Thượng tọa Thích Quang Thạnh trao đổi với người dân tại chùa Kỳ Quang 2 |
Niềm tin tâm linh
Theo TS. Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Giáo dục, người Việt từ ngàn năm nay ở mỗi vùng miền có quy định riêng về tang chế. Đồng bằng Bắc bộ thường chọn địa táng, hung táng sau đó cải táng. Một số Phật tử theo nhà Phật chọn hỏa táng. Phương án hỏa táng ngày càng phổ biến, được Chính phủ khuyến khích như hình thức an táng văn minh. Tro cốt sau hỏa táng có thể địa táng trở lại.
“Nhiều người chọn cách gửi phần tro cốt còn lại vào chùa để lưu giữ như di vật của người quá cố. Nhà chùa thường có khu tháp cốt với nhiều ngăn đặt các bình tro cốt để bảo quản. Đây là thông lệ từ nhiều năm nay, chỉ có điều không phải chùa nào cũng nhận tro cốt. Ở phương Nam, chuyện gửi tro cốt lên chùa phổ biến hơn phía Bắc”, TS Vịnh
cho hay.
Một số ý kiến cho rằng nhà chùa giữ tro cốt là không nên, sẽ biến chùa thành nghĩa trang? “Chuyện lưu giữ tro cốt, di hài có từ hàng nghìn năm, cứ nhìn lăng mộ Ai Cập, lăng tẩm của các bậc đế vương thì rõ. Những người theo Ấn Độ giáo, Phật giáo sau khi hỏa táng thậm chí người ta không cần giữ lại tro cốt, mà thả luôn xuống sông Hằng. Còn chuyện gửi tro cốt lên chùa là việc hết sức bình thường. Người phương Đông quan niệm chết chưa phải là hết. Gửi tro cốt lên chùa để hương linh hằng ngày nghe kinh kệ, để được phổ độ. Nhà Phật phổ độ chúng sinh cả người sống lẫn người đã khuất”, TS. Vịnh phân tích.
Đồng quan điểm, TS. Bùi Hữu Dược, Nguyên Vụ trưởng Vụ Phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ nói việc đặt bình tro cốt trong chùa hay gửi hương linh vào thờ trong chùa là phong tục lâu đời của người Việt theo Phật giáo.
“Việc làm này thể hiện di nguyện của người đã mất là tro cốt, hương linh được gửi vào chùa để về bên Phật, về với cõi niết bàn; hoặc thể hiện lòng hiếu kính của người còn sống, mong muốn người đã mất được siêu sinh tịnh độ với quan niệm và cầu mong âm siêu dương thái. Thiển nghĩ đã là phong tục thì mỗi người nên tôn trọng niềm tin tâm linh với người đã mất và trân trọng tình cảm của người còn sống đối với di cốt, hương linh của người thân được gửi ở chùa”, TS Dược nói.
Di ảnh được sắp xếp để thân nhân nhận diện. Ảnh: Ngô Bình |
Ứng xử ra sao?
Hỏa táng thay thế dần địa táng, việc gửi tro cốt và hương linh lên chùa theo đánh giá của TS. Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam mang lại nhiều lợi ích cho cả người thân và nhà chùa. Bởi đối với người thân, họ có nơi yên tâm để gửi vong linh và có thể thường xuyên đến lễ chùa xem như vừa đi lễ chùa, vừa thăm viếng tổ tiên. Đối với các nhà chùa, đây là dịp để gắn kết với các gia đình, thể hiện sự quan tâm đến chúng sinh, cũng là có thêm người chăm lo cho hoạt động của nhà chùa.
“Hai bên đến với nhau bằng sự tự nguyện, theo thói quen truyền thống mà không có quy định ràng buộc nghĩa vụ nào, vì vậy, nếu như có sự việc nào xảy ra như trường hợp chùa Kỳ Quang 2, thì cách giải quyết sẽ rất khó khăn. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta cần từ bỏ thói quen gửi tro cốt, linh ảnh lên chùa, mà chỉ là cần hiểu bản chất của sự việc, từ cả hai phía gia đình và nhà chùa.
Điều quan trọng nhất là phải hình thành những quy định rõ ràng, tạo điều kiện cho việc thực hiện báo hiếu đồng thời cũng thể hiện được tinh thần từ bi hỉ xả của nhà chùa đối với chúng sinh. Làm được như vậy, chúng ta sẽ tránh được sự việc đáng tiếc như ở chùa Kỳ Quang 2”, TS. Bùi Hoài Sơn nêu.
Thờ phụng tro cốt mất danh tính thế nào?
Theo TS. Nguyễn Văn Vịnh, trong lúc chờ xác nhận, các gia đình nên chăng đặt các hũ tro cốt ở một không gian chung để thờ phụng, hy vọng có thể nhận biết dần. Không thể hòa chung tro cốt để đúc tượng. Không nên dùng cái sai nọ để sửa cái sai kia.
Lấy tinh thần Phật giáo để đề xuất giải pháp, ông Bùi Hữu Dược mong mỏi các gia đình có hương linh và tro cốt người dân gửi ở chùa hãy phát tâm bồ đề và ứng xử hài hòa nhất. “Tro cốt hay hương linh của người thân đã được gửi ở chùa thời gian lâu mau chắc đã đủ, giờ người thân đã ở cõi cực lạc bên Phật, tro cốt là phần còn lại của thân tứ đại chắc cũng đến lúc mong được trở về tứ đại. Nếu suy nghĩ được như vậy thì mọi bề đều nhẹ nhàng”, TS. Bùi Hữu Dược nói.
PGS.TS. Nguyễn Hồng Dương, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo cho biết ông cũng gửi tro cốt của cha mẹ lên chùa, không có chuyện tốn nhiều tiền bởi chủ yếu là phát tâm công quả từ mỗi gia đình.
“Việc đưa tro cốt lên chùa vừa tiện cho con cháu ở gần có thể thắp hương tưởng nhớ người quá cố, không có gì sai trái cả. Người công giáo ở Việt Nam cũng thực hiện việc này. Có những nhà thờ có bức tường cao vài mét để tro cốt người đã khuất”, ông phân tích. PGS. Hồng Dương cho rằng một vài trường hợp cá biệt như chùa Kỳ Quang không phản ánh thực trạng của hàng trăm chùa cả nước. “Việc mồ mả quan trọng nhưng bà con cần bình tĩnh để các cơ quan chức năng giải quyết”, ông nói.
Ông Bùi Hữu Dược nhận định, thất lạc tro cốt là vụ việc đáng buồn ở một ngôi chùa, là lời nhắc nhở đối với những hoạt động liên quan của Phật giáo, đồng thời đặt ra vấn đề về tổ chức và quản lý những hoạt động liên quan tới phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tâm linh.
“Qua vụ việc này, điều mà nhiều người nhận ra rất rõ là niềm tin của xã hội đang có nhiều vấn đề đến mức báo động. Con người dễ mất niềm tin trước thông tin, dư luận xã hội mà không tìm hiểu và xem xét cân nhắc kỹ lưỡng”, ông Bùi Hữu Dược nói. Ông cho rằng chính sự mất niềm tin này dẫn tới việc một số người bị kích động, có những lời nói và hành động đi ngược lại tinh thần lục hòa của đạo Phật.
TS. Bùi Hoài Sơn nhắc lại quan điểm “Phật tại tâm”, tức là, việc thực hành đức tin của chúng ta phải xuất phát từ chính bên trong.
“Hành động ứng xử với tổ tiên, bố mẹ cũng nên đặt trong bối cảnh như vậy. Báo hiếu là một ứng xử rất quan trọng của con người. Đây là một nghĩa vụ đạo đức của mỗi người đối với tổ tiên, rộng ra là toàn xã hội. Dù vậy, báo hiếu không chỉ đơn thuần thể hiện với người đã khuất. Báo hiếu cần phải được thể hiện ở mọi nơi mọi lúc, với thái độ chân thành, đặc biệt khi bậc sinh thành còn sống. Chăm sóc bố mẹ khi còn sống thể hiện sự báo hiếu tốt hơn chỉ lo phần hương khói”, TS. Bùi Hoài Sơn nói.
Chùa Kỳ Quang 2 mở cửa cho thân nhân nhận diện tro cốt
Ngày 8/9, Thượng tọa Thích Quang Thạnh, người được giao tạm quyền điều hành hoạt động chùa Kỳ Quang 2 cho biết: sau cuộc họp 3 bên (Ban đại diện thân nhân thất lạc hũ cốt, nhà chùa và chính quyền) các bên đã thống nhất phương án mở niêm phong hầm cốt.
Theo Thượng toạ Thích Quang Thạnh, từ 8h ngày 9/9, chùa sẽ mở cửa hầm tro cốt và tổ chức sắp xếp cho người dân vào nhận diện di ảnh, đối chiếu để tìm hũ tro cốt của thân nhân theo nhóm. Mỗi lần sẽ có một nhóm 10 người đại diện cho 10 gia đình xuống hầm tìm kiếm. Nhóm 10 người thân xuống hầm nhận diện hũ cốt sẽ có 10 người phía chùa đi theo để hỗ trợ. Ngoài ra, sẽ có đại diện Ban Trị sự Phật giáo và cơ quan chức năng cùng xuống hầm để giám sát. Mỗi nhóm xuống hầm tro cốt sẽ có khoảng 45 phút để tìm kiếm. Sau khi được vào trong, người dân sẽ tìm di ảnh ở bàn để di ảnh đã được sắp xếp theo từng khu, sau đó sẽ đem di ảnh đến khu để hũ cốt để tìm hũ cốt gia đình dựa vào các vết tích như dáng hũ, vết sứt mẻ, vết nám tàng nhang, vết dán di ảnh…
Sau khi nhận diện xong, chùa Kỳ Quang 2 thống kê số lượng người đăng ký theo 4 nguyện vọng trong phiếu khảo sát gồm thủy táng, xét nghiệm ADN, lập bàn thời chung, đúc tất cả tro cốt thành tượng Phật và làm việc với các gia đình. Ngô Bình