Tục ướp xác thần bí độc nhất thế giới ở Philippines
Khi đã trở nên khô hoàn toàn, xác ướp được đặt bên trong một chiếc quan tài làm bằng gỗ thông và ướp xác trong một hang động tự nhiên...
Theo Dân Việt
Xem toàn bộ ảnh
Kabayan - thị trấn thuộc tỉnh Benguet, phía Bắc đảo Luzon, Philippines là nơi tập trung phần lớn người Ibaloi - một sắc tộc có nền văn hóa độc đáo của Philippines. Người Ibaloi được cả thế giới biết đến với tục ướp xác người chết của mình.
Phong tục này đã được người Ibaloi thực hiện rất lâu trước khi thực dân Tây Ban Nha đến xâm lược Philippines. Việc ướp xác được tiến hành trong một nghi lễ kéo dài và chỉ dành cho những người thuộc đẳng cấp cao trong cộng đồng.
Kỹ thuật ướp xác của người Ibaloi dựa trên việc sử dụng muối và các loại thảo mộc kết hợp với tác động của lửa. Quá trình này có thể kéo dài đến 2 năm.
Khi đã trở nên khô hoàn toàn, xác ướp được đặt bên trong một chiếc quan tài làm bằng gỗ thông và chôn cất trong một hang động tự nhiên hoặc hang nhân tạo được đào sâu vào lòng núi đá.
Tục lệ này đã chấm dứt khi người Tây Ban Nha chiếm đóng Philippines và áp đặt Công giáo lên cộng đồng bản địa. Kể từ đó, các hang chứa xác ướp đã bị bỏ rơi trong một thời gian dài.
Sau khi được khám phá trở lại trong những thập niên gần đây, nhiều hang động đã bị những kẻ trộm mộ cổ xâm nhập. Khách du lịch cũng là một yếu tố khiến các xác ướp bị hư hại, mất mát.
Theo thống kê, trên các sườn núi quanh thị trấn Kabayan ngày nay có hơn 200 hang động và 15 trong số đó chứa các xác ướp. Ngoài ra, có thể còn nhiều hang chứa xác ướp khác đang bị vùi lấp trong lòng núi.
Cơ quan khảo cổ của Philippines đã tích cực hợp tác với các tổ chức quốc tế để nghiên cứu và bảo tồn những xác ướp này. Nhiều biện pháp quản lý đã được đưa ra để bảo vệ các xác ướp tránh khỏi tác động tiêu cực từ con người.
Hiện tại, các hang xác ướp Kabayan đã được chính phủ Philippines nhìn nhận như di sản quốc gia, biểu tượng cho nền văn hóa - tín ngưỡng độc đáo của bộ tộc Ibaloi, cần được bảo tồn đặc biệt.
Di tích này cũng đã được Philippines đệ trình lên UNESCO để xét duyệt danh hiệu Di sản thế giới.