TVSI báo lãi sau kiểm toán 'vơi bớt' 241 tỷ, chậm thanh toán 14.800 tỷ trái phiếu

(Vietnamdaily) - Chứng khoán Tân Việt (TVSI) công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 với loạt ý kiến ngoại trừ và nhấn mạnh của đơn vị kiểm toán, đồng thời lợi nhuận sau thuế điều chỉnh giảm gần 241 tỷ (62%).

Cụ thể, sau kiểm toán, doanh thu hoạt động của TVSI vẫn giữ nguyên ở mức 2.538 tỷ đồng. Tuy nhiên, sự biến động bắt nguồn từ lỗ tài sản tài chính FVTPL khi điều chỉnh tăng 2,4%, tức gần 18 tỷ lên 709 tỷ đồng.

Thêm vào đó, chi phí quản lý từ mức được hoàn nhập 3,8 tỷ đồng ở báo cáo tự lập lại chiếm tới 222,6 tỷ đồng sau soát xét. Chính điều chỉnh mạnh này đã khiến lợi nhuận sau thuế của TVSI giảm gần 241 tỷ đồng xuống còn 148 tỷ đồng. 

Theo giải trình của TVSI, nguyên nhân do công ty đã hạch toán bổ sung các khoản chi phí đánh giá lại tài sản tài chính qua lãi lỗ, dự phòng phải thu khó đòi, dự phòng chi phí phải trả khác với tổng số tiền 244 tỷ đồng. 

TVSI bao lai sau kiem toan 'voi bot' 241 ty, cham thanh toan 14.800 ty trai phieu
 Biến động trước và sau kiểm toán 2022 của TVSI

Tại báo cáo này, đơn vị kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ liên quan tới việc trích lập dự phòng của TVSI.

Theo đó, tại ngày 31/12/2022, TVSI đã trích lập dự phòng cho việc vi phạm hợp đồng mua lại trái phiếu đến hạn nhưng không thực hiện được ở mức 50% (tương đương khoảng 195 tỷ đồng) giá trị tối đa nghĩa vụ hợp đồng vi phạm theo tổng giá trị các hợp đồng mua lại là hơn 4.870 tỷ đồng .

Đến thời điểm phát hành báo cáo kiểm toán này, đơn vị kiểm toán không đánh giá được mức phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại tiềm tàng thực tế (nếu có) của TVSI cũng như ảnh hưởng đến Báo cáo tài chính cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2022.

Tuy nhiên, TVSI giải thích rằng việc vi phạm của công ty là do bất khả kháng đã được quy định trong hợp đồng nên trong quá trình giải quyết tranh chấp công ty có thể thương lượng để không bị phạt vi phạm ở mức tối đa và công ty chỉ bồi thường khi có phán quyết của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Vì vậy, TVSI đánh giá việc trích lập dự phòng nói trên là phù hợp và đảm bảo nguyên tắc thận trọng của kế toán. 

Đơn vị kiểm toán cũng nhấn mạnh, trong quá trình kinh doanh, TVSI có thực hiện mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ từ các tổ chức phát hành và các nhà đầu tư sau đó mua đi bán lại nhiều lần với các nhà đầu tư. Đồng thời, TVSI đã ký hợp đồng mua lại một số trái phiếu đã bán cho các nhà đầu tư theo một mức giá xác định vào một ngày xác định trong tương lai.

Tổng mệnh giá các trái phiếu TVSI đã ký hợp đồng mua lại đến ngày 31/12/2022 là khoảng trên 20.700 tỷ đồng (trong đó số đã đến hạn thanh toán mà chưa thanh toán được khoảng hơn 4.870 tỷ đồng). Đến thời điểm phát hành báo cáo kiểm toán, tổng mệnh giá trái phiếu TVSI đã ký hợp đồng mua lại còn khoảng 18.000 tỷ đồng (trong đó số đã đến hạn mà chưa thanh toán được khoảng hơn 14.800 tỷ đồng).

Tuy nhiên, hiện nay, TVSI không thực hiện được việc thanh toán cho nên chuyển nhượng và gửi thông báo đến các nhà đầu tư là sẽ không thực hiện giao dịch này, đồng thời đang thực hiện đàm phán lại với các nhà đầu tư về việc hủy hợp đồng mua lại hoặc gia hạn thời gian mua lại trái phiếu tương ứng với thời gian đáo hạn trái phiếu của tổ chức phát hành nhưng việc đàm phán này chưa có kết quả cụ thể.

TVSI không ghi nhận các khoản trái phiếu nêu trên vào báo cáo tài chính này. Do đó, các nhà đầu tư vẫn đang thực hiện các quyền sở hữu và định đoạt của trái chủ đối với số trái phiếu này.

TVSI bao lai sau kiem toan 'voi bot' 241 ty, cham thanh toan 14.800 ty trai phieu-Hinh-2
 

Ngoài ra, đơn vị kiểm toán cũng lưu ý đến thuyết minh về việc TVSI vẫn còn hơn 1.609 tỷ đồng tiền gửi tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đang bị phong tỏa.

Theo đó, từ ngày 2/11/2022 số dư tiền gửi của TVSI tại SCB là khoảng 1.609 tỷ đồng bao gồm tiền gửi nhà đầu tư phục vụ nhu cầu thanh toán giao dịch chứng khoán khoảng 879 tỷ đồng và tiền gửi của TVSI phục vụ các nghĩa vụ thanh toán khác cho khách hàng khoảng 730 tỷ đồng không giao dịch được.

TVSI đã gửi công văn tới các Cơ quan chức năng liên quan phê duyệt các lệnh chuyển tiền từ các tài khoản của công ty mở tại SCB sang các tài khoản khác để giao dịch chứng khoản. Tuy nhiên công ty chưa nhận được phản hồi từ phía các cơ quan chức năng.

Cuối cùng, TVSI đang bị UBCKNN đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt từ 18/5 đến 17/9, còn Sở GDCK VN cũng quyết định đưa TVSI vào diện đình chỉ hoạt động mua bán chứng khoán trên thị trường chứng khoán niêm yết và thị trường đăng ký giao dịch tại HOSE và HNX từ 27/6 cho đến khi được UBCKNN có quyết định đưa ra khỏi tình trạng kiểm soát đặc biệt.

TVSI cũng vừa công bố báo cáo tài chính riêng lẻ 6 tháng đầu năm 2023 với doanh thu hoạt động vỏn vẹn 134 tỷ đồng, lao dốc 92% so cùng kỳ 2022. Sau khi trừ các loại chi phí, TVSI chỉ lãi ròng 24 tỷ đồng, suy giảm mạnh 91% so cùng kỳ.  

TVSI lên kế hoạch 2023 thế nào sau loạt biến cố liên quan trái phiếu Vạn Thịnh Phát?

(Vietnamdaily) - Chứng khoán Tân Việt (TVSI) vừa công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2023 với nhiều nội dung quan trọng, đặc biệt là việc bầu mới dàn nhân sự cấp cao sau nhiều biến cố.

Theo đó, năm 2023, TVSI đặt mục tiêu kinh doanh thận trọng với chủ đề tập trung giải quyết vấn đề về trái phiếu song duy trì hoạt động môi giới cơ sở và phấn đấu hòa vốn.

Cụ thể, TVSI lên kế hoạch doanh thu gần 200 tỷ đồng, lao dốc 92% so với thực hiện năm 2022. Thu không đủ bù chi nên TVSI dự kiến lỗ ròng 570 triệu đồng.

TVSI bị đình chỉ hoạt động mua chứng khoán từ 27/6

(Vietnamdaily) - Thời gian TVSI đình chỉ từ ngày 27/6 cho đến khi được UBCKNN có quyết định đưa ra khỏi tình trạng kiểm soát đặc biệt.

Ngày 23/6, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam (HOSE) ban hành Quyết định số 44/QĐ-SGDVN đình chỉ hoạt động mua chứng khoán trên thị trường chứng khoán niêm yết và thị trường đăng ký giao dịch đối với CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) tại Sở GDCK TPHCM và Sở GDCK Hà Nội.

Nguyên nhân TVSI bị đình chỉ do Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước (UBCKNN) đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt tại Quyết định số 353/QĐ-UBCK ngày 18/5/2023 của Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Thời gian đình chỉ từ ngày 27/6 cho đến khi TVSI được UBCKNN có quyết định đưa ra khỏi tình trạng kiểm soát đặc biệt.

TVSI bi dinh chi hoat dong mua chung khoan tu 27/6
 

Trước đó ngày 30/5, UBCKNN về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với TVSI số tiền 125 triệu đồng do vi phạm quy định về hạn chế giao dịch ký quỹ.

Cụ thể, ngày 3 và 4/6/2021, tỷ lệ ký quỹ ban đầu của một số tài khoản khách hàng thấp hơn 50% theo quy định, tuy nhiên, TVSI đã giải ngân cho khách hàng vay tiền để thực hiện giao dịch ký quỹ khi khách hàng không bảo đảm tỷ lệ ký quỹ theo quy định.

Trước đó, hồi tháng 10/2022, TVSI có thông báo sẽ tạm dừng dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán cho tới khi có thông báo tiếp theo. Đồng thời công ty chứng khoán này cũng tạm thời dừng nhận chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp cho TVSI.

Ngoài ra, hồi tháng 1/2023, TVSI còn bị phạt 745 triệu đồng do loạt vi phạm liên quan đến việc cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu doanh nghiệp trong thời kỳ từ ngày 1/1/2021 đến 5/9/2022.

Đồng thời, TVSI còn bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt do Báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính ngày 31/12/2022 do Công ty lập không được kiểm toán. Thời hạn kiểm soát đặc biệt từ ngày 18/5 đến 17/9/2023.

Trước đó liên quan đến lô trái phiếu của Tập đoàn An Đông, mối quan hệ với Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và SCB, TVSI cho biết TVSI hoạt động độc lập, không liên quan tới Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Đồng thời, SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát không phải cổ đông của TVSI và hoàn toàn không có tác động đến việc điều hành TVSI.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2023, TVSI đặt mục tiêu doanh thu khoảng 200 tỷ đồng, giảm đến 92% so với thực hiện năm 2022. Đồng thời lỗ trước thuế 749 triệu đồng và lỗ sau thuế 570 triệu đồng. Mục tiêu kinh doanh được HĐQT TVSI đặt thận trọng, tập trung giải quyết vấn đề về trái phiếu, song duy trì hoạt động môi giới cơ sở và phấn đấu hòa vốn.

Về tình hình kinh doanh, năm 2022 TVSI ghi nhận doanh thu hoạt động giảm hơn 24% xuống còn 2.538 tỷ đồng. Lãi sau thuế giảm 34% còn 389 tỷ đồng.

Tính tới cuối năm 2022, tổng tài sản của TVSI giảm mạnh về mức 4.337 tỷ đồng, giảm hơn 35%. Trong đó, tiền mặt ở mức 1.967 tỷ đồng, gấp 5,6 lần đầu năm. Song, tiền mặt của Công ty giảm so với mức 3.048 tỷ đồng vào cuối quý 3, giảm gần 35%.

Dư nợ cho vay giảm mạnh so với đầu năm xuống còn gần 363 tỷ đồng, giảm tới 93%.

Ngược lại, số dư tài sản tài chính FVTPL gấp đôi đầu năm, đạt hơn 1.913 tỷ đồng. Nguyên nhân do Công ty gia tăng số dư trái phiếu chưa niêm yết lên mức gần 1.692 tỷ đồng, gấp đôi đầu năm.

Về nguồn vốn, Công ty đã giảm nợ phải trả từ mức gần 3.162 tỷ đồng xuống còn hơn 368 tỷ đồng. Trong đó, khoản nhận ký quỹ, ký cược ngắn hạn giảm mạnh từ gần 1.698 tỷ đồng xuống còn gần 40 tỷ đồng. Nợ dài hạn từ trái phiếu giảm từ 840 tỷ đồng xuống còn 40.5 tỷ đồng.