Thời gian qua, một số vụ tai nạn do người điều khiển phương tiện đâm vào trụ bê tông được người dân "dựng" tại các đường liên thôn, xóm, xã... để ngăn xe ô tô có trọng tải lớn đi vào, gây hư hỏng con đường khiến dư luận tranh cãi.
Nhiều ý kiến cho rằng: Dẫu biết việc người dân dựng trụ bê tông nhằm hạn chế xe ô tô lớn đi vào với mục đích bảo vệ con đường, giảm thiểu hư hỏng.
Tuy nhiên, do đa phần các tuyến đường liên thôn, xóm, xã... đều thiếu thiết bị chiếu sáng, thế nên nhiều vụ tai nạn do người điều khiển phương tiện đâm vào trụ bê tông đã xảy ra.
Vậy việc người dân tự ý đặt trụ bê tông dẫn đến tai nạn có vi phạm các quy định pháp luật không? nếu xảy ra hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý thế nào?
Người tham gia giao thông đâm vào trụ bê tông do người dân tự ý dựng giữa đường. |
Trao đổi với PV Kiến Thức về vấn đề này, chuyên gia pháp lý Nguyễn Gia Hải phân tích: Việc người dân tự ý đổ trụ bê tông, tạo chướng ngại vật tại các đường liên thôn dù mục đích tốt là để bảo bảo vệ đường xá, chống hư hỏng đường xá thì vẫn là vi phạm pháp luật. Cụ thể hành vi này là 1 trong các trường hợp bị nghiêm cấm quy định tại khoản 2 điều 8 Luật giao thông đường bộ năm 2008:
Ông Hải viện dẫn “Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm:
2. Đào, khoan, xẻ đường trái phép; đặt, để chướng ngại vật trái phép trên đường; đặt, rải vật nhọn, đổ chất gây trơn trên đường; để trái phép vật liệu, phế thải, thải rác ra đường; mở đường, đấu nối trái phép vào đường chính; lấn, chiếm hoặc sử dụng trái phép đất của đường bộ, hành lang an toàn đường bộ; tự ý tháo mở nắp cống, tháo dỡ, di chuyển trái phép hoặc làm sai lệch công trình đường bộ.”
Về trách nhiệm trong trường hợp trụ bê gây ra tai nạn, luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Công ty TNHH Luật Đại Nam) cho biết: Nếu trụ bê tông gây ra hậu quả thì người vi phạm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi cũng như trách nhiệm dân sự về hậu quả vật chất.
Tuy nhiên, hành vi xây trụ, đặt chướng ngại vật có phải là nguyên nhân trực tiếp và duy nhất dẫn tới hậu quả đó hay không thì cơ quan chức năng sẽ điều tra xem xét tai nạn để đánh giá mức độ vi phạm và cũng như trách nhiệm.
Tại điểm a, khoản 4 nghị định 171/2013 của chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì người tự ý xây bệ, bục trái phép tạo chướng ngại vật sẽ bị xử phạt lên đến 4 triệu đồng với cá nhân và 8 triệu đồng với tổ chức. Cụ thể:
“Điều 11. Xử phạt các hành vi vi phạm khác về quy tắc giao thông đường bộ
4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Xây, đặt bục bệ trái phép trên đường phố; tự ý đập phá, tháo dỡ bó vỉa hè hoặc sửa chữa, cải tạo vỉa hè trái phép”
Không ít vụ tai nạn xảy ra do những trụ bê tông được xây tự phát. |
Ngoài ra, nếu hành vi xây bệ, bục trái phép mà gây thiệt hại lớn về sức khỏe, vật chất thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Cản trở giao thông đường bộ” theo điều 261 của BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017:
“Điều 261. Tội cản trở giao thông đường bộ
1. Người nào đào, khoan, xẻ, san lấp trái phép công trình giao thông đường bộ; đặt, để, đổ trái phép vật liệu, phế thải, rác thải, vật sắc nhọn, chất gây trơn hoặc chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ; tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá hủy biển báo hiệu, đèn tín hiệu, cọc tiêu, gương cầu, dải phân cách hoặc thiết bị an toàn giao thông đường bộ khác; mở đường giao cắt trái phép qua đường bộ, đường có dải phân cách; sử dụng trái phép lề đường, hè phố, phần đường xe chạy, hành lang an toàn đường bộ hoặc vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông khi thi công trên đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.”
Cũng theo luật sư Nguyễn Anh Tuấn, việc người dân tự ý đổ trụ bê tông, tạo chướng ngại vật là không được phép của các cơ quan quản lý. Tuy nhiên, bản chất của hành vi này lại có mục đích là nhằm ngăn chặn các vi phạm của các phương tiện giao thông gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Vì vậy, chính quyền địa phương ngoài việc tuyên truyền cho người dân hiểu việc tự ý xây dựng trụ bê tông là trái pháp luật thì cũng cần phải tăng cường công tác quản lý, có biện pháp hữu hiệu không còn tình trạng vi phạm xe quá tải quá khổ, xe đi vào đường không được phép lưu thông.
Nói về biện pháp ngăn chặn tình trạng người dân tự ý làm chướng ngại vật trên đường vào thôn, chuyên gia pháp lý Nguyễn Gia Hải cho rằng, cần phải hạn chế trọng tải trên tuyến đường giao thông liên thôn, xã bởi việc thiết kế, kinh phí đầu tư cho những tuyến đường này không lớn. Xe có trọng tải lớn lưu thông sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng, độ bền vững của công trình.
Mặt khác, các cơ quan quản lý cũng cần quy định rõ trọng tải của các loại xe được đi qua, tùy từng cấp độ con đường và nếu cần phải phân luồng giao thông, thì chỉ cắm biển hạn chế tốc độ, biển giới hạn tải trọng hoặc biển báo đường một chiều đối với các loại xe, chứ không nên xây dựng các trụ bê tông để cấm tất cả các loại xe ô tô đi qua.