UAE loại Su-35S để chọn mua F-35A Mỹ: Cái tát đau cho Nga?
Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất - UAE mới đây cho biết, họ đã từ bỏ hợp đồng mua tiêm kích Su-35S của Nga để chọn F-35A do Mỹ chế tạo.
Theo Bạch Dương/ANTĐ
Xem toàn bộ ảnh
Báo chí khu vực cho biết, thông tin UAE có dự định mua vài chục máy bay chiến đấu đa năng thế hệ 4,5 Su-35S của Nga nhằm phục vụ nhu cầu tác chiến của quân đội quốc gia Trung Đông này đã bị bác bỏ.
Nguyên nhân chủ yếu là do UAE đã nhất trí ký một thỏa thuận với Mỹ nhằm mang về 50 tiêm kích tàng hình thế hệ năm F-35A Lightning II với tổng số tiền khoảng 10 - 11 tỷ USD.
"Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ cho biết hôm 29/10 rằng, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã thông báo không chính thức cho Quốc hội về ý định tiến tới việc bán lượng lớn vũ khí cho UAE, cụ thể là tiêm kích tàng hình F-35A tối tân".
"Hai nghị sĩ của Đảng Dân chủ cho biết thương vụ bao gồm 50 máy bay F-35A trị giá khoảng 10 tỷ USD. Công nghệ trên sẽ làm thay đổi đáng kể cán cân quân sự ở Vịnh Ba Tư và ảnh hưởng đến ưu thế quân sự của Israel".
Thông tin nói trên được ông Eliot Engel - một thành viên cấp cao của Đảng Dân chủ trong Ủy ban Đối ngoại Hạ viện cho biết trong một tuyên bố và được hãng tin CNN trích dẫn.
Trước đó UAE thực sự tỏ ra rất quan tâm đến máy bay chiến đấu Su-35 của Nga, và theo một số báo cáo, thậm chí cả tiêm kích thế hệ thứ năm Su-57.
Tuy nhiên sau khi đánh giá kỹ tính năng kỹ chiến thuật thì họ đã nghiêng về phương án mua lô lớn tiêm kích tàng hình F-35A từ Mỹ, ngoài ra không loại trừ khả năng Mỹ gây áp lực lên UAE thông qua biện pháp trừng phạt theo Đạo luật CAATSA.
Đây được xem là thất bại nặng nề khác của ngành công nghiệp quốc phòng Nga, khi liên tiếp nhiều quốc gia Trung Đông đã tuyên bố hủy mua tiêm kích Su-35S cũng như hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400.
Bên cạnh đó, việc Su-35S chưa chứng minh được năng lực một cách ấn tượng như quảng cáo, trong khi F-35 đã tham chiến trong thành phần không quân Israel cũng là nguyên nhân quan trọng.
Hiện tại không có tuyên bố chính thức nào từ các quan chức cấp cao về vấn đề trên, nhưng các chuyên gia chú ý đến thực tế là Washington vẫn có thể từ chối thỏa thuận do áp lực từ phía Israel.
Cụ thể là Tel Aviv muốn Mỹ giúp cho mình có ưu thế tuyệt đối trước các quốc gia Trung Đông khác, bất chấp việc họ và UAE vừa thiết lập quan hệ ngoại giao.
Trong trường hợp viễn cảnh này diễn ra thì cơ hội có thể lại đến với máy bay chiến đấu Su-35S của Nga như một phương án thay thế chấp nhận được.
Hiện tại tập đoàn Lockheed Martin - nhà sản xuất F-35 vừa thông báo dây chuyền sản xuất đang phải hoạt động cầm chừng liên quan đến khó khăn trong công tác thử nghiệm cũng như vướng mắc tìm kiếm nhà sản xuất thay thế Thổ Nhĩ Kỳ.
Điều này có thể khiến mốc thời gian để UAE chính thức sở hữu chiếc tiêm kích tàng hình thế hệ năm tối tân trên bị trì hoãn thêm một khoảng thời gian khá dài nữa, nhất là khi Mỹ còn phải hoàn thành hợp đồng với nhiều đối tác khác.