Cuộc hội nghị thượng đỉnh liên Triều hồi tháng 4 giúp Tổng thống Moon Jae In nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân Hàn Quốc. Ảnh: AP. |
"Cơn đau đầu" về nền kinh tế mờ nhạt
Hàn Quốc đang chia rẽ về cuộc hội nghị thượng đỉnh tại Bình Nhưỡng, nhiều người không tin Tổng thống Moon có thể giúp phá thế bế tắc hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên, theo một khảo sát được thực hiện hồi đầu tháng 9.
Thái độ bi quan này trái ngược hoàn toàn với làn sóng ủng hộ áp đảo dành cho ông Moon sau hội nghị thượng hồi tháng 4. Công chúng xúc động và bàn luận không ngừng về cái bắt tay lịch sử, bước chân của hai lãnh đạo qua biên giới hai nước và những cuộc trò chuyện thân tình sau nhiều năm dài căng thẳng.
"Người Hàn Quốc đã bắt đầu hiểu rằng Triều Tiên sẽ không dễ dàng từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của họ, điều mà các chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo", ông Kim Tae Woo, cựu giám đốc Viện nghiên cứu Triều Tiên thuộc Đại học Thống nhất ở Seoul, cho biết.
Tổng thống Moon sẽ đối mặt nhiều thách thức nếu hội nghị thượng đỉnh lần này không dẫn đến kết quả tốt đẹp, không đưa ra giải pháp rõ ràng để thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.
Trong nước, ông Moon đang "đau đầu" về nhiều vấn đề kinh tế, như thị trường việc làm tăng trưởng mờ nhạt, giá bất động sản tăng vọt,... Các chuyên gia cho rằng những "cơn đau đầu" này càng khiến người dân phản đối chính sách Triều Tiên của ông.
"Nếu Tổng thống Moon không kịp thời chấn chỉnh các vấn đề kinh tế, ông ấy sẽ không thể tiếp tục làm công chúng hài lòng với chính sách Triều Tiên", ông Nam Sung Wook, giáo sư tại Đại học Hàn Quốc, nhận định. "Nếu tình hình kinh tế Hàn Quốc không được cải thiện, nhiều người sẽ yêu cầu ông Moon dừng việc đối thoại với Triều Tiên và bắt đầu giải quyết các vấn đề trong nước".
Người dân Hàn Quốc ngày càng mất niềm tin vào nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Ảnh: AP. |
Tổng thống Moon biết rõ sự ủng hộ của công chúng có vai trò như thế nào đối với chính sách Triều Tiên. Ảnh: Getty. |
Tổng thống Moon từng làm chánh văn phòng tổng thống dưới thời ông Roh, đồng thời chịu trách nhiệm chuẩn bị cho cuộc hội nghị thượng đỉnh liên Triều năm 2007 giữa cựu tổng thống Roh và cha của ông Kim Jong Un, cố lãnh đạo Kim Jong Il.
Làn sóng phản đối chính sách Triều Tiên của ông Moon ban đầu khá yếu ớt, một phần là vì phe bảo thủ bị xáo trộn sau vụ bê bối của bà Park.
Quay lưng với lời khẩn cầu sự ủng hộ phi đảng phái
Hồi tháng 2, Triều Tiên cử phái đoàn gồm các vận động viên và nhiều quan chức cấp cao sang Hàn Quốc tham dự Thế vận hội Mùa Đông Pyeongchang. Phe bảo thủ chỉ trích dữ dội sự xuất hiện của ông Kim Yong Chol, trùm tình báo bị cho là người đứng sau vụ tấn công tàu tuần tra của Hải quân Hàn Quốc năm 2010.
Tuy nhiên, mọi tiếng nói chỉ trích đều bị dập tắt sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều hồi tháng 4, sự kiện cải thiện hình ảnh ông Kim trong mắt người dân Hàn Quốc. Trong một khảo sát được thực hiện ngay sau cuộc hội nghị thượng đỉnh này, 78% người trả lời cho rằng họ có niềm tin vào vị lãnh đạo trẻ của Triều Tiên.
Nhưng trong tình hình đối thoại giữa Triều tiên và Mỹ rơi vào bế tắc như hiện nay, phe bảo thủ càng có lý do để tin rằng họ đã đúng.
Giáo sư Lim Eul Chul thuộc Đai học Kyungnam của Hàn Quốc cho rằng phe bảo thủ tại Hàn Quốc hiện nay "có xu hướng chỉ trích Triều Tiên và tách biệt họ họ khỏi chính quyền Tổng thống Moon nhằm đạt được những mục tiêu chính trị".
Tổng thống Moon Jae In mong đợi sự ủng hộ phi đảng phái từ quê nhà. Ảnh: Getty. |