“Tuần trăng mật” Trung-Phi đã chấm dứt

Ông Tập Cận Bình hứa hẹn đầu tư nhiều hơn vào châu Phi.
 Ông Tập Cận Bình hứa hẹn đầu tư nhiều hơn vào châu Phi.

Bị lôi cuốn bởi nguyên vật liệu phong phú của châu Phi, Trung Quốc giờ đây trở thành nhà tài trợ chính trên châu lục này. Một số quốc gia châu Phi lo ngại vì sự lệ thuộc vào đế chế Trung Hoa, sợ rằng đây là một kiểu “đô hộ mới”.
Vừa mới nhậm chức, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến châu Phi. Sau chuyến công du tại Nga, các quốc gia châu Phi là điểm đến của nhà lãnh đạo Trung Quốc bởi vì từ lâu, châu Phi được Trung Quốc xem như một ưu tiên.


Nhu cầu về tài nguyên là trên hết

Từ năm 1970, sau các cuộc cải cách, Trung Quốc coi  kinh tế, thương mại và nhu cầu về tài nguyên là trên hết. Năm 2006, Trung Quốc gây bất ngờ bằng việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên với châu Phi.
Từ đó, các chuyến công du của các quan chức Trung Quốc ngày càng tăng, các dự án cơ sở hạ tầng và đầu tư cũng tăng theo.
Vì sao Trung Quốc lại được sủng ái hơn các nước khác? Trong khi các nước thực dân cũ và Mỹ nhấn mạnh đến sự lãnh đạo tốt hơn trên châu lục này, thì Trung Quốc đề nghị giúp đỡ không điều kiện đồng thời không can thiệp vào nội bộ các nước. Một luận điệu làm hài lòng hầu hết các quốc gia châu Phi.
Trên phương diện ngoại giao, Trung Quốc biết ơn các quốc gia châu Phi vì nhờ họ, Bắc Kinh đã giành một ghế thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc từ tay Đài Loan vào năm 1970. Trong “Sách trắng về các chính sách với châu Phi” được xuất bản năm 2006, Trung Quốc nhấn mạnh: “Tiếp tục xây dựng và phát triển một mô hình hợp tác chiến lược thị trường mới trên sự công bằng và sự tin cậy lẫn nhau, một sự hợp tác theo hướng đôi bên cùng có lợi”.

Đối tác số 1 và nhà tài trợ chính

Từ năm 2009, Trung Quốc trở thành đối tác thương mại số một và là nhà tài trợ chính. Bằng cách thu mua các nguyên vật liệu và cung cấp cho châu lục này các nhu yếu phẩm với giá thành thấp, Trung Quốc đã tạo điều kiện cho châu lục này tăng trưởng kinh tế. Trao đổi mậu dịch của hai bên đã tăng từ 10 tỉ USD vào năm 2000 sang gần 200 tỉ USD vào năm 2012.
Theo một thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc, tính đến cuối năm 2012, các công ty Trung Quốc đầu tư hơn 15,3 tỉ USD vào châu Phi, chủ yếu trong ngành xây dựng cơ sở hạ tầng. Trung Quốc còn đầu tư cả tại các nước mà phương Tây cho là rủi ro cao như Sudan hay Zimbabwe. 800 doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc hiện có mặt tại châu lục này.

Tư tưởng bài Hoa và nguy cơ đô hộ mới

Hiện nay, gần một triệu người Hoa sống tại châu Phi. Tại một số nước như Algeria, Angola, Mozambic, Niger, báo chí địa phương đã không ngại lên tiếng về vấn đề này. Tuy nhiên, mức độ có khác nhau theo từng địa phương.
Đáng chú ý là vụ một viên quản lý mỏ than tại Zimbia bị các công nhân đình công đòi tăng lương giết chết hồi tháng 8/2012. Trong một vụ xung đột trước đó hồi năm 2011, hai viên quản lý người Trung Quốc đã làm trọng thương khoảng một chục công nhân mỏ. Cũng trong năm đó, tổ chức nhân quyền đã lên án thái độ của các công ty hầm mỏ Trung Quốc vẫn tiếp tục coi thường luật lao động và không chấp hành an toàn lao động.
Các công ty Trung Quốc áp đặt một điều kiện làm việc nặng hơn nhiều các công ty phương Tây. Một nhà nghiên cứu tại Viện các vấn đề quốc tế của Nam Phi lên tiếng: “Lẽ ra, các gia châu Phi phải áp dụng các qui định lao động nhằm chống lại sự hoành hành của các công ty Trung Quốc”.
Căng thẳng lại càng dâng cao khi Trung Quốc ồ ạt đưa hàng với giá rẻ mạt vào châu lục này, như quần áo may sẵn hay sản phẩm điện tử. Hàng hoá Trung Quốc phần nào giúp người dân cải thiện cuộc sống, nhưng cũng gây sóng gió cho không ít các thương nhân địa phương, không đủ trang bị để lao vào cuộc cạnh tranh.
Nhà nghiên cứu Anna Alve nhận xét: “Châu Phi và Trung Quốc đã có một thiên tình sử từ một thập kỷ qua. Nhưng tuần trăng mật từ nay đã chấm dứt”. Bà đánh giá: “Các nước châu Phi ý thức được về nguy cơ của một kiểu đô hộ mới”.
Năm 2012, tổng thống Nam Phi Jacob Zuma tại Bắc Kinh đã cám ơn Trung Quốc đã đối xử công bằng với các nước châu Phi, nhưng ông cũng đề phòng các nguy cơ về một mối quan hệ thương mại thiếu cân bằng và “không bền vững”. Ngày nay, châu Phi là nguồn cung cấp hàng đầu các nguyên liệu và kinh nghiệm kinh tế trước đây giữa châu Phi và châu Âu làm cho nhiều nước phải thận trọng.
Một số nước như Angola đã quyết định giảm lệ thuộc với Trung Quốc bằng cách lựa chọn các đối tác khác đa dạng hơn như Brazil, Ấn Độ và duy trì quan hệ với các nước phương Tây. Một số khác thì đặt điều kiện trong các hợp đồng như chuyển giao công nghệ, tạo công ăn việc làm cho người dân bản xứ.

TIN LIÊN QUAN:

ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Tin mới