việc sở hữu S-300, rõ ràng Mỹ đã "mổ xẻ" chi tiết S-300, xác định công dụng và khai thác các điểm yếu nhằm giúp Mỹ và đồng minh hiểu rõ hơn mối đe dọa tiềm tàng. Trên cơ sở mổ xẻ hệ thống S-300 mà Ukraine cung cấp, phương Tây có thể tìm ra điểm yếu và vô hiệu hóa mạng lưới phòng không mà Nga đang triển khai tại Syria. Quân đội Mỹ và Israel có cũng có thể sử dụng S-300 mua được để tạo ra mối nguy hiểm thực tế giúp phi công không quân học cách đối đầu. khi xung đột nổ ra, cho phép họ chế áp, phá hủy hệ thống phòng không đối phương.
Với việc được huấn luyện giao chiến với S-300 tại căn cứ Mỹ, Không quân Israel hoàn toàn có thể tự tin đối đầu với S-300 mà Nga chuyển giao cho Syria. Tuy nhiên cũng đừng quên rằng, chính Tel Aviv đã phải yêu cầu Nga đừng chuyển S-300 cho Syria hiện nay và Iran trước đây, điều này cho thấy chiến đấu cơ Israel vẫn chưa thực sự nắm được phần thắng trong một cuộc đối đầu với S-300 nhất là với các biến thể mới nhất như S-300PMU2 mà Syria đang nắm giữ.
Mời độc giả xem video: Tổ hợp tên lửa phòng không S-300 và S-400 của Quân đội Nga trong tập trận không quân. (nguồn Odo Puiu Events)